Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Xuân Nhi & Bá Cơ trình bày sau đây.
1/ BỘ CHÍNH TRỊ CSVN CÔNG BỐ CHỨC DANH CHỦ TỊCH NƯỚC
Đúng như tin đồn, ông Võ Văn Thưởng, (52 tuổi), nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương vừa chính thức nhậm chức Chủ tịch nước vào hôm qua 2/3/2023. Ông Thưởng được Nguyễn Phú Trọng chọn lựa, được Bộ Chính trị chấp thuận sau đó được Quốc hội thông qua (hình thức thủ tục) để chính thức tuyên thệ nhậm chức, thay ông Nguyễn Xuân Phúc bị phế truất vào tháng Giêng vừa qua.
Trong bài phát biểu nhậm chức, ông Võ Văn Thưởng nhấn mạnh:
"Tôi nhận thức sâu sắc rằng vấn đề mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn, nền tảng vững chắc đối đất nước ta, chế độ ta là phải kiên định vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh”. Đáng chú ý, ông Thưởng bắt đầu bài tuyên thệ bằng câu “Kính thưa đồng chí Nguyễn Phú Trọng”, thay vì thưa “quốc hội” hoặc thưa “đồng bào”, hay “đồng chí” như thường thấy từ những người tiền nhiệm.
Võ Văn Thưởng được biết đến là nhân vật thân cận với người có quyền lực cao nhất nước- TBT Nguyễn Phú Trọng và là người trẻ nhất trong Bộ Chính trị. Nhiều tin đồn ông là con trai của Võ Văn Kiệt, cố thủ tướng chính phủ CSVN. Ông Thưởng tuyên thệ nhậm chức trong kỳ họp bất thường lần thứ 4, Quốc hội khóa XV vào sáng 2/3/2023.
Chức danh CTN không do tranh cử mà do Bộ chính trị lựa chọn và “thỏa thuận kín” trước khi được đưa ra Quốc hội “thông qua”, thực chất là hợp thức hóa quyết định trên. Chủ tịch nước không có chương trình hành động cụ thể, không được dân bầu và bài phát biểu thường giống văn mẫu, thể hiện sự trung thành với đảng và kiên định con đường XHCN.
2/ DUYỆT KHOẢN VAY TIỀN CHO DỰ ÁN PHONG ĐIỆN LÀO – VIỆT
Ngân hàng Phát triển Á châu (ADB) và công ty điện gió Monsoon vừa ký kết khoản vay mượn hơn 682 triệu Mỹ kim vào ngày 1/3 để xây dựng một nhà máy phong điện 600 MW ở khu vực Nam Lào.
Đây là nhà máy phong điện lớn nhất Đông Nam Á và cũng là nhà máy xuyên biên giới đầu tiên ở Á châu. Theo thông cáo báo chí của Ngân hàng Phát triển Á châu, nhà máy phong điện cùng với đường dây truyền tải 500 KV sẽ được xây dựng tại tỉnh Sekong và tỉnh Attapeu. Số điện năng tạo được sẽ được bán cho Tập đoàn Điện lực VN theo hợp đồng kéo dài 25 năm.
Theo giám đốc khu vực tư nhân của ADB, bà Suzanne Gaboury, thì các nền kinh tế đang phát triển ở Á châu và Thái Bình Dương phải đối mặt với sự thiếu hụt trong các khoản đầu tư cần thiết để dọn đường cho mức tăng trưởng xanh. Vì vậy việc hợp tác phát triển và tài trợ thương mại cho dự án này thu hẹp khoảng cách này bằng cách huy động vốn tư nhân để phát triển các nguồn tài nguyên gió được chuyển thành sản xuất điện sạch có thể thúc đẩy tiến bộ kinh tế và xã hội trong khu vực.
Cung cấp điện xuyên biên giới là một trụ cột cho tăng trưởng kinh tế của Lào, và việc khai thác các nguồn tài nguyên gió chưa được khai thác có thể mang lại sự đa dạng hóa năng lượng cho quốc gia này. Dự án cũng sẽ giúp giảm phát thải khí nhà kính ít nhất là 748 ngàn tấn carbon dioxide mỗi năm.
3/ GIẢI CỨU THÊM 5 CON GẤU BỊ NHỐT LẤY MẬT Ở HÀ NỘI
Nhóm giải cứu động vật Animals Asia vừa đưa được 5 con gấu ngựa ra khỏi một trang trại khai thác mật bất hợp pháp ở VN.
Những con gấu trên được giải cứu khỏi một trang trại ở ngoại ô Hà Nội, và kể từ khi được giải cứu vào tuần trước, chúng đã được đưa đến một khu bảo tồn và được đặt các biệt danh trong đó có "Chạng vạng" và "Nửa đêm". Nhà cầm quyền Hà Nội ước tính năm con gấu có thể đã bị nhốt ở trang trại khoảng 20 năm qua.
Cần biết là hoạt động nuôi gấu lấy mật đã bị cấm ở Việt Nam từ năm 1992, nhưng hoạt động này vẫn tiếp diễn do nhu cầu đối với các sản phẩm làm từ mật gấu tăng cao. Mật bị lấy từ túi mật của gấu và bán trên thị trường chợ đen để xử dụng trong y học cổ truyền. Những con gấu phải chịu những tổn thương nặng nề về thể chất và tâm lý, đồng thời thường bị nhốt trong điều kiện chật chội và không chống chọi được với bệnh tật và suy dinh dưỡng.
Ông Tuấn Bendixen, giám đốc Animals Asia tại Việt Nam, cho biết là nhốt gấu trong lồng nhỏ sẽ gây ra các vấn đề về tinh thần và thể chất cho động vật và những người nuôi gấu không biết cách chăm sóc chúng đúng cách.
4/ BINH SĨ UKRAINE NỖ LỰC BÁM TRỤ Ở CHẢO LỬA BAKHMUT
Binh sĩ Ukraine đang nỗ lực bám trụ các cứ điểm ở thành phố Bakhmut trước các cuộc tiến công liên tiếp của quân Nga từ ba hướng bắc, đông và nam.
Dân biểu Serhiy Rakhmanin, một nghị sĩ của quốc hội Ukraine, vào tối 1/3 cho biết là không sớm thì muộn, lực lượng Ukraine sẽ phải rời khỏi Bakhmut vì không có lý do để tử thủ tại đây. Tuy nhiên trong lúc này, Bakhmut sẽ được cố thủ với mục đích gây tổn thất nhiều nhất cho quân Nga.
Trận chiến giành thành phố Bakhmut thuộc tỉnh Donestk, ở miền đông Ukraine, đã nổ ra từ 7 tháng trước, nhưng bắt đầu gia tăng cường độ trong những tuần gần đây. Các cuộc giao tranh khốc liệt giữa hai bên đã biến Bakhmut thành một trong những mặt trận đẫm máu nhất, trong khi hàng ngàn thường dân vẫn sinh sống ở thành phố này.
Trong tuyên bố vào tối 1/3, bộ tổng tham mưu Ukraine cho biết các lực lượng Nga đang cố gắng tiến vào Bakhmut với cường độ "không ngừng nghỉ".
Tổng thống Volodymyr Zelensky thông báo lực lượng Ukraine đang cố gắng kiểm soát từng khu vực của mặt trận, trong khi Nga đưa hàng loạt quân vào các cuộc giao tranh. Ông Zelensky thừa nhận, mặc dù Bakhmut là mặt trận "khó khăn nhất", nhưng việc bảo vệ thành phố là cần thiết.
Quân Nga đang tìm cách kiểm soát tuyến đường duy nhất ra vào thành phố. Việc kiểm soát Bakhmut sẽ cho phép Nga mở rộng tiến công đến các thành phố lân cận ở Donetsk hiện vẫn do Ukraine kiểm soát. Ngoài ra chiến thắng ở Bakhmut cũng giúp Nga lấy lại tinh thần sau hàng loạt bước lùi kể từ mùa hè năm ngoái.
Phương Tây được cho là đã khuyến cáo Ukraine chuyển hướng trọng tâm khỏi Bakhmut, dành nguồn lực cho các mặt trận khác để hạn chế tổn thất và tận dụng vũ khí hiện đại do Mỹ và đồng minh viện trợ.
5/ DÂN HY LẠP NỔI GIẬN VỀ THẢM KỊCH TÀU HỎA VỪA XẢY RA
Các cuộc biểu tình đã nổ ra ở Hy Lạp sau vụ tai nạn hỏa xa khiến 43 người chết, với nhiều người tin rằng đó là một tai nạn đã được chờ đợi sẽ xảy ra.
Những người bạo loạn đã đụng độ với cảnh sát bên ngoài trụ sở của Hellenic Train ở Athens, công ty chịu trách nhiệm bảo trì đường sắt của Hy Lạp. Các cuộc biểu tình cũng diễn ra ở Thessaloniki và thành phố Larissa, gần nơi xảy ra thảm họa vào đêm thứ Ba 28/2.
Chính phủ Hy Lạp cho biết một cuộc điều tra độc lập đang diễn ra. Ba ngày quốc tang đã được tuyên bố trên khắp đất nước sau biến cố nói trên.
Thảm họa xảy ra khi một tàu chở khách đâm trực diện vào một tàu chở hàng, khiến các toa phía trước bốc cháy. Các toa phía trước của đoàn tàu chở khách bị phá hủy gần hết.
Nhiều người trong số 350 hành khách trên tàu là sinh viên ở độ tuổi 20 trở về Thessaloniki sau kỳ nghỉ cuối tuần. Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis cho biết lỗi thảm khốc của “con người" là nguyên nhân gây ra tai nạn nói trên.
Một người phụ trách ga 59 tuổi ở Larissa đã bị buộc tội ngộ sát do sơ suất. Ông đã phủ nhận mọi hành vi sai trái và đổ lỗi cho vụ tai nạn là do lỗi kỹ thuật. Các thành viên công đoàn đường sắt tin rằng hệ thống an toàn không hoạt động bình thường, với việc đã đưa cảnh báo liên tục về điều này trong nhiều năm.
Bộ trưởng giao thông vận tải Kostas Karamanlis đã từ chức sau thảm họa và nói rằng ông sẽ chịu trách nhiệm về "những thất bại lâu dài" của chính quyền trong việc sửa chữa hệ thống đường sắt mà ông cho là không phù hợp với thế kỷ 21.
Tại một buổi cầu nguyện thầm lặng ở Larissa vào hôm thứ Tư để tưởng nhớ các nạn nhân của thảm họa này, một người biểu tình cho biết ông cảm thấy thảm họa chỉ là vấn đề thời gian. Một buổi cầu nguyện cũng được tổ chức ở Athens, bên ngoài văn phòng của Hellenic Train.
Vào cuối ngày, biểu tình trở nên bạo động trong cùng khu vực, khi cảnh sát dùng hơi cay để giải tán những người biểu tình ném đá và đốt lửa trên đường phố.
Tại địa điểm xảy ra vụ tai nạn tàu hỏa tồi tệ nhất của đất nước, lực lượng cứu hộ đã làm việc suốt đêm. Các gia đình đã đến một bệnh viện gần đó để cung cấp các mẫu DNA để có thể xác định những người thân mất tích của họ. Nhiệt độ bên trong toa đầu tiên đã lên tới hơn một ngàn độ C khiến khó xác định được những người bên trong.
6/ MỸ THÔNG QUA VỤ BÁN VŨ KHÍ 620 TRIỆU MỸ KIM CHO ĐÀI LOAN
Bộ quốc phòng Mỹ vào ngày 1/3 thông báo đã thông qua việc bán cho Đài Loan số vũ khí gồm phi đạn và đạn dược trang bị cho chiến đấu cơ F-16, có trị giá 620 triệu đô la.
Đây là thương vụ bán vũ khí đầu tiên trong năm 2023 của Washington cho Đài Bắc và là thương vụ thứ 9 trong nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Theo thông báo của Ngũ Giác Đài, Mỹ sẽ bán cho Đài Loan 100 phi đạn chống radar tốc độ cao, cùng 2 trăm phi đạn không đối không tầm trung, nhiều giàn phóng phi đạn, cũng như hỏa tiễn mô phỏng dùng trong thao dượt.
Bộ quốc phòng Mỹ khẳng định các loại vũ khí này sẽ củng cố khả năng phòng thù Đài Loan, và bảo vệ an ninh trong khu vực.
Thương vụ bán vũ khí Mỹ cho Đài Bắc được thông báo trong bối cảnh các căng thẳng giữa Trung Cộng và Đài Loan không ngừng gia tăng. Vào hôm qua, thứ Năm 2/3, Đài Loan thông báo là trong vòng 24 giờ qua, có đến 21 chiến đấu cơ Trung Cộng xâm nhập vùng nhận dạng phòng không của đảo quốc này.
No comments:
Post a Comment