Trong một chế độ toàn trị như CSVN, Chính quyền tức nhà nước luôn áp chế xã hội dân sự và quyền tự do công đoàn của giới lao động Việt Nam trở thành nạn nhân đau thương của đảng.
Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Lynn Huỳnh với tựa đề: “Xã hội dân sự” vẫn là cụm từ nhạy cảm?” sẽ được Hướng Dương trình bày để kết thúc chương trình phát thanh DLSN tối hôm nay.
Lynn Huỳnh
Về mặt tuyên truyền, tài liệu của cơ quan Tuyên giáo Trung ương nói rằng với việc Quốc hội khóa XIV năm 2019 đã thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) với nhiều quy định mới, bảo đảm tốt hơn quyền của người lao động và gia nhập Công ước 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về quyền thương lượng tập thể.
Quyền tự do công đoàn cũng chính là quyền con người?
Công ước 98 là 1 trong 8 công ước cốt lõi của ILO trong khuôn khổ các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động. Đây là công ước mang tính bản lề, trở thành một phần quan trọng của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, như CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) hay FTA giữa Việt Nam và EU, cũng như trong phần lớn chính sách về trách nhiệm xã hội doanh nghiệp của các công ty đa quốc gia.
Về quyền tự do hiệp hội, Công ước số 87 nêu nguyên tắc “Người lao động và người sử dụng lao động, không phân biệt dưới bất kỳ hình thức nào đều không phải xin phép trước mà vẫn có quyền được tổ chức và gia nhập các tổ chức theo sự lựa chọn của mình, với một điều kiện duy nhất là phải tuân theo Điều lệ của chính tổ chức đó”.
Như vậy, quyền tự do công đoàn của người lao động, theo ILO bao gồm quyền được thành lập, gia nhập tổ chức công đoàn theo sự lựa chọn của người lao động. Điều này có nghĩa là người lao động có thể thành lập một hoặc nhiều công đoàn khác nhau trong một cơ sở lao động.
Ngay sau khi Bộ luật Lao động sửa đổi được Quốc hội Việt Nam thông qua vào tháng 11-2019, đại sứ quán Hoa Kỳ đã ra thông cáo hoan nghênh “một đạo luật lịch sử cho phép thành lập các tổ chức công đoàn độc lập tại cấp cơ sở”.
Trong bản thông cáo này, đại sứ quán Mỹ cũng đã nhấn mạnh ngay đến “tầm quan trọng của việc củng cố những cải cách trong luật lao động, bao gồm cải cách thông qua các văn bản pháp luật sắp được ban hành về thành lập, đăng ký và hoạt động của các tổ chức công đoàn độc lập và sự bảo vệ đầy đủ đối với quyền thương lượng tập thể và quyền đình công”.
Sau đó thì dịch giã Covid-19 bùng nổ ở Việt Nam, các vấn đề của giới xã hội dân sự về quyền tự do công đoàn, tự do hiệp hội đã không được nhắc tới như một sự quan tâm về một quyền hiến định.
Giờ thì ngay cả con số nhiễm Covid-19 mỗi ngày cũng đã được Bộ Y tế Việt Nam bãi bỏ; và câu hỏi có lẽ cần thiết được xới lại, đó là chính quyền Việt Nam có đã thật sự chấp nhận cho hình thành các công đoàn hoàn toàn độc lập với công đoàn của nhà nước hay không?
Tiến sĩ luật học Trương Hồng Quang cho rằng để các thắc mắc liên quan các cụm từ “xã hội dân sự” – “công đoàn độc lập” không bị chụp mũ là “chống phá Đảng”, thì rất cần làm rõ về việc hạn chế quyền con người, quyền công dân được ghi ở Hiến pháp 2013.
Cụ thể, khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.
Bên cạnh đó, khoản 4 Điều 15 của Hiến pháp năm 2013 cũng quy định: “Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác“.
Những quy định trên được đánh giá là một điểm sáng của Hiến pháp năm 2013. Theo đó, từ nay không được ai tùy tiện cắt xén, hạn chế các quyền, ngoại trừ các trường hợp cần thiết nhưng phải được luật quy định.
Tuy nhiên, theo nhận xét của ông Trương Hồng Quang, quan niệm về hạn chế quyền của Hiến pháp năm 2013 rộng hơn so với quan niệm của thế giới.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 thì bất cứ quyền nào cũng có thể bị hạn chế trong những trường hợp cụ thể. Theo pháp luật nhân quyền quốc tế – ví dụ Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 – ICCPR và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa năm 1966 – ICESCR là hai Công ước mà Việt Nam đã tham gia, có những quyền con người không thể bị hạn chế thực hiện vì bất cứ lý do gì, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, kể cả trong những trường cần thiết như quy định của Hiến pháp năm 2013.
Chính vì vậy, việc thi hành khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 cần xem xét tới quy định tại khoản 1 Điều 5 ICCPR năm 1966.
Việc quy định các lý do để hạn chế quyền là đúng đắn. Tuy vậy, theo pháp luật nhân quyền quốc tế thì một số quyền cần phải được hạn chế trong mọi thời điểm mà không cần xuất hiện các trường hợp cần thiết vì lý do an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội…
Chẳng hạn, quyền tự do hội họp luôn kèm theo điều kiện “hòa bình” (xem Điều 21 ICCPR năm 1966), quyền tự do lập hội có thể bị hạn chế đối với những người làm việc trong lực lượng vũ trang và cảnh sát (xem khoản 2 Điều 22 ICCPR năm 1966).
Bên cạnh đó, có thể thấy lý do/mục đích về “quốc phòng” không xuất hiện trong cả Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền – UDHR năm 1948 hay ICCPR năm 1966, ICESCR năm 1966.
“Hiến pháp năm 2013 cũng chưa đề cập việc hạn chế quyền không được làm mất đi bản chất của quyền con người, quyền công dân như quy định của pháp luật quốc tế và hiến pháp của nhiều quốc gia trên thế giới.
Quy định này cùng với sự thiếu vắng yêu cầu cần thiết trong một xã hội dân chủ, có thể dẫn đến hệ quả trong một số trường hợp sẽ hạn chế quá mức quyền con người, quyền công dân” – ông Trương Hồng Quang lưu ý, và đây chính là ‘cái bẫy’ khiến giới xã hội dân sự cả trong và ngoài nước khi phản biện, chỉ trích chính sách của Đảng, dễ bị ‘phản đòn’ qua các lập luận cũng được viện dẫn Hiến pháp từ cơ quan Tuyên giáo Trung ương.
No comments:
Post a Comment