Tân Chủ Tịch Nước Võ Văn Thưởng chỉ là học trò ngoan của TBT Nguyễn Phú Trọng. Nguyễn Phú Trọng lại là Hán Nô dưới trướng Tập Cận Bình. Hệ lụy là Việt Nam sẽ không bao giờ có thể thoát trung bao lâu mà CSVN còn cai trị đất nước.
Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Hiếu Chân với tựa đề: “Kỳ vọng gì ở Võ Văn Thưởng, tân chủ tịch nước Việt Nam?” sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Đúng như dự đoán của những người quan sát thời sự Việt Nam và đồn đại của dân chúng từ vài tuần trước, ông Võ Văn Thưởng, 53 tuổi, đã tuyên thệ nhậm chức chủ tịch nước Việt Nam tại phiên họp bất thường của Quốc Hội ngày 2 Tháng Ba.
Tuy là một trong “tứ trụ” của triều đình Cộng Sản, nhưng chủ tịch nước là một chức vụ nặng tính lễ nghi. Thực quyền của chế độ nằm trong tay Bộ Chính Trị và tổng bí thư đảng, dưới một cấp là thủ tướng; chủ tịch nước có cũng được mà không cũng chẳng chết ai.
Ấy vậy mà chỉ để thay ông Nguyễn Xuân Phúc bằng ông Thưởng, đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN) đã vội vã tổ chức bốn “kỳ họp bất thường” chỉ trong hai tháng chỉ để phê chuẩn quyết định của Bộ Chính Trị. Không có bàn luận hay phản biện gì ở đây cả. Mỗi kỳ họp có từ 250 tới 500 quan chức cả nước tập trung về Hà Nội. Chi phí máy bay, ăn ở khách sạn cùng vô số khoản chi phục vụ bốn kỳ họp tiêu tốn của ngân sách quốc gia hàng trăm tỷ đồng.
Đảng CSVN rõ ràng đã chi xài mồ hôi nước mắt người dân “như tiêu giấy bạc giả.” Đặt vào hoàn cảnh tất cả các bệnh viện công lớn nhỏ trong cả nước thiếu thuốc men, vật dụng y tế, hàng chục ngàn công nhân bị mất việc do thiếu đơn hàng, nửa triệu công nhân khác bị giảm lương, giảm giờ làm… thì mới thấy việc đảng CSVN bỏ tiền tỷ cho các cuộc họp hành vô bổ đó là bất nhân như thế nào.
Ông Võ Văn Thưởng được coi là quan chức lãnh đạo trẻ nhất trong Bộ Chính Trị. Nhưng cái tuổi đời non choẹt của ông ta không bảo đảm rằng đây sẽ là “nhân tố mới” đem lại “sức trẻ” cho cái đảng Cộng Sản già nua gần đất xa trời; và do đó sẽ mở ra triển vọng tiến bộ cho đất nước. Ngược lại, thân thế không rõ ràng cùng hoạn lộ hanh thông và thần tốc của ông Thưởng làm cho người ta không thể không nghi ngờ khả năng của tân chủ tịch.
Theo Bách Khoa Toàn Thư Mở Wikipedia, ông Võ Văn Thưởng có bằng thạc sĩ triết học, cao cấp lý luận chính trị. Ông học triết ở các đại học trong nước, có nghĩa là thứ triết mà ông học không phải là triết học (philosophy) mà chỉ là “chủ nghĩa Mác-Lênin” – tập hợp những quan điểm về lịch sử và xã hội đã được chứng minh là sai lầm, đã bị thế giới vứt vào sọt rác lịch sử, chỉ trừ một vài nước vẫn cố lợi dụng để ngu dân.
Ông Thưởng chưa bao giờ đảm nhiệm việc điều hành kinh tế hoặc hành chính một địa phương cấp tỉnh thành, cấp bộ ngành – nghĩa là hoàn toàn không có kiến thức hoặc kinh nghiệm của người lãnh đạo chính phủ. Đưa một người có trình độ và thành tích công việc như vậy vào “tứ trụ,” hàm ý của ông đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng là gì?
Không khó nhận ra ở ông Thưởng hình ảnh một “ông Trọng con” với đầy đủ tính giáo điều, hoang tưởng. Cũng như ông Trọng, ông Thưởng suốt đời làm công việc tuyên truyền, tôn thờ chủ nghĩa Mác-Lê và coi việc xây dựng chỉnh đốn đảng CSVN là phương thuốc thập toàn đại bổ để chữa trị những tệ nạn khủng khiếp của chế độ độc tài đảng trị bị người dân xa lánh.
Việc đưa ông Võ Văn Thưởng vào ghế tứ trụ đánh dấu điểm kết thúc quá trình chuyển giao quyền lực từ chính phủ sang đảng CSVN, xa hơn là hoàn tất việc tập trung quyền lực vào tay ông Nguyễn Phú Trọng. Khi Việt Nam chuyển sang “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” năm 1986, quyền điều hành kinh tế được chuyển dần sang chính phủ, vai trò của đảng CSVN mờ nhạt dần. Tăng trưởng kinh tế suốt mấy chục năm qua đem lại cơm áo cho hàng chục triệu người, nhưng cũng gây ra tình trạng tham nhũng khủng khiếp, đám quan chức Cộng Sản ngày càng trở nên xôi thịt và đảng CSVN càng ngày càng bị coi là vật cản trên con đường tiến hóa và hội nhập của đất nước.
Ông Nguyễn Phú Trọng xướng lên công cuộc “đốt lò” mục đích chính là để loại bỏ những con sâu trong guồng máy chính phủ, tái lập quyền uy và sự thống trị vô đối của đảng CSVN trong mọi lĩnh vực đời sống. Đề bạt một người chỉ quen tuyên truyền cho đảng, thấm nhuần học thuyết Mác-Lênin như Võ Văn Thưởng – hiện ông Thưởng là phó trưởng ban Ban Chỉ Đạo Chống Tham Nhũng của ông Trọng – lên cao là để tiếp tục cái sự nghiệp thâu tóm quyền lực vào tay đảng mà ông Trọng đã khởi xướng.
Đến đây thì nhiều người bất giác nghĩ tới ông Tập Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc. Ông Tập đặt ưu tiên hàng đầu cho công cuộc “đả hổ diệt ruồi,” củng cố quyền lực của đảng, thay các lãnh đạo có xu hướng cải cách trong chính phủ bằng những quan chức chính trị thân cận với ông ta và chống lại những quan niệm của Tây phương mà Cộng Sản cho là sai lầm như chính phủ phải hoạt động theo hiến pháp, tam quyền phân lập và tư pháp độc lập. Ông Trọng làm y hệt như vậy ở Việt Nam.
Để chuẩn bị thay ngựa giữa dòng, ông Trọng đã dẫn ông Thưởng sang Bắc Kinh triều kiến Tập hoàng đế hồi Tháng Mười Một, 2022. Và ngay sau khi ông Thưởng tuyên thệ nhậm chức chủ tịch nước Việt Nam, bức điện mừng đầu tiên từ nguyên thủ quốc gia nước ngoài là của ông Tập Cận Bình, trong đó ông Tập hứa hẹn “sẵn sàng cùng Chủ Tịch Nước Võ Văn Thưởng thúc đẩy quan hệ song phương phát triển bền vững, lành mạnh và ổn định”.
Sau vụ thay ông Phúc bằng ông Thưởng ở ghế chủ tịch nước, chính sách đối ngoại của Việt Nam sẽ không có sự thay đổi lớn, nhưng cho thấy Việt Nam đang càng ngày càng lệ thuộc Trung Quốc. Việc đảng CSVN nỗ lực củng cố độc quyền lãnh đạo sẽ càng làm cho sự gắn kết chặt chẽ giữa đảng CSVN với đảng đàn anh ở Bắc Kinh. Thật khó mà kỳ vọng một cuộc “thoát Trung,” hoặc hy vọng có chính sách cởi mở hơn với những tư tưởng cải cách. Trên đài Á Châu Tự Do (RFA) một nhà nghiên cứu khác nhận định “Nhà nước Việt Nam vẫn không thể từ bỏ Hoa Kỳ và thế giới tự do, vì chính sự tồn vong của đất nước” – nhưng xem ra điều này vẫn chưa chắc chắn khi những kẻ giáo điều như Trọng và Thưởng vẫn nắm quyền lực./.
No comments:
Post a Comment