Mở đầu chương trình, Vân Hà & Miên Dương mời quý thính giả theo dõi chi tiết các tin hôm nay.
1/ HÀNG TRĂM TỔ CHỨC KÊU GỌI VN KIỆN TRUNG CỘNG VỀ BIỂN ĐÔNG
Hơn một trăm tổ chức VN từ khắp nơi trên thế giới đã ký vào bức thư ngỏ tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Bản sao bức thư chung trong ngày 11/3 cũng được gửi đến tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế ở The Hague, lên án hành động xâm lược của Trung Cộng với hai quần đảo nói trên. Lá thư cũng kêu gọi nhà cầm quyền VN đệ đơn kiện Trung Cộng trong khi nước này đang ngày càng hung hăn hơn ở Biển Đông.
Bức thư viết rằng, những hành động thù địch của Trung Cộng đã bắt đầu từ 49 năm trước qua việc xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa vào ngày 19 tháng Giêng năm 1974 thuộc chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa. Sau đó Trung Cộng vào ngày 14 tháng 3 năm 1988 đã xua quân chiếm đóng các hòn đảo của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa.
Lá thư có lời kêu gọi bảo vệ chủ quyền, quyền lợi kinh tế và cuộc sống của ngư dân trên Biển Đông là trách nhiệm chung của mọi người dân Việt Nam.
Cần nhắc lại, vào ngày 22 tháng Giêng năm 2013, chính phủ Philippines đã đệ đơn kiện Trung Cộng về một số tranh chấp giữa hai nước, liên quan đến việc tuyên bố chủ quyền Biển Đông. Phán quyết cuối cùng của tòa Trọng tài được công bố vào ngày 12 tháng 7 năm 2016 có nội dung là Trung Cộng không có các quyền lịch sử dựa trên cái gọi là bản đồ "đường chín đoạn".
Ngoài ra, tòa án bác bỏ khả năng Trung Cộng có được yêu sách vùng biển từ các đảo nhân tạo mà nước này đã xây dựng trái phép ở Trường Sa, đồng thời xác định Trung Cộng đã gây tổn hại nghiêm trọng đến môi trường biển, mở rộng và làm phức tạp thêm tranh chấp.
Đây được coi là một chiến thắng pháp lý quan trọng cho Philippines, nước thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Cộng.
2/ HÀ NỘI SẮP XÂY THÊM CHIẾC CẦU MỚI, BẮC QUA SÔNG HỒNG
Nhà cầm quyền thành phố Hà Nội đã thông qua dự án xây cầu Thượng Cát bắc qua sông Hồng, với chiều dài 820 thước, chiều rộng 33 thước, nối quận Bắc Từ Liêm với huyện Đông An, với tổng chi phí đầu tư lên đến 8300 tỷ đồng, tức hơn 300 triệu Mỹ kim.
Mặc dù cầu có chiều dài hơn 800 thước, nhưng cộng với đường dẫn lên cầu sẽ có chiều dài hơn 5 cây số, với tổng phí tổn lấy từ ngân sách thành phố. Thời gian xây dựng là 4 năm, do sở giao thông Hà Nội làm chủ đầu tư. Để bảo đảm giao thông, nhà cầm quyền Hà Nội cũng thông qua dự án xây dựng đường vành đai nối liền cầu Thượng Cát đến quốc lộ 32 với mức đầu tư gần 1500 tỷ đồng.
Đây là chiếc cầu thứ 10 bắc qua sông Hồng mới nhất được xây dựng. Chín cây cầu còn lại là Hồng Hà, Mễ Sở, Thăng Long Mới, Tứ Liên, Vĩnh Tuy, Ngọc Hồi, Trần Hưng Đạo, Phú Xuyên và Vân Phúc.
3/ QUỐC HỘI TRUNG CỘNG BỔ NHIỆM TÂN BỘ TRƯỞNG QUỐC PHÒNG
Vào hôm Chủ nhật 12/3, quốc hội Trung Cộng đã thông qua thành phần nội các mới, bao gồm 4 phó thủ tướng và 26 bộ trưởng. Đáng chú ý là Thượng tướng Lý Thượng Phúc (Li Shangfu) nắm ghế bộ trưởng quốc phòng nhưng là người đang bị chính phủ Mỹ trừng phạt.
Nhiều chuyên gia cho rằng với quyết định bổ nhiệm này, ông Lý Thượng Phúc 65 tuổi, một kỹ sư về hàng không vũ trụ, sẽ nắm một vai trò then chốt để thực hiện các mục tiêu trung hạn do Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình đặt ra nhằm đưa quân đội nước này thành một “quân đội đẳng cấp thế giới từ nay đến năm 2049”.
Vào năm 2016, họ Lý được bổ nhiệm làm phó tư lệnh lực lượng chi viện chiến lược, một đơn vị tinh nhuệ đặc trách thúc đẩy phát triển các năng lượng không gian và chiến tranh mạng của Trung Cộng. Sau đó, ông được đề bạt làm chủ nhiệm cục Phát triển Trang bị, một cơ quan tham mưu cho quân ủy trung ương do Tập Cận Bình chủ trì.
Tháng 9 năm 2018, Lý Thượng Phúc bị đưa vào trong danh sách trừng phạt, sau việc ký kết hợp đồng mua 10 chiến đấu cơ Su-35 của Nga vào năm 2017 và nhiều trang thiết bị khác có liên quan đến hệ thống phòng không địa đối không S-400 của Nga.
Theo giới quan sát, việc ông Lý Thượng Phúc, một người thân tín làm bộ trưởng quốc phòng cho thấy Tập Cận Bình đã củng cố ảnh hưởng của mình trong quân đội.
4/ MỸ KHÔNG CAN THIỆP VÀO VỤ SỤP ĐỔ SILICON VALLEY BANK
Bộ trưởng tài chánh Mỹ, bà Janet Yellen, vào hôm qua cho biết là đang làm việc chặt chẽ với các ngân hàng để đối phó với sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley (SCB) nhưng một vụ giải cứu là không thể xảy ra.
Bà Yellen cho biết bà đã làm việc với các cơ quan chức trách để thiết kế các chính sách phù hợp nhằm giải quyết tình hình, vốn là vụ sụp đổ ngân hàng lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nhưng từ chối cung cấp thêm thông tin chi tiết. Bà cho biết là đang quan tâm đến những người gửi tiền vào ngân hàng SCB và cố gắng đáp ứng nhu cầu của họ.
Giới quản trị ngân hàng California vào hôm thứ Sáu 11/3 đã đóng cửa ngân hàng Silicon Valley, chỉ định tập đoàn bảo hiểm FDIC làm cơ quan bảo vệ người gửi tiền cho vay tập trung vào các công ty khởi nghiệp.
Sự sụp đổ của ngân hàng SCB tập trung vào các công ty khởi nghiệp đã làm dấy lên mối lo ngại về việc rút tiền tại các ngân hàng khu vực và khả năng trả lương cho nhân viên của các doanh nghiệp nhỏ.
Bà Yellen đã gặp gỡ với các quan chức của FDIC và Văn phòng Kiểm soát Tiền tệ để giải quyết sự sụp đổ của SCB. Bà cùng các quan chức tòa Bạch Ốc bày tỏ sự tin tưởng vào khả năng phản ứng của các cơ quan quản trị ngân hàng.
Vào hôm Chủ nhật 12/3, bà đã nỗ lực trấn an người Mỹ là hệ thống ngân hàng của Hoa Kỳ vẫn an toàn, được vốn hóa tốt hơn và chống đỡ tốt hơn, so với khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chánh toàn cầu năm 2008.
Bà Yellen cho biết là người dân có thể tin tưởng vào sự an toàn và lành mạnh của hệ thống ngân hàng Mỹ, đồng thời cho biết thêm là cuộc khủng hoảng không lan sang các ngân hàng khác.
No comments:
Post a Comment