Wednesday, March 15, 2023

Tin Tức, Thứ Tư 15.03.2023

Tin Tức

Mở đầu chương trình mời quý vị theo dõi phần Tin Tức với Phụng Hoàng & Trường An.

1/ HAI CHA CON BỊ ÁN TÙ VỚI CÁO BUỘC “HOẠT ĐỘNG LẬT ĐỔ CHÍNH QUYỀN”

Danh sách tù nhân chính trị tại VN vừa có thêm hai cha con ông Huỳnh Tiến và Huỳnh Tài sau khi hai người này bị bạo quyền tỉnh Bình Định tuyên án 6 năm tù vào hôm thứ Ba 14/3 với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”.

Theo tờ báo Công an, ông Huỳnh Tiến 71 tuổi và con trai Huỳnh Tài 55 tuổi đều cư ngụ tại thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Từ đầu năm 2019, hai ông tham gia tổ chức Chính phủ Quốc gia Lâm thời. 

Theo cáo trạng, ông Huỳnh Tài đã gửi điện thư tham gia cuộc trưng cầu dân ý do tổ chức nói trên đề ra. Ngoài việc kêu gọi người cha cùng tham gia tổ chức, ông Huỳnh Tài còn kêu gọi được một số người khác nữa. 

Cần nhắc lại, trong 10 tháng năm ngoái, các tòa án ở Việt Nam đã kết án tù ít nhất 19 người với cáo buộc tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” vì tham gia tổ chức nói trên. Vào năm 2017, bà Lisa Phạm, người bị bạo quyền VN cáo buộc có liên quan thuộc tổ chức này, cho biết là bà không có bất cứ liên quan gì đến những người bị bắt giữ và các cáo buộc xúi giục khủng bố ở Việt Nam.

2/ MÁY BAY NGA VA CHẠM MỘT MÁY BAY KHÔNG NGƯỜI LÁI HOA KỲ

Một vụ va chạm giữa chiến đấu cơ SU-27 của Nga và máy bay không người lái Reaper của Mỹ vừa xảy ra ở vùng biển Hắc Hải.

Trong khi đó, bộ quốc phòng Nga tuyên bố chiếc Reaper đã rơi xuống Hắc Hải vào buổi sáng do động cơ quá mạnh của nó, chứ chiếc máy bay Nga không hề va chạm vào nó.

Tuy nhiên bộ tư lệnh Âu châu của Mỹ cho biết chiến đấu cơ Nga đã chặn chiếc Reaper ở  vùng biển quốc tế Hắc Hải. Tướng James Hecker của Mỹ cho biết chiếc Reaper đang thực hiện chiến dịch thường lệ trong không phận quốc tế thì bị một máy bay Nga chặn lại và đâm vào, khiến máy bay rơi và dẫn đến tổn thất hoàn toàn đối với chiếc Reaper.

Theo thông báo nói trên, vụ va chạm xảy ra vào khoảng 7 giờ địa phương ở Hắc Hải, một chiến đấu cơ của Nga đã đâm vào cánh quạt của chiếc Reaper trong không phận quốc tế. Do đó, Hoa Kỳ quyết định cho máy bay rơi xuống biển. 

Thông báo nhấn mạnh là trước khi xảy ra vụ va chạm, hai máy bay Nga đã đổ nhiên liệu lên máy bay Reaper và bay phía trước nó một cách "liều lĩnh và thiếu chuyên nghiệp".

Phía Nga khẳng định máy bay của họ không xử dụng vũ khí và cũng không tiếp xúc với máy bay Mỹ. Nga nói hệ thống kiểm soát không phận của Nga đã phát giác một máy bay không người lái của Mỹ bay qua Hắc Hải, gần bán đảo Crimea. Họ cáo buộc Mỹ vi phạm ranh giới không phận tạm thời "được thiết lập cho hoạt động quân sự đặc biệt".

Nga nói do di chuyển quá nhanh, máy bay Reaper đã mất độ cao và va chạm với mặt nước.

3/ LIÊN MINH AUKUS THÔNG QUA DỰ ÁN TÀU NGẦM NGUYÊN TỬ

Ba nhà lãnh đạo Mỹ, Anh và Úc đã công bố những chi tiết mới về kế hoạch thành lập một hạm đội tàu ngầm chạy bằng nguyên tử loại mới trong cuộc gặp gỡ của khối Aukus vào hôm qua, thứ Ba 14/3.

Theo thỏa thuận Aukus, trước tiên Úc sẽ nhận ít nhất 3 tàu ngầm nguyên tử từ Mỹ. Các đồng minh cũng sẽ cùng phối hợp để tạo ra một hạm đội mới xử dụng kỹ thuật tiên tiến, bao gồm các động cơ do Rolls-Royce sản xuất tại Anh.

Hiệp ước này nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Cộng ở vùng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Phát biểu cùng hai nhà lãnh đạo Anh và Úc tại San Diego, tiểu bang California, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh rằng các tàu này sẽ không mang vũ khí hạt nhân và sẽ không ảnh hưởng đến cam kết trở thành một quốc gia không có vũ khí hạt nhân của Úc.

Theo thỏa thuận được đưa ra, các thành viên của hải quân Úc sẽ đến các căn cứ tàu ngầm của Mỹ và Anh từ năm nay để được đào tạo các kỹ năng cần thiết nhằm vận hành tàu ngầm. Từ năm 2027, Mỹ và Anh sẽ triển khai một số lượng nhỏ tàu ngầm hạt nhân tại căn cứ ở Perth, tiểu bang Tây Úc, trước khi Úc mua 3 tàu ngầm lớp Virginia của Mỹ vào đầu những năm 2030 và sẽ mua thêm hai chiếc khác nữa.

Sau đó, theo kế hoạch là thiết kế và chế tạo một tàu ngầm nguyên tử hoàn toàn mới cho hải quân Anh và Úc, được gọi là SSN-AUKUS. Tàu ngầm tấn công này sẽ được chế tạo ở Anh và Úc theo thiết kế của Anh, nhưng xử dụng kỹ thuật của cả ba nước.

Những chiếc tàu ngầm tạm thời và trong tương lai của Úc có thể di chuyển xa hơn và nhanh hơn so với hạm đội hiện có của nước này, với phi đạn tầm xa có thể tấn công các mục tiêu trên đất liền và trên biển.

Cần biết là hiệp ước Aukus đã nhiều lần bị chỉ trích từ Trung Cộng. Phát ngôn nhân Trung Cộng, Mao Ninh, vào tuần trước đã nhắc lại là hiệp ước này có nguy cơ tạo ra một cuộc chạy đua vũ trang và "phá hoại nền hòa bình và sự ổn định ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương".

4/ MỸ - PHI TỔ CHỨC CUỘC TẬP TRẬN QUY MÔ LỚN NHẤT 

Quân đội hai nước Hoa Kỳ và Phi Luật Tân sẽ tiến hành cuộc tập trận chung lớn nhất từ trước đến nay vào tháng tới, theo tuyên bố của một quan chức cao cấp Phi vào hôm thứ Ba 14/3.

Sự kiện nói trên đánh dấu mối quan hệ giữa hai nước được cải thiện nhiều hơn dưới thời Tổng thống Ferdinand Marcos Jr.

Năm nay, cuộc tập trận Balikatan (kề vai sát cánh) diễn ra trong bối cảnh nước Phi gọi các hành động của Trung Cộng ở Biển Đông là "hung hăng". Theo Đại tá Michael Logico, chỉ huy trung tâm huấn luyện của quân đội Phi và là người phát ngôn cho cuộc tập trận, sự kiện này sẽ được tổ chức từ ngày 11/4, có gần 18 ngàn binh sĩ tham gia từ hai nước, trong đó có khoảng 12 ngàn binh sĩ từ Hoa Kỳ, và lần đầu tiên sẽ có các cuộc diễn tập bắn đạn thật.

Trước đó cuộc tập trận chung lớn nhất diễn ra vào năm 2015 với hơn 11 ngàn binh sĩ tham gia.

Cuộc tập trận có quy mô lớn hơn được dự trù sau khi có quyết định của Tổng thống Marcos vào tháng trước, cho phép Hoa Kỳ được tiếp cận nhiều hơn với các căn cứ quân sự của Phi, trong khi đó Trung Cộng chỉ trích là điều này sẽ làm giảm mực độ ổn định trong khu vực.

Về khả năng cuộc tập trận chung sẽ khiến cho Trung Cộng tức giận hơn, ông Logico tuyên bố là "chúng tôi có quyền bảo vệ lãnh thổ của mình, đó là quyền tối cao, không thể tước bỏ. Chúng tôi hiện diện để chứng tỏ rằng chúng tôi luôn sẵn sàng chiến đấu".

Cuộc tập trận Balikatan năm nay sẽ được thực hiện ở một số tỉnh, bao gồm cả Palawan ở gần Biển Đông. Ông Logico cho biết thêm cũng sẽ có khoảng một trăm người Úc tham gia cuộc tập trận, mặc dù họ sẽ chỉ tham dự giới hạn vào "các cuộc tập trận trên bộ có quy mô nhỏ hơn".

5/ TRUNG CỘNG MỞ CỬA BIÊN GIỚI CHO DU KHÁCH QUỐC TẾ SAU DỊCH VŨ HÁN

Vào hôm nay, thứ Tư 15/3, bạo quyền Trung Cộng sẽ mở cửa biên giới cho du khách nước ngoài kể từ khi đại dịch Vũ Hán bộc phát cách đây 3 năm.

Việc nới lỏng các hạn chế diễn ra sau khi Trung Cộng tuyên bố chiến thắng dịch này và rút bỏ chiến lược “không Covid” vốn đã gây tổn hại cho nền kinh tế nước này. Từ ngày 15/3, các du khách nước ngoài có thể nạp đơn xin thị thực của Trung Cộng.

Việc nhập cảnh miễn thị thực cũng sẽ được nối lại ở đảo Hải Nam và Thượng Hải đối với các đoàn tàu du lịch. Các nhóm du lịch từ Hồng Kông và Ma Cao cũng sẽ được có đặc quyền miễn thị thực.

Ngoài ra, các thị thực hợp lệ được cấp trước khi Trung Cộng đóng cửa với thế giới vào ngày 28/3 năm 2020 sẽ được công nhận trở lại.

Cần biết là trước đại dịch, hàng chục triệu du khách quốc tế đến Trung Cộng mỗi năm. Tuy nhiên, theo giới phân tích, Hoa Lục có thể kỳ vọng lượng khách quốc tế gia tăng đáng kể sau khi mở cửa lại biên giới.

Trung Cộng cho biết tổng sản phẩm quốc nội của họ chỉ tăng 3% vào năm 2022, là mức tồi tệ nhất trong gần nửa thế kỷ qua. Năm nay, Hoa Lục đặt mục tiêu tăng trưởng 5% và tân Thủ tướng Lý Cường nói rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang ổn định và phục hồi trở lại.

No comments:

Post a Comment