Cuộc chiến Nga-Ukraine đã phân chia thế giới thành 2 phe: Phe dân chủ và thiện lương dưới sự lãnh đạo của Hoa Kỳ và Tây Âu - Phe độc tài và tàn ác dưới sự lãnh đạo của Nga Sô, Trung Quốc và Iran. Theo đúng bản chất của mình, Đảng CSVN đã dứt khoát đứng về phe độc tài và tàn ác.
Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Hiếu Chân với tựa đề: “Một năm chiến tranh Ukraine: Thế giới chia đôi” sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Cuộc chiến tròn một năm giữa quân xâm lược Nga và quân kháng chiến Ukraine càng ngày càng lộ rõ là cuộc đối đầu giữa hai cực của thế giới, một bên là liên minh các chế độ chuyên chế Nga, Trung Quốc, Iran và Bắc Hàn, với một bên là khối dân chủ tự do do Hoa Kỳ và EU, cùng sự tham gia của Nhật, Canada và Úc.
Không hình ảnh nào minh họa tốt hơn cho sự phân chia của thế giới hơn là cảnh hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ đọc diễn văn lên án lẫn nhau chỉ cách nhau vài tiếng đồng hồ ở hai địa điểm cách nhau chừng 800 dặm (1,200 cây số).
Trong bài diễn văn “Thông Điệp Liên Bang” đọc trước lưỡng viện Quốc Hội cùng các giới chức cao cấp của chính quyền và quân đội Nga hôm Thứ Ba, 21 Tháng Hai, ngay trước dịp kỷ niệm một năm bắt đầu cuộc xâm lược Ukraine, Tổng Thống Vladimir Putin đổ lỗi cho Tây phương gây ra cuộc chiến tranh ở Ukraine và tuyên bố Nga sẽ đình chỉ Hiệp Ước “New START” về giải trừ vũ khí nguyên tử ký kết với Hoa Kỳ.
Nga và Trung Quốc có lợi ích chung trong việc làm suy yếu vị thế thống trị của Hoa Kỳ trong một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, vốn được phát triển từ sau Đệ Nhị Thế Chiến và góp phần mang lại sự thịnh vượng cho thế giới suốt 70 năm qua. Nga và Trung Quốc cũng có quan điểm chung về việc “khôi phục” đế chế vinh quang xưa cũ của họ, giành lại những vùng lãnh thổ mà họ cho là thuộc về họ, bất chấp sự thật lịch sử, bất chấp Hiến Chương Liên Hiệp Quốc về chủ quyền quốc gia, tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ và nguyên tắc giải quyết mọi khác biệt giữa các nước bằng phương thức hòa bình.
Bế tắc trong cuộc chiến Ukraine làm cho Nga ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc, và quan hệ ngày càng căng thẳng với Hoa Kỳ làm cho Trung Quốc ngày càng gắn bó với Nga. Và thế là hình thành một liên minh ma quỷ, kéo theo một số nước nhỏ như Iran và Bắc Hàn.
Cuộc đối đầu mới đặt ra thách thức lớn đối với Washington và đồng minh. Không giống như Liên Xô ngày xưa, Trung Quốc cạnh tranh rất quyết liệt với Tây phương về ngoại giao và quân sự, với các điểm nóng Đài Loan và Biển Đông dễ dàng biến thành xung đột nóng, nhưng hai bên lại gắn bó với nhau rất chặt chẽ về kinh tế và thương mại.
Hiện cuộc xung đột đang diễn ra quyết liệt ở Ukraine, nhưng có thể lan rộng ra ngoài Châu Âu, đến khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Tham vọng của ông Putin sáp nhập Ukraine và Belarus cũng giống hệt kế hoạch của ông Tập Cận Bình thâu tóm Đài Loan và các đảo ở Biển Đông, biển Hoa Đông. Một thắng lợi của Nga ở Ukraine sẽ kích thích sự liều lĩnh của Trung Quốc trong mục tiêu bành trướng lãnh thổ của Bắc Kinh.
Tại Hội Nghị An Ninh Munich cuối tuần qua, cùng với sự lên án Hoa Kỳ một cách mạnh mẽ, ông Vương Nghị không ngần ngại đe dọa gây thêm căng thẳng quân sự ở Đài Loan.
Trong một buổi nói chuyện tại đại học Johns Hopkins University ở Baltimore, Maryland, hôm 13 Tháng Giêng, ông Fumio Kishida, Thủ Tướng Nhật, cho rằng vụ Nga xâm lược Ukraine đánh dấu sự kết thúc của thời kỳ hậu-Chiến Tranh Lạnh, và ông nhận định công cuộc toàn cầu hóa, sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế đã không bảo đảm được hòa bình và phát triển trên toàn cầu, đặc biệt rõ nhất ở Châu Á.
Ngoài việc liên minh với Nga và đe dọa thâu tóm Đài Loan, Trung Quốc liên tục mở rộng các căn cứ quân sự ở Biển Đông, mở rộng kho vũ khí nguyên tử và gây hấn với Hoa Kỳ qua vụ khinh khí cầu do thám mới đây, thực sự trở thành mối đe dọa với các nước nhỏ đang có quan hệ thương mại, kinh tế rất mật thiết với Bắc Kinh.
Và trước thực tế đó, các dân tộc yêu tự do không có con đường nào khác hơn là gia tăng năng lực quốc phòng, củng cố quan hệ hợp tác với nhau và với Hoa Kỳ để đề phòng bất trắc.
Hồi Tháng Mười Hai năm ngoái, Nhật đã công bố tăng ngân sách quốc phòng lên gấp đôi trong năm năm, mua nhiều hỏa tiễn Tomahawk và phát triển khả năng “tấn công phủ đầu” ngay khi phát hiện đối phương có hành vi gây hấn.
Hồi đầu tháng này, Philippines ký thỏa thuận cho phép quân đội Mỹ bố trí tại chín căn cứ quân sự của Philippines và đại sứ Philippines tại Mỹ vừa tiết lộ Manila đang nghiên cứu mời Hải Quân Mỹ quay lại căn cứ Vịnh Subic – từng là căn cứ Hải Quân lớn nhất của Mỹ bên ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ. Philippines cũng đồng thời mở rộng hợp tác an ninh với Nhật trong nỗ lực “không để mất tấc đất nào” về tay Trung Quốc như tuyên bố hôm Thứ Bảy tuần trước của Tổng Thống Ferdinand Marcos Jr. Philippines cũng đang cân nhắc cùng với Tuần Duyên Mỹ tuần tra Biển Đông.
Trong vài tuần tới Úc sẽ công bố kế hoạch xây dựng đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng nguyên tử với sự yểm trợ kỹ thuật của Mỹ và Anh, đồng thời tiếp nhận tàu ngầm nguyên tử của hai nước này neo đậu tại Úc để huấn luyện cho binh sĩ địa phương.
Tất cả những phản ứng này đều cho thấy mối lo ngại sâu sắc của các nước trước cuộc đối đầu lịch sử giữa hai khối tự do và độc tài kể từ khi cuộc chiến Ukraine nổ ra.
Việt Nam vẫn tiếp tục trung thành với Nga và Trung Quốc, vẫn “mong muốn tiếp tục hợp tác thực chất và hiệu quả với Nga trên các lĩnh vực, vì lợi ích chung của hai dân tộc, vì hòa bình ổn định, phát triển tại khu vực và trên thế giới,” như phát biểu của ông Vương Đình Huệ, chủ tịch Quốc Hội bù nhìn, tại buổi tiếp ông Andrey Yatskin, phó chủ tịch thứ nhất Thượng Viện Nga hôm 17 Tháng Hai.
Cuộc xâm lược của Nga, sự hung hăng của Trung Quốc và phản ứng của các nước dân chủ tự do dường như vẫn chưa làm cho Hà Nội mở mắt./.
No comments:
Post a Comment