Saturday, November 16, 2013

Danh tướng Trần Nguyên Hãn

Thứ Bảy, ngày 16.11.2013
Kính thưa quý thính giả, theo chiều dài của lịch sử Việt Nam, các danh tướng Tây Sơn cả đời xông pha trận mạc, chiến đấu oanh liệt, vì nghĩa quên mình để cứu dân cứu nước. Trong số đó có võ tướng Trần Nguyên Hãn, người đã cùng nghĩa quân Lam Sơn xông pha trong cuộc chiến chống giặc ngoại xâm, dựng lại ngọn cờ tự chủ cho dân tộc. Trong tiết mục “Danh Nhân Nước Việt” tối nay, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài: “Danh Tướng Trần Nguyên Hản” của Việt Thái qua giọng đọc của Tam Thanh để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay
Trần Nguyên Hãn sinh ra và sống ở xã Sơn Đông, nay thuộc huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Ông thuộc dòng dõi tôn thất nhà Trần, là cháu của Thái sư Trần Quang Khải và là cháu nội của Đại tư đồ Trần Nguyên Đán.
Sau khi quân nhà Minh xâm chiếm nước Việt, ông gánh dầu đi bán khắp nơi để tìm và kết giao với những người có khả năng và ý định chống giặc.
Năm 1420, Trần Nguyên Hãn theo đức Nguyễn Trãi đầu quân dưới cờ Lam Sơn.
Cuối tháng 10/1426, Trần Nguyên Hãn theo đức Lê Lợi đánh ra miền Bắc. Đợt công phá thành Đông Quan ngày 22/11/1426, đức Lê Lợi chia quân thành 3 cánh:
-Một cánh do Đinh Lễ chỉ huy, gồm một vạn quân tấn công vào cửa Tây.
-Cánh trung quân do đức Lê Lợi đích thân chỉ huy tấn công vào cửa Nam.
-Cánh thủy quân tấn công vào cửa Đông được giao cho Trần Nguyên Hãn và Bùi Bị.
Trần Nguyên Hãn đem 100 chiến thuyền đóng ở Đông Bộ Đầu, đánh phá quân Minh.
Mặt khác, quân Lam Sơn quyết tâm hạ thành Xương Giang trước khi quân Minh đưa quân tiếp viện vào đất Việt. Thành Xương Giang là một thành lớn, rộng 25 ha, án ngữ ngay trên đường từ Quảng Tây tới Đông Quan, chỉ cách Đông Quan khoảng 50 km, là vị trí trọng yếu về quân sự, nên trở thành mục tiêu trong kế hoạch tấn công của đức Lê Lợi.
Quân Minh quyết tâm cố thủ, các tướng giữ thành là Lý Nhậm, phó tướng Kim Dận, tri phủ Lưu Tử Phụ, Cố Phi Phúc, Lưu Thuận, Phùng Trí và Lý Nhậm.
Đức Nguyễn Trãi đã 2 lần viết thư chiêu hàng và đưa Thái Phúc (tướng Minh giữ thành Nghệ An đã đầu hàng) tới chân thành để thuyết phục đầu hàng, nhưng đều thất bại. Các tướng Lê Sát, Lê Triện, Nguyễn Đình Lý, Lê Lãnh, Lê Thụ, thay phiên cầm quân tấn công thành Xương Giang nhưng đều không có kết quả.
Tháng 9/1427, Trần Nguyên Hãn lãnh nhiệm vụ chỉ huy công thành. Ông cho đào công sự từ các khu rừng lân cận, đào hầm ngầm từ ngoài vào bên trong thành, tiến hành nội công ngoại kích với sự phối hợp của đội quân đã lọt được vào bên trong.
Đêm 28/9/1427, chưa đầy một canh giờ, Trần Nguyên Hãn đã chiếm thành. Toàn bộ quân giặc trong thành đều tử trận, Lý Nhậm và Kim Dận đều tự sát. Thành Xương Giang thất thủ, 10 ngày sau đại quân tiếp viện của tướng Liễu Thăng mới tới biên giới Việt-Trung.
Khi hay tin thành Xương Giang đã mất, quân Minh tập trung quân trên cánh đồng trống, cách thành khoảng 3 km về hướng Bắc, xung quanh là làng mạc, đồng ruộng và những ngọn đồi thấp.
Trận tổng tấn công bắt đầu ngày 3/11/1427, Trần Nguyên Hãn làm chủ tướng. Quân của ông chặn được đường về của Đô đốc nhà Minh là Thôi Tụ và chận đường tiếp tế lương thực của giặc Minh. Liễu Thăng bị tướng Lê Sát chết chém tại Ải Chi Lăng. Một vạn quân Minh tử trận tại gò Mã Yên. Binh bộ Thượng thư Lý Khánh tự sát. Một vạn quân Minh bỏ thây tại Cần Trạm, hàng ngàn quân Minh bị tử thương trên đường đi từ Cần Trạm đến Phố Cát. Lương Minh chết khi vừa nhậm chức Tổng binh được 5 ngày, còn Thôi Tụ tử trận khi nhậm chức được 20 ngày.
Tại Đông Quan, sau trận chiến trên cánh đồng Xương Giang, Vương Thông vẫn chưa chịu nghị hòa, dốc hết quân còn lại trong thành công kích ra ngoài nhưng thất bại, bị ngã ngựa và suýt bị bắt sống. Đến khi quân Lam Sơn đắp 2 chiến lũy chắn ngay cửa Nam và Bắc của thành và nhận liền 7 bức thư của đức Nguyễn Trãi, với những lời lẽ vừa phân tích, vừa đe dọa, vừa tỏ thiện chí, Vương Thông mới chịu nghị hòa và chấp nhận tổ chức một hội thề chính thức tuyên bố rút quân về nước.
Hội thề này, về sau được sách sử gọi là hội thề Đông Quan diễn ra vào tháng 12/1427 tại phía Nam thành, bên bờ sông Cái.
Khi đức Lê Lợi lên ngôi, phong cho Trần Nguyên Hãn chức Tả Tướng Quốc, Bình Chương Quân Quốc Trọng Sư, Khu Mật Đại Sứ, chức vụ lớn nhất ở Khu Mật Viện.
Sau khi Trần Nguyên Hãn mất, ông được nhiều làng ở Sơn Động và các vùng xung quanh lập đền thờ đề tên "Tả tướng Trần Nguyên Hãn". Đền này được xây ngay trên nền ngôi nhà cũ của ông. Tên Trần Nguyên Hãn được đặt cho nhiều đường phố tại Hà Nội, Hải phòng, Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu và Sài Gòn.
Đặc biệt tại công trường Quách Thị Trang trước chợ Bến Thành, Sài Gòn, có tượng danh tướng Trần Nguyên Hãn cưỡi ngựa có chim bồ câu trên tay. Trần Nguyên Hãn được tôn là Thánh Tổ binh chủng truyền tin của Quân lực Việt Nam Cộng hòa.
Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã sinh ra nhiều văn thần võ tướng được ghi vào sử Việt. Hiện nay cuộc đấu tranh chống lại chế độ độc tài Cộng sản cũng đã và đang xuất hiện nhiều anh hùng và anh thư của nước Việt. Do đó, chúng ta có thể tin rằng, cuộc đấu tranh cho tự do và dân chủ tại Việt Nam cũng sẽ thành công giống như cuộc khởi nghĩa Lam Sơn vì cùng là cuộc chiến giữa thiện và ác. Chính nghĩa bao giờ cũng thắng hung tàn. Tuổi trẻ Việt Nam luôn ghi nhớ hai câu thơ trong Bình Ngô Đại Cáo:
"Lấy chí nhân thay cường bạo,
Đem đại nghĩa thắng hung tàn".
Việt Thái

No comments:

Post a Comment