Chưa thấy trong một xã hội nào mà sự tham nhũng đến tận cùng nhỏ mọn cũng như coi thường dân chúng còn hơn trẻ con như chuyện phát gạo ở xã Giang Tây, Bình Định.
Trong tiết mục Chuyện Nước Non Mình, chúng tôi xin gởi đến quý thính giả đài ĐLSN bài viết có tựa đề: “Chuyện “cái cân thủy ngân” và bốn lạng gạo bố thí” của Ông Tư Sài Gòn sẽ được Minh Nguyệt trình bày để tiếp nối chương trình tối hôm nay.
Ông Tư Sài Gòn.Nhiều người ở xã Tây Giang (huyện Tây Sơn, Bình Định) không chỉ chưng hửng vì mất thời gian đi nhận gạo cấp bù nhưng chỉ được phát 4.18 lạng gạo, mà họ còn bày tỏ thái độ bất bình vì chính quyền xem thường họ.
Nhiều người không tin chính quyền chỉ phát cho dân chưa được nửa ký gạo, mà làm giấy mời, rồi tổ chức phát gạo y như ngày hội. Nhưng chuyện này đã được một lãnh đạo UBND huyện Tây Sơn xác nhận việc cấp phát bù 4.18 lạng gạo (418 gram) cho các hộ dân xã Tây Giang là thực hiện theo chỉ đạo của UBND huyện này.
Việc phát bù gạo lần này để bù vào phần cân thiếu trong vụ cấp gạo hỗ trợ cho dân nghèo đói ở xã Tây Giang trong ba năm 2020, 2021, và 2022.
Thế tại sao lại có chuyện cân thiếu cho dân, giờ phải cấp bù?
Chuyện xảy ra trong dịp Tết Nguyên đán của ba năm liên tiếp (2020, 2021, 2022), khi UBND xã Tây Giang tổ chức cấp phát gạo cho gia đình nghèo, gia đình chính sách, neo đơn theo chương trình của chính phủ.
Lúc đó bà Châu Thị Phương Trang, Phó chủ tịch UBND xã Tây Giang trực tiếp điều hành chương trình phát gạo; ông Đặng Văn Hậu, công chức văn hóa – xã hội xã Tây Giang, chịu trách nhiệm “cân đo đong đếm”. Ông tên Hậu nhưng làm việc lại thất đức, khi cái cân ông mang tới là một cái cân gian. Gạo chưa đến một ký nó đã nhảy hơn một ký rồi.
Người nghèo đi nhận gạo, ông Hậu nói sao nghe vậy, chẳng ai thắc mắc cái cân sao nó nhảy tưng tưng…
Nhờ cái mánh ăn gian như trong truyện cổ tích “Cái cân thủy ngân”, sau ba năm phát gạo, trong kho của xã còn hơn 800 kg gạo. Bà Trang im lặng không báo cáo, ông Hậu đương nhiên theo đuôi bà Trang, chờ bà xếp tính toán chia tiền.
Đến Tháng Sáu năm 2022, bà Trang lặng lẽ sai người vận chuyển toàn bộ số gạo tồn ra ngoài bán với giá 7,800 đồng/kg, đút túi hơn 6 triệu đồng. Chuyện này chắc ông Hậu biết, và cũng được chia tiền, chứ nếu bà Trang dím tiền xài một mình, ông ấy đã la toáng lên.
Mà không cần ông Hậu la, cũng có người phát hiện sự gian dối của “cặp bài trung” Trang – Hậu, đưa ra cuộc họp ủy ban xã. Lúc này bà Trang mới giải thích rằng bà dự kiến sẽ tổ chức phát thêm gạo cho bà con nghèo, nhưng kiểm tra thấy gạo bị mốc, bị mối mọt, nên “tự xử lý” bằng cách bán sạch cho trống kho.
Nghe nói “nhờ sự giáo dục mang tính nhân văn của đảng bộ các cấp”, bà Trang và ông Hậu nhận ra lỗi lầm. Cuối năm 2022, bà Trang bị kỷ luật hình thức cảnh cáo do thiếu tinh thần trách nhiệm; ông Đặng Văn Hậu bị khiển trách do sử dụng phương pháp “cái cân thủy ngân” ăn gian gạo của người nghèo. Mức kỷ luật như kiểu “phủi bụi” chứng tỏ bà Trang cũng có”số má” trong chính quyền, hoặc có chỗ dựa lưng hẳn hòi.
Sau đó, để tỏ thiện chí, bà Trang bỏ tiền túi ra để mua gạo trả về kho để phát cấp bù cho dân. Thế nên mới có giấy mời người nghèo, gia đình chích sách, neo đơn đi lãnh gạo.
Mọi người rủ nhau đến địa điểm nhận gạo mà lòng phới phới. Tưởng được chục ký cũng vui, ai dè mỗi người cầm một nhúm gạo hơn 4 lạng về nấu cháo hành. Thế là bà con nhao nhao lên chửi, thấu trời xanh luôn.
Có ông già nói: “Tổ cha nó, tao phải nghỉ một ‘bữa cày’ đi lên đây lãnh gạo mà tụi mày đưa như vầy đó hả? Tụi mày ăn dọng cho đã rồi ói ra cho dân hả?” Đại khái người càng già càng chửi tục, không cần nể nang.
Có người biết chuyện, nhẩm tính một hồi mới nói: “Tụi thấy chuyện này hơi kỳ kỳ à nghen”. Hỏi “hơi kỳ kỳ là sao”, ổng giải thích:
“Bà Trang, ông Hậu ăn cắp 800 ký gạo, giờ chia cho mỗi người được hơn 400 gam một chút thôi. Tính ra phải phát tới hai ngàn người. Ở xã này người nghèo có nhiều, gia đình chính sách, neo đơn cũng có nhưng cộng hết lại sao mà nhiều dữ vậy?”
Lúc này mọi người mới bàn tán xôn xao. Chợt có ai đó nói:
“Hay là trong đám lãnh gạo đó có luôn gia đình lãnh đạo xã, gia đình công an, gia đình xã đội luôn quá!”
Tự nhiên mọi người im bặt, lảng về hết trơn!
No comments:
Post a Comment