Cuộc bầu cử sắp tới tại Thái Lan cho thấy, tuy cùng là những chế độ độc tài, nhưng độc tài quân phiệt của Thái Lan chấp nhận dân chủ hóa vì long yêu nước chân chính. Trong khi đó độc tài CS tại Việt Nam bám víu quyền lực, thà mất nước còn hơn mất đảng.
Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Phạm Phú Khải với tựa đề: “Chính trị Thái Lan: Ai sẽ nắm quyền vào kỳ bầu cử tới?” sẽ được Hướng Dương trình bày để kết thúc chương trình phát thanh DLSN tối hôm nay.
Phạm Phú Khải
Thứ Hai vừa qua, Thủ tướng đương nhiệm của Thái Lan Prayut Chan-o-cha công bố giải tán quốc hội. Hiến pháp của Thái ghi rằng cuộc bầu cử toàn quốc phải được tổ chức từ 45 đến 60 ngày sau khi quốc hội giải tán. Một ngày sau, Ủy ban Bầu cử Thái công bố sẽ tổ chức bầu cử toàn quốc vào ngày 14 tháng Năm.
Đây là điều mà có lẽ đa số người dân Thái mong đợi trong thời gian qua. Khi bầu cử được diễn ra để bầu chọn người đại diện xứng đáng vào quốc hội và từ đó cùng với thượng viện chọn Thủ tướng, theo tiến trình bầu cử hẳn hoi chứ không phải bằng đảo chánh, nó cho thấy nền chính trị Thái có dấu hiệu tích cực và trưởng thành.
Trong gần 3 năm qua, chính quyền quân phiệt do Prayut cầm đầu đã đàn áp thẳng tay phong trào dân chủ. Theo báo cáo mới nhất của tổ chức Luật sư Thái vì Nhân quyền, phổ biến vào ngày 17 tháng Ba, ít nhất 1.895 người trong 1.180 trường hợp đã bị buộc tội và/hoặc bị truy tố do tham gia và thể hiện chính trị kể từ khi bắt đầu cuộc biểu tình vào ngày 18 tháng 7 năm 2020 cho đến ngày 28 tháng 2 năm 2023. Trong số này có 233 cá nhân trong 253 trường hợp đã vi phạm điều 112 của Bộ luật Hình sự, còn gọi là lese majeste, hay tội khi quân, đụng đến hoàng tộc Thái. Chính quyền Prayut đã xử dụng điều luật này, rồi điều 116 của Bộ luật Hình sự, Lệnh Khẩn cấp, và nhiều bộ luật khác để trù dập những nhà hoạt động Thái. Phần lớn những người lãnh đạo phong trào đang bị tạm giam, hoặc nằm tù, và số khác được đóng tiền thế chân để được tại ngoại hậu tra.
Phong trào đấu tranh và vận động dân chủ tại Thái Lan từ cuối năm 2021 đến nay do đó đã không còn ai điều động hay lãnh đạo. Chính quyền Prayut cũng không còn lý cớ để tiếp tục chính sách hà khắc. Ngoài ra các đảng đối lập tại Thái như Pheu Thai và Move Forward cũng luôn thách thức liên đảng cầm quyền như Palang Pracharath, Bhumjaithai, Democrat v.v… tại quốc hội. Có thể nói từ năm 2022 trở đi, tình hình chính trị tại Thái đã lắng dịu xuống và hiện đang có một số chuyển đổi chính trị.
Đầu tháng Hai năm nay, tạp chí The Economist có đăng báo cáo về tình hình dân chủ khắp thế giới, do cơ quan Economist Intelligence Unit (EIU) thực hiện và đánh giá chỉ số dân chủ của 167 quốc gia. EIU phân tích dựa trên 5 thước đo, với số điểm cao nhất là 10: tiến trình bầu cử và tính đa nguyên, hoạt động của chính phủ, sự tham gia chính trị, văn hóa chính trị dân chủ và quyền tự do dân sự. Ấn bản năm 2023 cho thấy gần một nửa (45,3%) dân số thế giới sống trong một nền dân chủ nào đó, trong khi hơn một phần ba (36,9%) sống dưới chế độ độc tài.
EIU cũng nhận định rằng chất lượng dân chủ tại châu Á xuống thấp trong những năm qua, từ cuộc đảo chánh chính trị tại Miến Điện, rồi Hồng Kông lẫn Trung Quốc ngày càng trở nên cường quyền. Tuy thế, Thái Lan là một quốc gia đã có sự tiến bộ về dân chủ cao nhất so với các nước khác. Từ vị trí 72 vào năm 2021 Thái Lan đã vượt lên vị trí 55 vào năm 2022. Lý do chính là nhờ ở vai trò tích cực và lành mạnh của phía đối lập tại Thái Lan.
Cũng xin chia sẻ ở đây rằng trong bản báo cáo về tình hình tự do toàn cầu do Freedom House thực hiện đầu tháng Ba vừa qua, Thái Lan được xếp hạng 30 trên 100 điểm, với chỉ số 6 trên 40 cho quyền chính trị và 24 trên 60 cho tự do dân sự. Thái Lan vẫn không được xem là bán tự do hay tự do. Với những cuộc biểu tình hàng loạt vào năm 2020 và 2021, Freedom House nhận xét rằng “chế độ đã sử dụng các chiến thuật độc đoán, bao gồm bắt giữ tùy tiện, đe dọa, buộc tội khi quân (lese majeste) và quấy rối các nhà hoạt động”, trong khi đó “tự do báo chí bị hạn chế, thủ tục pháp lý không được đảm bảo và tội ác chống lại các nhà hoạt động thì không bị trừng phạt”. So với những năm trước đây thì chỉ số tự do tại Thái Lan không thay đổi bao nhiêu. Nghĩa là tệ hơn so với trước Covid.
Ở khía cạnh quyền chính trị và tự do dân sự, Freedom House đánh giá Thái Lan như vậy là hợp lý. Bằng chứng là bản báo cáo của tổ chức Luật sư Thái vì Nhân quyền vào tháng Ba vừa qua. Ở khía cạnh dân chủ, nhất là vai trò của các đảng đối lập, EIU đánh giá Thái Lan như thế bởi vì Thái Lan vẫn đa đảng, bầu cử được tự do, và truyền thông thì độc lập, đa dạng, và phần lớn có quyền nói lên quan điểm của mình, kể cả phê phán chính quyền. Thoạt nhìn tưởng có sự mâu thuẫn, hay nghịch lý, trong đánh giá. Thật ra nó chỉ là cách nhìn và cách đánh giá của từng cơ quan nghiên cứu dựa trên các tiêu chuẩn khác nhau.
Bầu cử toàn quốc tại Thái năm nay có nhiều điểm lý thú. Rất có khả năng Paetongtam Shinawatra, mới có 36 tuổi, con của tỷ phú Thaksin Shinawatra, từng là Thủ tướng Thái từ năm 2001 đến 2006, sẽ được đảng Pheu Thai chọn ra ứng cử vai trò Thủ tướng. Nhiều nhà quan sát thời sự cũng dự đoán rằng Pheu Thai có thể thắng lớn kỳ bầu cử này. Nếu Pheu Thai thắng lớn và nếu Paetongtam được bầu chọn làm Thủ tướng Thái, thì đây là lần thứ ba mà gia đình Shinawatra có người làm thủ tướng. Như thế rất có khả năng Thaksin sẽ được về lại Thái Lan sau khi bị lưu vong từ năm 2006. Nền chính trị tại Thái Lan sẽ ra sao, sẽ tiếp tục biểu tình không ngưng giữa bên ủng hộ Shinawatra và bên chống, như một thời áo đỏ áo vàng? Hay nó đã trưởng thành đủ để các bên chấp nhận đối thoại và giải quyết khác biệt bằng tranh luận và bằng lá phiếu, thay vì bằng bạo lực hay đảo chánh?
Mấu chốt của nền chính trị Thái vẫn là làm sao kiềm chế quyền lực của chế độ quân chủ và của quân đội Thái. Dù sao cuộc bầu cử sắp tới tại Thái vẫn là một hứa hẹn và bước tiến cho nền dân chủ Thái Lan.
No comments:
Post a Comment