Tuesday, March 28, 2023

Tin Tức, thứ Ba 28.03.2023

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Vân Khanh & Thiên An trình bày sau đây.

1/ HẢI CẢNH VIỆT ĐỤNG ĐỘ HẢI CẢNH TRUNG CỘNG Ở BIỂN ĐÔNG

Hai chiếc tàu sắt VN và Trung Cộng đã áp sát nhau một cách nguy hiểm trong vùng đặc quyền kinh tế của VN, chỉ cách nhau khoảng 10 thước.

Theo dữ liệu của tổ chức Marine Traffic (Giao thông Hàng hải), một tàu hải cảnh của Trung Cộng và một tàu kiểm ngư của Việt Nam đã có một cuộc chạm trán căng thẳng vào cuối tuần qua ở Biển Đông. Hai tàu này đã áp sát nhau, tới mức chỉ cách nhau 10 thước.

Theo một chuyên gia nghiên cứu của Mỹ cho biết, biến cố nói trên diễn ra vào lúc 7 giờ sáng Chủ Nhật ngày 26/3 vừa qua, theo giờ địa phương. Theo dữ liệu theo dõi, đến khoảng chiều thứ Hai 27/3, tàu hải cảnh Trung Cộng đã đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Mã Lai sau khi rời vùng biển của Việt Nam, nơi trước đó đã bị tàu kiểm ngư bám đuổi từ ngày 24/3 mặc dù tàu này của Trung Cộng to lớn hơn tàu VN.

Mặc dù có sự khác biệt về kích cỡ nhưng tàu VN tỏ ra khá táo bạo, với chiếc hải cảnh Trung Cộng lớn gấp đôi tàu VN. Vụ việc xảy ra ở vùng biển cách Bãi Tư Chính 50 hải lý về phía nam, một nơi được biết đến như là điểm nóng giữa Việt Nam và Trung Cộng ở Biển Đông.

Khoảng 90 phút sau, tàu Trung Cộng rời vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam mà nó đã hoạt động từ tối thứ Sáu 24/3.

Dữ liệu theo dõi của Marine Traffic cho thấy trong cuộc chạm trán vào sáng Chủ nhật, tàu hải cảnh Trung Cộng và tàu kiểm ngư 278 của Việt Nam đã gần đến mức có thể đã va chạm nhau. Một sĩ quan hải quân cao cấp VN cho biết là hai tàu này chắc chắn đã thoát được một vụ va chạm trong gang tấc nhờ đi ngược chiều nhau và ở tốc độ rất chậm.

2/ TÒA GIÁM MỤC KON TUM CHỈ TRÍCH HÀNH VI CỦA QUAN CHỨC XÃ

Tòa giám mục Kon Tum vào hôm qua đưa ra thông báo lên án hành vi của một số quan chức xã Đắc Nông, huyện Ngọc Hồi, khi ngăn chận buổi thánh lễ tại nhà thờ.

Thông cáo đề ngày 27/3 do Linh mục Lê Văn Hùng, chánh văn phòng tòa giám mục Kon Tum, ký gửi đến nhà cầm quyền Kon Tum và huyện Ngọc Hồi. Thông báo nhắc lại vụ việc xảy ra vào lúc 18 giờ ngày 22/3 vừa qua tại nhà nguyện giáo họ Phao lô thuộc giáo xứ Đắc Giấc, xã Đắc Nông.

Theo thông báo nói trên, đến ngày 24/3, bạo quyền xã Đắc Nông tiếp tục ngăn cản linh mục và giáo dân thuộc giáo họ Phaolô thực hiện nghi lễ trong tuần thứ ba liên tiếp nhằm ngăn chặn việc sinh hoạt tôn giáo của 20 gia đình trong giáo họ này.

Theo một số video, khi thánh lễ do linh mục Lê Tiên đang tiến hành tại nhà nguyện của giáo họ, công an và dân quân tự vệ cùng một số người mặc thường phục đến vây quanh vị tu sĩ. Một người đàn ông mặc thường phục tự xưng tên là Thạch, phó chủ tịch xã Đắc Nông, chĩa ngón tay vào vị linh mục để chất vấn “ông này là ai” và yêu cầu dừng làm lễ để lên trụ sở xã làm việc. Tuy nhiên, vị linh mục tiếp tục thực hiện nghi lễ của mình. 

Sau đó một phụ nữ, được giáo dân xác định là một phó chủ tịch xã, tiến đến bàn thờ tế lễ tự ý gấp cuốn kinh thánh mà linh mục đang đọc để ôm vào người và bỏ đi, nhưng bị giáo dân phản đối. Một người mặc thường phục khác tắt đèn của nhà nguyện trong tiếng đọc kinh của giáo dân. 

Thông báo của tòa giám mục Kon Tum nêu rõ các hành động nói trên đã gây căm phẫn và làm tổn thương anh chị em giáo họ Phao lô, cũng như đối với các linh mục, giáo dân trong và ngoài giáo phận Kon Tum. Tòa giám mục Kon Tum đề nghị nhà cầm quyền sớm công nhận nhà nguyện của giáo họ Phao lô và các nhà nguyện khác trong các buôn làng thuộc tỉnh Kon Tum.

3/ KÊU GỌI BẠO QUYỀN VN HỦY CÁO BUỘC ĐỐI VỚI TNLT TRƯƠNG DŨNG

Tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW) vào hôm qua đưa ra lời kêu gọi nhà cầm quyền VN hãy hủy bỏ mọi cáo buộc đối với nhà đấu tranh Trương Văn Dũng, chỉ vì ông này lên tiếng cho dân chủ và nhân quyền.

Thông cáo báo chí cho biết một tòa án tại Hà Nội, dự trù sẽ khai mạc vào hôm nay 28/3, sẽ đưa ra xét xử ông Trương Dũng với cáo buộc “tuyên truyền chống phá nước CSVN”. Nếu bị kết tội, ông Dũng phải đối diện với bản án lên đến mức cao nhất là 20 năm tù.

Ông Phil Robertson, phó giám đốc Á châu của Giám sát Nhân quyền, tuyên bố ông Dũng là trường hợp mới nhất trong chuỗi danh sách những người bất đồng chính kiến bị bịt miệng vì họ phản đối các vụ vi phạm nhân quyền và vận động cho cải cách tại VN.

Cần biết là ông Trương Văn Dũng 65 tuổi trở thành một nhà hoạt động vì quyền lợi đất đai từ thập niên 2000. Ông Dũng cũng tham gia đấu tranh cho quyền căn bản như tự do ngôn luận và lập hội. Từ năm 2011 đến năm 2018, ông tham gia nhiều cuộc biểu tình phản đối Trung Cộng xâm chiếm biển đảo VN và công khai tẩy chay các kỳ bầu cử “đảng cử dân bầu” của nhà nước VN.

Ông luôn bị công an sách nhiễu, đe dọa, và cả đánh đập. Ông bị bắt vào giữa tháng 5 năm ngoái và bị cắt đứt mọi liên lạc với bên ngoài trong hơn 9 tháng. Đến tháng 3 năm nay, ông mới được phép gặp luật sư bào chữa, nhưng gia đình ông vẫn chưa được thăm gặp.

4/ CÁC PHI TRƯỜNG Ở ĐỨC BỊ TÊ LIỆT VÌ TỔNG ĐÌNH CÔNG

Hàng ngàn chuyến bay tại Đức đã bị hủy từ đêm Chủ nhật 26/3 vừa qua sau khi các nghiệp đoàn giao thông tuyên bố tổng đình công 24 giờ.

Hai phi trường quốc tế lớn nhất nước Đức là Munich và Frankfurt đã hoàn toàn tê liệt, trong khi các phi trường nhỏ hơn cũng đóng cửa khiến gần 400 ngàn hành khách bị ảnh hưởng. Tập đoàn  hàng không Lufthansa đã ngưng mọi chuyến bay quốc tế và đề nghị hành khách đã mua vé phải tìm cách giải quyết.

Nghiệp đoàn Verdi, đại diện cho khoảng 2 triệu rưởi nhân viên trong khu vực công, bao gồm nhân viên phi trường yêu cầu tăng lương hơn 10%. Báo chí Âu châu gọi đây là "siêu đình công" (Mega strike) ở nền kinh tế lớn nhất khối này.

Riêng nghiệp đoàn EVG đại diện cho khoảng 230 ngàn nhân viên tại công ty hỏa xa Deutsche Bahn và các công ty xe bus muốn tăng lương 12%. Giới cầm đầu nghiệp đoàn nói rằng với lạm phát cao, các khoản tăng lương này chỉ đủ nhân viên "tồn tại". 

Không chỉ tổng đình công, công nhân tại Đức còn xuống đường biểu tình. Trước đó ngành bưu điện đã thành công trong việc đòi tăng lương hơn 10% tại Đức.

Được biết các nghiệp đoàn và đại diện chính phủ liên bang và các tiểu bang đã có cuộc gặp mặt đầu tiên để đàm phán về lương trong ngày 27/3. Tuy thế, báo chí Đức nói rằng quan điểm của hai bên "còn rất xa nhau".Ông Klaus Wohlrabe, chuyên gia viện nghiên cứu kinh tế Ifo, đã nêu ra ước tính thiệt hại cho nền kinh tế Đức là 181 triệu Âu kim một ngày.

5/ TỶ PHÚ JACK MA TÁI XUẤT HIỆN Ở TRUNG CỘNG

Nhà sáng lập Alibaba, tỷ phú Jack Ma (Mã Quân), vừa xuất hiện ở thành phố Hàng Châu sau khi đến thăm một trường học.

Năm nay 58 tuổi, ông có vẻ như đã chọn cách sinh hoạt ẩn dật sau khi phê phán hệ thống ngân hàng Trung Cộng vào năm 2020.  Một tháng sau phát biểu của ông, tập đoàn Alibaba định gọi vốn 26 tỷ Mỹ kim qua thị trường chứng khoán quốc tế nhưng bị nhà cầm quyền Trung Cộng chặn lại.

Việc không xuất hiện của tỷ phú Trung Cộng, thuộc nhóm lãnh đạo công nghệ cao nổi tiếng thế giới, khiến người ta cho rằng ông đã là biệt tăm tích. Nhưng thực ra, ông Jack Ma đã xuất ngoại và gần đây trở về Trung Cộng sau khi tạt qua Hồng Kông, theo giới báo chí. Thời gian ông ở nước ngoài là khoảng hơn một năm.

Jack Ma vừa đến thăm một trường học ở Hàng Châu, nơi tập đoàn Alibaba có trụ sở. Ông thăm lớp học, nói chuyện với giáo viên và học sinh về công nghệ.

Bản thân từng là giáo viên dạy Anh văn, ông Jack Ma nói về thách thức của trí tuệ nhân tạo (AI). Theo ông, ChatGPT và các công nghệ tương tự báo hiệu sự bắt đầu của kỷ nguyên AI.

Tỷ phú giàu nhất Trung Cộng cũng đã thôi không kiểm soát tập đoàn Ant Group vào tháng Giêng năm nay. Một số nhà bình luận tin rằng đó là bằng chứng ông làm phật lòng đảng cộng sản Trung Hoa vì "phát biểu nhiều và trở nên quá mạnh". 

No comments:

Post a Comment