Saturday, November 30, 2013

Lê Đại Hành phá Tống, bình Chiêm

Thứ Bảy ngày 30.11.2013    
Kính thưa quý thính giả,
Lê Đại Hành là vị vua khai sáng nhà Tiền Lê, trị vì từ năm 980 đến 1005. Ông là một trong danh sách 14 vị anh hùng dân tộc tiêu biểu nhất ở Việt Nam. Trong sử Việt, ông không những là một vị hoàng đế có chiến công hiển hách trong việc đánh bại quân xâm lược nhà Tống ở phương Bắc và bình định quân Chiêm Thành tại phương Nam để giữ gìn bờ cõi và củng cố nền độc lập cho nước Đại Cồ Việt.
Ông cũng là người tạo điều kiện để đức Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long vào năm 1010, mở ra thời kỳ tự chủ lâu dài cho dân tộc.
Trong tiết mục "Danh nhân nước Việt" tối nay, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài "Lê
Đại Hành phá Tống, bình Chiêm" của Việt Thái qua giọng đọc của Tam Thanh.
*****
Theo Đại Việt sử ký toàn thư thì Lê Đại Hành có tên húy là Lê Hoàn, sinh ngày 10/8/941, nhằm ngày Rằm tháng Bảy năm Tân Sửu tại làng Bảo Thái, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Mồ côi cha mẹ vào năm 7 tuổi, ông được Quan Án châu Ái tên Lê Đột nhận làm con nuôi.
Khi lớn lên, ông gia nhập đạo quân của Nam Việt Vương Đinh Liễn và lập được nhiều chiến công, nên đức Đinh Bộ Lĩnh giao cho ông chỉ huy đoàn quân có hơn 2 ngàn binh sĩ.
Đến năm 968, Đinh Bộ Lĩnh dẹp xong loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước, lập nên nhà Đinh. Lê Hoàn có nhiều công lao trong cuộc dẹp loạn nên được giao chức vụ Thập đạo Tướng quân, tổng chỉ huy quân đội kiêm chức Điện tiền Chỉ huy sứ, trực tiếp chỉ huy đội cấm vệ quân của triều đình. Lúc đó Lê Hoàn chỉ mới 27 tuổi.
Tháng 10 năm 979, Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn bị sát hại, Vệ vương Đinh Toàn 6 tuổi lên ngôi vua. Lê Hoàn trở thành quan Nhiếp chính. Các đại thần thân cận của Đinh Tiên Hoàng là Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Trịnh Tú, Lưu Cơ, Phạm Hạp nổi dậy chống lại Lê Hoàn nhưng bị Lê Hoàn đánh dẹp. Phò mã Ngô Nhật Khánh phải bỏ trốn vào Nam cầu cứu và cùng vua Chiêm Thành đem hơn một ngàn chiến thuyền đánh kinh đô Hoa Lư nhưng đoàn tàu đều bị chìm vì bão.
Thấy triều đình Hoa Lư rối ren, nhà Tống bên Tàu muốn đưa quân xâm chiếm Đại Cồ Việt. Trước tình hình đó, Thái hậu Dương Vân Nga cùng tướng Phạm Cự Lạng và các triều thần tôn Lê Hoàn lên làm vua. Lê Hoàn lên ngôi lấy niên hiệu là Thiên Phúc, quốc hiệu vẫn là Đại Cồ Việt, đóng đô tại Hoa Lư.
Đầu năm 981, vua Tống cử các tướng Hầu Nhân Bảo, Trần Khâm Tộ tiến đánh nước Việt. Bộ binh theo ngả Lạng Sơn, thủy binh tiến vào sông Bạch Đằng. Tháng Ba năm 981, quân của Hầu Nhân Bảo đến Ngân Sơn, Trần Khâm Tộ đến Tây Kết, Lưu Trừng đến sông Bạch Đằng. Vua Lê Đại Hành đích thân chỉ huy quân Đại Cồ Việt chặn đánh quân Tống.
Tại sông Bạch Đằng, quân dân Việt áp dụng chiến thuật của đức Ngô Quyền, cắm cọc dưới sông và lợi dụng thủy triều để tiêu diệt đạo thủy quân của nhà Tống, khiến tướng giặc Tôn Toàn Hưng dừng quân hơn 70 ngày, chần chừ không dám tiến. Hầu Nhân Bảo tự đem quân theo sông Thương tiến đến Chi Lăng, vua Lê Đại Hành dùng kế trá hàng rồi phục binh tiêu diệt hơn phân nửa quân Tống.
Sau hai trận thắng lớn ở Bạch Đằng và Tây Kết, quân Đại Cồ Việt giết được Hầu Nhân Bảo, bắt sống các tướng Quách Quân Biện, Triệu Phụng Huân. Quân Tống vội vàng tháo chạy về nước.
Năm 982, vua Lê Đại Hành cử Ngô Tử Canh và Từ Mục đi sứ Chiêm Thành, nhưng cả hai bị vua Chiêm bắt giam. Nhà vua tức giận mang quân đi đánh Chiêm Thành và giết vua Chiêm tại trận tiền.
Trong thời gian 26 năm trị nước, vua Lê Đại Hành đặc biệt quan tâm đến vùng đất phía Nam, nên đã mở cuộc Nam tiến của người Việt, mở rộng cõi bờ cho Đại Cồ Việt.
Hiện có hơn 43 nơi thờ Lê Đại Hành trong nước. Ninh Bình là vùng đất kinh đô, các đền thờ tập trung nhiều ở khu di tích cố đô Hoa Lư. Các nơi thờ tiêu biểu như di tích đình và đền vua Lê Đại Hành ở các xã Chi Lăng, Hưng Hà, Bắc Sơn, Thái Thịnh, Quỳnh Sơn, Quỳnh Trang... Các đền thờ ở khu vực Hà Nội đều tập trung ở ven sông Nhuệ, nơi diễn ra đại thắng mùa xuân 981.
Tên tuổi vua Lê Đại Hành sẽ sống mãi trong lòng dân tộc vì ngài đã có công phá Tống, bình Chiêm, dựng lại nền độc lập tự chủ cho nước Đại Cồ Việt. Tinh thần này đã được con dân nước Việt về sau noi theo trước những cơn nguy biến của đất nước. Nhưng hiện nay, bạo quyền Cộng sản Việt Nam đã chối bỏ tinh thần tự chủ này, đã dâng biển đảo cho Tàu Cộng, nhẫn tâm đàn áp và cầm tù những người Việt yêu nước biểu tình bày tỏ lập trường chống ngoại xâm. Vì vậy, một ngày gần đây, toàn dân Việt sẽ nhất tề nổi dậy dẹp bỏ chế độ độc tài Cộng sản, đuổi quân Tàu Cộng giành lại chủ quyền ở Biển Đông, chứ không chấp nhận cúi đầu làm nô lệ cho Đại Hán! Truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc Việt sẽ mãi mãi trường tồn.
Việt Thái

No comments:

Post a Comment