Friday, March 10, 2023

Tin Tức, Thứ Sáu 10.03.2023

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Xuân Nhi & Bá Cơ trình bày sau đây.

 1/ CƯỠNG CHIẾM ĐẤT ĐAI KHÔNG MINH BẠCH Ở TỈNH NINH THUẬN

Một số người dân Chăm ở tỉnh Ninh Thuận đã bày tỏ sự phẫn nộ về việc bạo quyền đã cưỡng chiếm đất đai của 18 gia đình, nhưng chỉ bồi thường với giá 18 ngàn đồng mỗi thước vuông.

Vụ cưỡng chiếm đất đai nói trên xuất phát từ thông báo của bạo quyền tỉnh Ninh Thuận để thực hiện dự án đường Vân Lâm – Sơn Hải, do ông Trương Xuân Vỹ, chủ tịch huyện Thuận Nam ký ban hành vào ngày 11 tháng Giêng vừa qua. Trong thông cáo, bạo quyền huyện Thuận Nam cho biết sẽ cưỡng chế hơn 13 ngàn thước đất để làm dự án đường Văn Lâm - Sơn Hải ở xã Phước Nam.

Một số người dân phẫn nộ cho biết thông báo này được đưa ra mà không hề tham khảo ý kiến của người dân, cũng như không cho biết dự án đó sẽ thực hiện ở nơi họ cư trú. Ngoài ra thông báo nêu rõ thời gian thực hiện cưỡng chiếm đất đai sẽ bắt đầu từ 7 giờ ngày 28/2, trong khi các gia đình nhận được là vào ngày 21/2. Có nghĩa là chỉ có 7 ngày để người dân chuẩn bị cho việc cưỡng chiếm đất đai.

Dự án đường Văn Lâm - Sơn Hải dài hơn 13 cây số và là đấu nối trực tiếp với quốc lộ 1. Nhiều gia đình tại xã Phước Nam bị cưỡng chiếm đất là thuộc đồng bào dân tộc Chăm theo tôn giáo Bà Ni. Bà Thập Thị Thu Thích, một trong 18 gia đình cho biết là giá bồi thường chỉ có 18 ngàn đồng mỗi thước vuông, với số tiền nhận được là 39 triệu đồng.

Trước tình hình đó, bà Thích đã làm đơn gởi đến nhà cầm quyền đến 5 lần nhưng vẫn chưa được phản hồi. 

Ông Thành Thanh Dải, đại biểu của dân tộc Chăm trong hệ thống dân sự tại LHQ, cho rằng sau khi thực hiện cưỡng chiếm vào ngày 28/2, bạo quyền tỉnh Ninh Thuận cấm người dân chụp hình, quay phim và  trao đổi với cơ quan báo chí. Ông Dải cho biết đây là dự án nhà nước thì phải công khai, khách quan và dân chủ.

2/ HOA KỲ CHẤP THUẬN TỔNG THỐNG ĐÀI LOAN VIẾNG THĂM HẠ VIỆN

Phát ngôn nhân bộ ngoại giao Mỹ, Ned Price, tuyên bố với báo chí vào ngày 8/3 vừa qua là việc các quan chức cấp cao của Đài Loan quá cảnh ở Mỹ là phù hợp với chính sách lâu nay của Mỹ.

Điều này cho thấy là Washington không phản đối việc Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đến Hoa Kỳ để gặp chủ tịch hạ viện. Phát ngôn nhân Ned Price dùng từ “quá cảnh” chứ không phải chuyến viếng thăm”. Phát biểu nói trên được đưa ra sau khi chủ tịch hạ viện Kevin McCarthy khẳng định ông sẽ gặp bà Thái Anh Văn tại tiểu bang California.

Theo nhiều nguồn tin báo chí, bà Thái Anh Văn dường như là người đã đề nghị chủ tịch hạ viện Mỹ không nên đến Đài Bắc như ông từng có ý định, mà sẽ tiếp bà tại California.

Hai nguồn tin khác cho biết bà Thái Anh Văn được mời phát biểu tại thư viện Ronald Reagan khi dừng chân ở California, trong chuyến công du đến Trung Mỹ. Bà này đã từng 6 lần quá cảnh tại Mỹ trong vòng 6 năm lãnh đạo Đài Loan. Lần gần đây nhất là vào năm 2019 trong chuyến công du chính thức đến vùng Caribbean. 

Trung Cộng luôn xem Đài Loan là một tỉnh của họ, và luôn phản đối mọi cuộc tiếp xúc chính thức giữa đại diện chính quyền Đài Loan với nước ngoài.

3/ NGA LẠI OANH KÍCH HÀNG LOẠT ĐỊA PHƯƠNG Ở UKRAINE

Từ đêm 8/3 cho đến rạng sáng ngày 9/3, quân Nga đã đồng loạt pháo kích vào nhiều thành phố lớn nhỏ tại Ukraine với mức độ dữ dội nhất từ nhiều tuần qua.

Từ Kharkiv, ở miền đông bắc, Odessa miền tây nam, cho đến thủ đô Kiev và cả thành phố Lviv sát biên giới Ba Lan, tổng cộng 10 tỉnh thành trên cả nước đã bị tấn công. Nhiều cơ sở hạ tầng năng lượng bị bắn phá, với ít nhất 7 thường dân thiệt mạng. 

Quân đội Ukraine thông báo bắn hạ được 36 phi đạn trong tổng số 81 phi đạn và 4 máy bay tự sát.

Phát biểu trên mạng, Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky lên án Nga một lần nữa xử dụng một “chiến thuật tấn công hèn hạ” để gieo rắc sợ hãi. Đây là đợt oanh kích dữ dội nhất từ gần một tháng nay, nhưng đông đảo dân chúng rút cục đã quen thuộc với mối hiểm nguy từ trên không, nhiều người khẳng định tin tưởng ở hệ thống phòng không Ukraine. 

Thành phố Dnipro ở miền trung bị oanh kích vào lúc 6 giờ sáng, giờ địa phương, tại một khu vực phía nam có các cơ sở điện năng, nhưng thành phố này không bị mất điện như các nơi khác. Tại Kharkiv, thành phố lớn thứ nhì của Ukraine, hàng chục trái hỏa tiễn đã lọt lưới phòng không, rơi xuống thành phố khiến ít nhất hai người bị thương và mạng lưới điện bị mất hoàn toàn.

Các đội cứu cấp cũng bận rộn cứu chữa ở thành phố Nikolaiv, Odessa, Jytomir và thủ đô Kiev. Thành phố Lviv ở miền tây, sát biên giới Ba Lan, cũng bị tấn công với một hỏa tiễn bắn trúng một chung cư khiến 4 người thiệt mạng.

Theo cơ quan năng lượng Ukraine Energatom, sau cuộc oanh kích của Nga, nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia đã bị cô lập hoàn toàn khỏi mạng lưới điện quốc gia. Nhà máy điện này ở miền nam và nằm trong sự kiểm soát của Nga.

Về tình hình tại Bakhmut ở vùng Donbass, nơi chiến sự diễn ra dữ dội, theo dự báo của tổng thư ký NATO vào hôm 8/3, thành phố này có thể thất thủ trong vài ngày tới. Tổng thống Ukraine cảnh báo là nếu Ukraine để mất Bakhmut, quân đội Nga sẽ rảnh tay để xâm chiếm nhiều thành phố miền đông Ukraine.

No comments:

Post a Comment