Mở đầu chương trình mời quý vị theo dõi phần Tin Tức với Phụng Hoàng & Trường An.
1/ VN PHỦ NHẬN TIN TỨC BẮT GIỮ ÔNG ĐỔNG QUẢNG BÌNH Ở HÀ NỘI
Nhà cầm quyền VN phủ nhận có liên quan đến vụ bắt giam nhà đấu tranh Đổng Quảng Bình để trao trả cho Trung Cộng.
Cần biết là vào ngày 15/3 vừa qua, bạo quyền VN đã gửi thư trả lời về công văn chất vấn của Cao ủy Nhân quyền LHQ về vụ ông Đổng, một nhà đấu tranh của Hoa Lục bị mất tích tại Hà Nội từ tháng 8 năm ngoái.
Trong công văn trả lời được công bố vào hôm 20/3, bạo quyền Việt Nam cho biết là giới chức trách chưa có thông tin nào về vụ bắt giam nói trên. Đồng thời tái khẳng định là không có vụ giam giữ tùy tiện hay “mất tích cưỡng bức” ở VN.
Trước đó, vào tháng 12 năm ngoái, nhóm báo cáo viên về nhân quyền LHQ gửi thư chất vấn VN về vụ ông Đổng Quảng Bình, bị cho là đã bị bắt giam ở Hà Nội vào tháng 8 năm ngoái và bị bí mật chuyển giao cho Bắc Kinh. Trong lá thư gửi cho VN, ba quan chức nhân quyền LHQ nói rằng họ quan ngại về việc bắt giam tùy tiện hay cưỡng bức mất tích của ông Đổng vào ngày 24/8 năm ngoái. Lá thư trích dẫn lời một số nhân chứng, cho biết là ông Đổng bị công an còng tay và bịt mắt dẫn đi.
Cô Katherine Đổng, con gái của ông Đổng, nói cô tin rằng bạo quyền Trung Cộng đã cấu kết với công an Việt Nam thực hiện những “chiêu trò bẩn thỉu” để giao nộp cha cô cho Trung Cộng.
Ông Đổng Quảng Bình 64 tuổi là một nhà hoạt động nổi tiếng vì đã lên án những nỗ lực của Trung Cộng nhằm kiểm duyệt thông tin về vụ thảm sát các sinh viên biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989.
2/ VẬN ĐỘNG CHO NHÂN QUYỀN TẠI VN LÀ CHỐNG ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC
Trong báo cáo nhân quyền thường niên năm 2022 của bộ ngoại giao Mỹ, được công bố vào sáng ngày 20/3 vừa qua, cho thấy là bạo quyền VN không cho phép bất cứ tổ chức nhân quyền nào được thành lập và hoạt động trong nước vì đó là hành động chống đảng và nhà nước VN.
Báo cáo năm nay được Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken chính thức công bố với hàng loạt các nhà hoạt động bị bắt giữ, trong đó có bà Ngụy Thị Khanh và các ông Đặng Đình Bách, Mai Phan Lợi và Bạch Hùng Dương với tội trốn thuế.
Ngoài ra, trong phần báo cáo cụ thể về từng quốc gia, Việt Nam còn bị cáo buộc vi phạm nhân quyền trong các lĩnh vực khác như bắt giam tùy tiện, hạn chế nghiêm ngặt đối với quyền tự do ngôn luận, báo chí và thành lập hội. Trong năm qua đã có ít nhất sáu người chết trong khi bị giam giữ. Nhà chức trách công bố là những cái chết này là do tự tử hoặc vì các vấn đề y tế.
Tính đến ngày 16/9 năm ngoái, bạo quyền VN đã bắt giữ ít nhất 173 người hoạt động chính trị hoặc nhân quyền, trong đó có 24 người đang bị tạm giam chờ xét xử. Có 19 người bị bắt giữ và 26 người khác bị kết án vì thực thi các quyền con người. Hầu hết những người này bị khép vào các tội danh ngụy tạo như “tuyên truyền chống phá nhà nước” hay “lợi dụng quyền tự do dân chủ”.
Nhà tù cấm các tù nhân chính trị được gặp gia đình hay luật sư của họ. Chỉ đến khi có kết luận điều tra mới gặp được luật sư hay thân nhân. Có trường hợp các tù nhân chính trị bị ép đi điều trị ở bệnh viện tâm thần như bà Nguyễn Thúy Hạnh và ông Lê Anh Hùng. Đặc biệt những người nào có liên hệ với các tổ chức hải ngoại thường sẽ bị tòa kết án nặng. Các vụ tra tấn và nhục hình vẫn thường xảy ra, trong khi điều kiện sinh sống trong nhà tù là vô cùng khắc nghiệt.
3/ THỦ TƯỚNG NHẬT BẢN BẤT NGỜ SANG THĂM UKRAINE
Trong khi Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình công du nước Nga để hội kiến Tổng thống Vladimir Putin, vào hôm qua 21/3, Thủ tướng Nhật Fumio Kishida đã bất ngờ đến thủ đô Kiev và hội đàm với Tổng thống Volodymyr Zelensky.
Theo bộ ngoại giao Nhật, chuyến đi này của ông Kishida là nhằm bày tỏ tình đoàn kết với Ukraine và khẳng định sự ủng hộ của nhóm G-7 mà Nhật là nước tổ chức cuộc họp thượng đỉnh vào tháng 5 tới đây.
Cuộc chiến xâm lược của Nga ở Ukraine đã khiến Nhật Bản ý thức được là biến cố tương tự cũng có thể xảy ra ở Á châu. Nhật Bản cảm thấy bị Trung Cộng và Bắc Hàn đang đe dọa. Và nếu Trung Cộng xâm lăng Đài Loan thì nước Nhật sẽ ở ngay tuyến đầu, vì hòn đảo xa nhất ở phía nam của Okinawa chỉ cách Đài Loan chưa đến 100 cây số.
Chiến tranh Ukraine đã buộc Nhật phải tăng chi tiêu quân sự thêm 60% cho 5 năm tới và Tokyo cũng phải suy nghĩ lại một cách toàn diện hơn về chính sách an ninh của Nhật, bất chấp những ràng buộc của hiến pháp chủ hòa. Nước Nhật đã chấp thuận người tỵ nạn Ukraine mặc dù là quốc gia ít cởi mở với di dân.
Trong khi đó, chính phủ Ukraine vào hôm qua nhận định chuyến thăm của thủ tướng Nhật là một chuyến đi “lịch sử”. Trước khi gặp Tổng thống Ukraine Zelensky, ông Kishida đã đi xe lửa đến thăm thành phố Bucha, một biểu tượng cho sự tàn ác của quân Nga, với cuộc thảm sát thường dân và các hố chôn tập thể bị phát giác sau khi quân Nga tháo chạy khỏi thành phố.
4/ KHỐI ÂU CHÂU VIỆN TRỢ 2 TỶ ÂU KIM ĐẠN DƯỢC CHO UKRAINE
Vào ngày 20/3 vừa qua, khối Liên hiệp Âu châu đã thông qua khoản trợ cấp hai tỷ Âu kim để cùng mua sắm đạn dược cho Ukraine.
Ngoại trưởng của 27 nước thành viên khối Âu châu đã chấp thuận thông qua bản kế hoạch hành động gồm ba giai đoạn để viện trợ quân sự cho quân đội Ukraine khoảng một triệu đạn pháo 155 ly và tái lập kho dự trữ chiến lược của các nước thành viên.
Đây là bước khởi đầu cụ thể cho "nền kinh tế chiến tranh" được Ủy ban Âu châu ủng hộ. Bước đầu tiên là đáp ứng nhu cầu quân sự khẩn cấp của Ukraine chính là cung cấp đạn dược, đặc biệt là pháo 155 ly và đạn dược cho hệ thống phòng không.
Một tỷ Âu kim đã được đề nghị để chi trả các nước thành viên Âu châu về số đạn dược loại này mà họ cung cấp cho Ukraine từ đây cho đến ngày 31/5, với mức bồi hoàn khoảng 50%.
Phần thứ hai là mua chung với tổng trị giá các hợp đồng sẽ được nhóm các nước trợ giúp vào khoảng 1 tỷ Âu kim. Những hợp đồng này sẽ được ký trước cuối tháng 9, thông qua cơ quan quốc phòng của khối Âu châu.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken vào hôm 20/3 thông báo là Washington sẽ cấp thêm một khoản hỗ trợ quân sự trị giá 350 triệu Mỹ kim cho Ukraine, trong đó có số đạn dược cho giàn phóng phi đạn Himars.
No comments:
Post a Comment