Mở đầu chương trình, Vân Hà và Thiên An mời quí thính giả theo dõi chi tiết các tin hôm nay.
1/ VN KHẨN CẤP GỠ KHÓ CHO NGÀNH Y TẾ
Nhà cầm quyền VN vừa ban hành hai nghị định với hàng loạt giải pháp nhằm khẩn cấp tháo gỡ khó khăn trong việc đấu thầu, bảo đảm đủ thuốc men và trang thiết bị y tế cho các bệnh viện.
Liên tiếp trong hai ngày qua, nhà cầm quyền VN đã ban hành hai nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 3/3. Theo đó để giải quyết tình trạng thiếu thốn thuốc men do giấy phép nhập cảng y tế, nghị định này gia hạn hiệu lực thi hành giấy phép này. Một nghị định khác thì thay đổi về thanh toán chi phí khám bệnh, bảo hiểm y tế và cho phép linh hoạt hơn về giá gói thầu.
Cần biết là sau khi hàng trăm quan chức y tế bị bắt giam trên toàn quốc vì dính líu đến vụ án Việt Á và một số vụ tham nhũng lớn lao khác, hàng trăm bệnh viện lớn nhỏ khác đã xuất hiện tình trạng khan hiếm thuốc men và thiếu lương trả cho nhân viên.
Việc gia hạn các giấy phép nhập cảng tạm thời giải quyết vấn đề rất thiết yếu cho các bệnh viện, với những gói thầu đã trúng thầu thì có thể nhập cảng được ngay. Tình trạng thiếu thốn thuốc men và trang thiết bị y tế đang lan rộng ở khắp nơi.
Trước đó, từ ngày 1/3, do cạn kiệt thuốc men, bệnh viện Việt Đức ở Hà Nội đã phải giảm các ca mổ, chỉ ưu tiên giải phẫu những ca cấp cứu và bệnh nhân rất nặng khiến nhiều ca chấn thương kéo dài thời gian chờ được mổ, thậm chí có bệnh nhân được mổ cũng phải trì hoãn.
2/ TRUNG CỘNG GIA TĂNG CHI PHÍ QUỐC PHÒNG LÊN HƠN 200 TỶ MỸ KIM
Trung Cộng vào hôm qua, Chủ nhật 5/3, công bố ngân sách quốc phòng cho năm nay là 224 tỷ Mỹ kim, tăng thêm 7.5% so với năm trước và là năm thứ 8 mà Trung Cộng gia tăng quốc phòng.
Ngân sách quốc phòng trong năm được công bố tại quốc hội Trung Cộng khi cơ quan này chuẩn bị phê chuẩn nhiệm kỳ thứ ba trong vai trò chủ tịch nước đối với Tổng bí thư Tập Cận Bình.
Thủ tướng Trung Cộng Lý Khắc Cường phát biểu tại quốc hội về việc công bố ngân sách quốc phòng mới là có những nỗ lực đang gia tăng từ bên ngoài nhằm kiềm chế Trung Cộng. Họ Lý hô hào là các lực lượng vũ trang cần gia tăng huấn luyện quân sự, phát triển hướng dẫn chiến lược quân sự mới, đặt nhiều nỗ lực hơn vào huấn luyện quân sự trong điều kiện chiến trường và có những nỗ lực phối hợp tốt để tăng cường công tác quân đội ở mọi hướng và mọi mặt.
Cần biết Trung Cộng đang có những thách thức liên quan đến vấn đề Đài Loan và khu vực Biển Đông. Vào tháng 8 năm ngoái, Trung Cộng đã có cuộc diễn tập quân sự lớn gần Đài Loan để bày tỏ sự tức giận trước chuyến thăm của chủ tịch vạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Loan, đảo quốc mà Bắc Kinh khẳng định thuộc chủ quyền của Hoa Lục.
Trung Cộng hiện là nước có số lượng binh sĩ lớn nhất thế giới và đang tích cực phát triển các vũ khí quân sự mới, bao gồm hàng không mẫu hạm và chiến đấu cơ tàng hình. Bắc Kinh nói rằng, chi tiêu quốc phòng của nước này hiện vẫn thấp so với tổng sản lượng kinh tế và cáo buộc quốc tế đã làm xấu hình ảnh Trung Cộng khi cho rằng nước này là mối đe doạ cho hoà bình thế giới.
Hiện ngân sách quốc phòng của Trung Cộng chỉ mới tương đương khoảng một phần tư ngân sách quốc phòng của Mỹ, mặc dù một số chuyên gia cho rằng con số chi tiêu quốc phòng thực sự của Trung Cộng trên thực tế có thể cao hơn. Ngân sách quốc phòng năm 2023 của Mỹ là 858 tỷ Mỹ kim được dùng cho việc mua các vũ khí, tàu chiến và máy bay, hỗ trợ Đài Loan và Ukraine.
3/ UKRAINE KHẲNG ĐỊNH ĐẨY LÙI 130 CUỘC TẤN CÔNG CỦA NGA Ở BAKHMUT
Quân đội Ukraine vào hôm qua, Chủ nhật 5/3, cho biết đã đẩy lui 130 cuộc tấn công của quân Nga ở thành phố Bakhmut thuộc miền đông, nơi diễn ra nhiều chiến sự gay gắt nhất từ nhiều tháng qua.
Bộ tổng tham mưu Ukraine khẳng định có hơn 130 cuộc tấn công của quân Nga đã bị đẩy lùi trong ngày hôm qua, trong đó có những cuộc tấn công tại Kupiansk, Lyman, Bakhmut và Avdiivka, trong bối cảnh quân Nga vẫn cố bao vây Bakhmut, thành phố hiện gần như đã phá hủy hoàn toàn.
Ông Sergiy Cherevaty, phát ngôn nhân quân đội Ukraine, thừa nhận là tình hình tại Bakhmut rất “khó khăn nhưng vẫn được kiểm soát”, cho dù nơi này đã biến thành mục tiêu tấn công ưu tiên của quân Nga.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh, có trụ sở tại Mỹ, cũng ghi nhận chiến sự đang diễn ra khốc liệt xung quanh thành phố, đồng thời cảnh báo là các tuyến đường tiếp tế của Ukraine đang bị thu hẹp. Theo viện nghiên cứu này thì quân Nga có thể là đã có ý định bao vây các lực lượng Ukraine ở Bakhmut, nhưng bộ chỉ huy Ukraine đã phát đi tín hiệu rằng họ có thể sẽ rút quân, thay vì mạo hiểm khi để bị bao vây.
Kể từ mùa hè vừa qua, Ukraine và Nga đã tranh giành quyết liệt Bakhmut, một thành phố đã trở thành biểu tượng, với việc Ukraine đã thề bảo vệ “pháo đài Bakhmut”, trong lúc Nga lại quyết tâm chiếm lấy nơi được xem là một phần thưởng chính trị trong lúc cuộc chiến kéo dài.
Vào lúc mọi sự chú ý dồn vào Bakhmut ở miền đông Ukraine, thảm kịch vẫn xảy ra ở nơi khác. Số người chết trong vụ Nga oanh kích vào một chung cư ở thành phố miền nam Zaporijjia, đã tăng lên 13 người. Zaporijjia là một trong bốn khu vực bị Nga tuyên bố đã sát nhập, nhưng chưa bao giờ kiểm soát hoàn toàn.
4/ BIỂU TÌNH LẠI BỘC PHÁT Ở IRAN VÌ HÀNG TRĂM NỮ SINH TRÚNG ĐỘC
Các bậc phụ huynh đã biểu tình ở thủ đô Tehran và các thành phố lớn nhỏ của Iran vào hôm thứ Bảy 4/3 sau khi giới chức trách cho biết hàng trăm nữ sinh ở các trường học đã bị đầu độc.
Tình trạng sức khỏe của các nữ sinh này đến nay vẫn chưa giải thích được, đã ảnh hưởng đến giới nữ sinh ở Iran trong những tháng gần đây. Giới chức trách tin rằng các nữ sinh này có thể đã bị đầu độc và cáo buộc các lực lượng thù địch với Tehran đứng sau việc này.
Theo bộ trưởng y tế Bahram Einollahi, các nữ sinh đã "trúng độc ở mức nhẹ", trong khi đó một số chính trị gia cho rằng các nữ sinh có thể là mục tiêu bởi các nhóm Hồi giáo bảo thủ vốn phản đối việc cho giới nữ sinh đi học.
Bộ trưởng nội vụ Abdolreza Rahmani Fazli hôm 4/3 cho biết các nhà điều tra đã tìm thấy một số "mẫu vật đáng ngờ" và thông qua việc nghiên cứu thực địa, các mẫu vật đáng ngờ đã được tìm thấy và đang được điều tra... để xác định nguyên nhân gây bệnh cho các học sinh và kết quả sẽ được công bố trong thời gian sớm nhất.
Các trường hợp ngã bệnh đã được phát giác tại hơn 30 trường học ở ít nhất 10 trong số 31 tỉnh của Iran tính đến ngày 4/3. Mạng xã hội ở Iran những ngày gần đây liên tục xuất hiện hình ảnh và cuốn phim về các nữ sinh ngã bệnh, cảm thấy buồn nôn hoặc tim đập nhanh. Một số nữ sinh cho biết họ thấy đau đầu.
Cuộc tụ tập của phụ huynh bên ngoài trụ sở bộ giáo dục ở phía tây Tehran vào hôm thứ Bảy đã biến thành cuộc biểu tình phản đối. "Basij, vệ binh, các người là Daesh", những người biểu tình hô vang, chỉ trích Vệ binh Cách mạng Hồi giáo.
Các cuộc biểu tình tương tự đã được tổ chức ở hai khu vực khác ở Tehran và các thành phố khác bao gồm Isfahan và Rasht, theo các cuốn phim chưa được xác minh.
Biến cố này diễn ra sau các cuộc biểu tình kéo dài hàng tháng ở Iran vì vụ một phụ nữ trẻ qua đời khi đang bị cảnh sát đạo đức giam giữ.
Cơ quan nhân quyền của LHQ đã kêu gọi một cuộc điều tra minh bạch về sự việc và các quốc gia bao gồm Đức và Mỹ đã bày tỏ quan ngại. Iran cùng ngày chỉ trích hành động mà nước này cho là sự can thiệp của nước ngoài, đồng thời cho biết họ đang mở cuộc điều tra.
No comments:
Post a Comment