Thursday, March 30, 2023

BÁO CHÍ CÁCH GÌ CŨNG THẾ THÔI

Bình Luận

Bao lâu mà chưa có báo chí tư nhân, thì ngày đó, tự do báo chí trong Hiến Pháp chỉ là một chiêu bài mị dân, tuyên truyền rẻ tiền cho đảng mà thôi.

Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Phạm Trần với tựa đề: “BÁO CHÍ CÁCH GÌ CŨNG THẾ THÔI” sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.


Đảng CSVN tìm mọi cách để cổ võ dân đọc báo đảng, nhưng họ lại tìm vào mạng xã hội nhiều hơn. 


Đây là mối lo không nhỏ của lãnh đạo đảng mà còn của báo chí, vì thị trường thương mại và ảnh hưởng trong dư luận đã bị chia phần. Tình trạng này đã đươc thảo luận tại 3 ngày Hội báo Toàn quốc, được tổ chức tại Hà Nội từ 17 đến 19/3/2023.


Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, người phụ trách về Văn hóa, nói: 

“Sự bùng nổ của công nghệ thông tin, các nền tảng trực tuyến, mạng xã hội đang tạo ra sức ép cạnh tranh rất lớn đối với các cơ quan báo chí. 

Thậm chí chỉ một người dùng mạng xã hội, một trang thông tin cá nhân cũng có thể nhanh chóng đăng tải tin tức, sự việc thu hút sự quan tâm của dư luận. Vì vậy, các cơ quan báo chí không thể đứng ngoài xu thế chuyển đổi số, hướng tới phương thức sản xuất, cung cấp thông tin đa phương tiện, đa nền tảng, đa thiết bị, đa dạng hóa thị trường và đa dạng hóa nguồn thu.” (báo Chính phủ, ngày 19/3/2023)



Vì vậy, ông Trấn Hồng Hà đã yêu cầu báo chí đảng phải:

“Thay đổi tư duy và cách làm, trên cơ sở kết hợp giữa nội dung tốt và công nghệ hiện đại để làm chủ nền tảng số, nền tảng truyền thông xã hội”.

 Ông nói: “Các cơ quan báo chí phải tập hợp thành một lực lượng thống nhất, có sức ảnh hưởng mạnh mẽ, đóng vai trò dòng chảy chính về thông tin, định hướng dư luận trên không gian mạng”.


Nhưng muốn làm được như thế không dễ dàng gì, vì ngày nay ở Việt Nam đã có gần 73 triệu người, đa phần là giới trẻ, trên tổng số ngót 100 triệu dân biết sử dụng Internet trong cuộc sống. Nhờ vậy, dân trí đã được mở mang nhờ được tiếp cận nhanh chóng với hệ thống thông tin đa chiều toàn cầu, thay vì chỉ được tiếp cận thông tin một chiều của báo đảng.


Để đối phó với chỉ trích “chậm” và “khô”, một số báo đảng đã chạy theo thông tin của mạng xã hội khiến “tin chính thống” bị lu mờ. Vì vậy mà “Tổng cục Chính trị Quân” phải ra tay chống đỡ.


Ngoài những khó khăn trong điều hành và kỹ thuật, đảng còn phải đối phó với các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ngay trong nội bộ cơ quan báo chí, trong lực lượng người làm báo, đặc biệt là các nhà báo là đảng viên, theo một cảnh giác trên Website Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 20-06-2020.

Website này yêu cầu: 

“Các cơ quan báo chí, hội nhà báo và các cơ quan quản lý, lãnh đạo, chỉ đạo báo chí cần đấu tranh mạnh mẽ với những hiện tượng thiếu lành mạnh trong hoạt động báo chí cũng như một số nhà báo có biểu hiện tiêu cực”.


Bài viết không cho biết lý do của “tự diễn biến”“tự chuyển hóa” trong hàng ngũ báo chí, nhưng đây là tình trạng chung của đội ngũ cán bộ, đảng viên đã được đảng xác nhận đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng trong mối quan hệ giữa dân và đảng.


Theo số thống kê, có trên 800 cơ quan báo chí đang hoạt động ở Việt Nam. Tổng số lao động trong các cơ quan báo chí khoảng 40,000 người. Trong đó, có 17,161 người được cấp thẻ nhà báo kỳ hạn 2021-2025.


Nhưng ở Việt Nam không có báo tư nhân nên danh từ “ký giả” hay “nhà báo” chỉ được hiểu chung là những cán bộ làm báo đảng. Bởi lẽ, Luật Báo Chí 103/2016/QH13, ban hành tại Hà Nội ngày 05 tháng 4 năm 2016 đã quy định báo chí là: “Cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; là diễn đàn của Nhân dân.” (Điều 4)


Vì vậy, Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA Tiếng Việt) đã đưa tin ngày 03/05/2022: 

“Trên bảng Chỉ số Tự do Báo chí năm 2022, Việt Nam xếp hạng 174, ngay dưới Cuba (173) và trên Trung Quốc (175), hai quốc gia cùng do Đảng Cộng sản cầm quyền như Việt Nam. Với vị trí này, Việt Nam tăng một bậc so với năm trước, trong bối cảnh mà RSF, ‘Tổ Chức Ký Giả Không Biên Giới’ có trụ sở ở Paris, nhận định rằng các nền dân chủ trên toàn cầu bị suy yếu trong sự trỗi dậy của các thể chế độc tài.

Dù tiến hơn 1 bậc so với những năm trước đó, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm 10 quốc gia tồi tệ nhất trên thế giới, tức danh sách đỏ của Bảng Chỉ Số, gồm những nước có tình hình báo chí “rất tồi tệ”, với Triều Tiên đứng cuối bảng (180).”


Bằng chứng của tình trạng tồi tệ này là Chính phủ Việt Nam đã đàn áp các Tổ Chức Văn Hóa và những người đòi quyền tự do tư tưởng.


Ngày 5-1-2021, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã phạt Tiến sỹ, nhà báo Phạm Chí Dũng 15 năm tù, phạt các cộng sự viên Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn 11 năm tù cùng về tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống phá Nhà nước.


Thật ra, những người này đã thành lập ‘Hội Nhà Báo Độc Lập’, ra mắt ngày 4 tháng 7 năm 2014 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó, vào ngày 14 tháng 12 năm 2021, Phạm Thị Đoan Trang đã bị Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội phạt 9 năm tù giam về tội tuyên truyền chống nhà nước. Phạm Thị Đoan Trang, sinh ngày 27 tháng 5 năm 1978 tại Hà Nội là một tác giả, blogger, nhà báo và nhà hoạt động dân chủ.

Ngoài ra, nhà nước cũng đã thẳng tay đán áp và ngăn cấm hoạt động của ‘Văn Đoàn Độc Lập’ do Nhà văn Nguyên Ngọc thành lập ngày 3/3/2014 tại Hà Nội.


Tóm lại, dù Nhà Nước CSVN đã dựng lên Hội Nhà Báo và Hội Nhà Văn để tuyên truyền cho đảng, nhưng dù báo chí có “cách mạng” gì chăng nữa cũng chỉ để tuyên truyền mà thôi./.

No comments:

Post a Comment