Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Xuân Nhi & Bá Cơ trình bày sau đây.
1/ VN ĐANG ĐIỀU TRA VỀ VỤ TRUY NÃ ÔNG MINH QUỐC NGUYỄN
Giới chức trách VN đang điều tra về vụ ông Minh Quốc Nguyễn, một người Việt đang bị cơ quan FBI của Hoa Kỳ truy nã về tội rửa tiền hơn 3 tỷ Mỹ kim.
Bà Phạm Thu Hằng, phát ngôn nhân VN, cho biết tin trên trong cuộc họp báo vào chiều ngày thứ Năm 23/3 tại Hà Nội. Bà Hằng khoe khoang rằng VN là một nước có trách nhiệm trong phòng chống tội phạm xử dụng kỹ thuật cao và tội phạm quốc gia. Vì thế mọi hành vi xâm phạm quyền lợi của các tổ chức hay cá nhân đều sẽ bị điều tra theo quy định của pháp luật.
Cần biết là vào trung tuần tháng 3, bộ tư pháp Hoa Kỳ thông báo ông Minh Quốc Nguyễn 49 tuổi, mang quốc tịch Việt Nam, đang bị truy tố với tội danh rửa tiền và đánh cắp thông tin cá nhân liên quan đến hoạt động của nền tảng mã hóa ChipMixer. Thông báo được đưa ra sau khi nền tảng này bị đánh sập với cáo buộc mạng này đã rửa hơn 3 tỷ Mỹ kim.
Thông cáo của FBI cũng cho biết là ông Minh Quốc Nguyễn trong ngày 15/3 bị tòa án ở tiểu bang Philadelphia buộc tội rửa tiền, điều hành một doanh nghiệp chuyển tiền không có giấy phép và đánh cắp danh tính, có liên quan đến hoạt động của ChipMixer.
Trên trang chủ của FBI có cập nhật việc truy nã ông Minh Quốc Nguyễn. Ông này được cho biết có bằng tiến sĩ kỹ sư điện tử do Đài Loan cấp.
2/ GIỚI NGOẠI QUỐC KHÔNG HÀI LÒNG VỚI CHÍNH SÁCH THỊ THỰC CỦA VN
Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia đứng chót bảng xếp hạng về chỉ số hài lòng của người ngoại quốc vì chính sách thị thực.
Đó là kết quả của cuộc khảo sát được thực hiện bởi trang InterNations vừa được công bố vào hôm thứ Tư 22/3. Trang mạng này đã ghi nhận mức độ hài lòng của gần 12 ngàn người nước ngoài thuộc 177 quốc tịch sống ở 181 quốc gia.
Tổng cộng có 52 quốc gia đáp ứng ghi nhận nói trên và Việt Nam lọt vào 10 nước, xếp thứ 46 trong chỉ số tổng thể, bao gồm bốn hạng mục phụ là cuộc sống, các vấn đề hành chính, nhà ở và ngôn ngữ.
Đối với vấn đề hành chính, Việt Nam được xếp thứ 51 trong số 52 điểm. 48% người nước ngoài được khảo sát cho biết họ gặp khó khăn trong việc xin thị thực để đến Việt Nam, gấp đôi mức trung bình toàn cầu là 24%. Gần hai phần ba cho biết rất khó đối phó với bộ máy hành chính địa phương, so với 39% trên toàn cầu. Và 41% gặp khó khăn khi mở trương mục ngân hàng so với 21% trên toàn cầu.
Một người Anh sinh sống tại VN cho biết là bộ máy quan liêu khiến những thủ tục đơn giản trở nên khó khăn hơn.
Việt Nam bị xếp hạng cuối về các dịch vụ trực tuyến của nhà nước. Khoảng 25% người nước ngoài cho biết họ gặp khó khăn trong việc thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam, so với 8% trên toàn cầu.
Thông qua cuộc khảo sát, Bahrain là điểm đến tốt nhất thế giới cho người nước ngoài và Đức là điểm đến tồi tệ nhất. Singapore đứng thứ ba trong danh sách và Indonesia đứng thứ sáu nhờ nhà ở được nói có giá phải chăng.
3/ HOA KỲ PHỦ NHẬN TIN TRUNG CỘNG XUA ĐUỔI 1 CHIẾN HẠM MỸ Ở BIỂN ĐÔNG
Một lần nữa trong năm nay, chính phủ Hoa Kỳ đã thẳng thừng bác bỏ một tuyên bố của Trung Cộng là hải quân nước này đã xua đuổi một khu trục hạm của Mỹ ra khỏi vùng biển Hoàng Sa vào ngày hôm qua, thứ Năm 23/3.
Theo thông cáo đưa ra cùng ngày của hạm đội 7 Hoa Kỳ, tuyên bố nói trên là hoàn toàn sai. Trước đó trong tuyên bố của bộ tư lệnh quân khu miền nam Hoa Lục, khu trục hạm Milius của Mỹ đã bị xua đuổi ra khỏi khu vực Hoàng Sa ở Biển Đông.
Trả lời với báo chí, phát ngôn nhân hạm đội 7 cho biết khu trục hạm Milius đang tiến hành cuộc tuần tra như thường lệ ở Biển Đông và không hề bị xua đuổi. Quan chức này lặp lại là Hoa Kỳ tiếp tục cho chiến đấu cơ và chiến hạm hoạt động tại bất cứ nơi nào mà luật quốc tế cho phép.
Tuy nhiên phát ngôn nhân nói trên không cho biết rõ là khu trục hạm Milius có đi sát vào vùng biển quần đảo Hoàng Sa hoặc có đối đầu gì giữa hai phía hay không.
Thông cáo của phía hạm đội 7 được đưa ra sau khi bộ tư lệnh quân khu miền nam của Trung Cộng tuyên bố là hải quân và không quân Trung Cộng đã xua đuổi chiến hạm Mỹ theo đúng luật pháp.
Vụ việc này xảy ra vào khi căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng tại khu vực gia tăng do Washington đẩy mạnh ngăn chặn hành động hung hăng của Bắc Kinh tại Biển Đông và những nơi khác.
Biển Đông là một tuyến hàng hải được đánh giá có tính chiến lược trên thế giới, hằng năm lượng hàng hóa được vận chuyển qua tuyến đường này lên đến khoảng 5 ngàn tỷ Mỹ kim và vùng biển này còn giàu có về nguồn hải sản cũng như tài nguyên dầu mỏ.
4/ UKRAINE SẮP TỔNG PHẢN CÔNG TẠI BAKHMUT
Quân đội Ukraine, đã giữ thế phòng thủ trong 4 tháng qua, sẽ sớm tiến hành một cuộc tổng phản công được mong đợi từ lâu, sau khi cuộc tấn công mùa đông của Nga đang thất bại nếu không chiếm được Bakhmut.
Tuyên bố phản công nói trên là do Đại tướng Olekandr Syrsky, người cầm đầu lực lượng trên bộ của Ukraine cho biết vào hôm thứ Năm 23/3. Đây là dấu hiệu mạnh mẽ nhất từ Ukraine là họ sắp thay đổi chiến thuật sau khi gồng mình chịu đựng các cuộc tấn công dữ dội của Nga trong mùa đông lạnh giá.
Tướng Syrsky cho biết trên trang mạng xã hội là lính đánh thuê Wagner của Nga, lực lượng cố gắng chiếm Bakhmut trong trận chiến dài và đẫm máu nhất, “đang mất đi sức mạnh đáng kể và sắp kiệt sức”. Ông cho biết là quân Ukraine sẽ sớm tận dụng cơ hội này như đã từng nắm bắt ở Kiev, Kharkiv, Balaklia và Kupiansk.
Cần biết Đại tướng Syrskyi là một trong những vị chỉ huy hàng đầu đằng sau chiến lược của Ukraine vào năm ngoái, nhằm đẩy lùi cuộc tấn công của Nga vào Kiev và đẩy lùi lực lượng của Moscow cho đến nửa cuối năm 2022.
Chiến tuyến ở Ukraine đa số đã không dịch chuyển nhiều kể từ cuộc tấn công lớn cuối cùng của Ukraine vào tháng 11. Kể từ đó quân Nga đã đưa hàng trăm ngàn tân binh dự bị và những người bị kết án được tuyển mộ từ các nhà tù vào những trận chiến mà cả hai bên mô tả như một máy xay thịt.
Chiến dịch của Nga đã có rất ít tiến triển, trong khi Ukraine ngay từ đầu có vẻ sẽ rút khỏi thành phố nhỏ Bakhmut ở phía đông, lại quyết định giữ quân trong tháng này và phủ nhận chiến thắng đầu tiên của Moscow kể từ tháng 8 năm ngoái.
Hiện không có phản ứng từ Moscow đối với những tuyên bố mới nhất là lực lượng của họ ở Bakhmut đang mất đà, nhưng Yevgeny Prigozhin, chủ nhân lính đánh thuê Wagner, đã đưa ra những tuyên bố bi quan trong những ngày qua, cảnh báo về một cuộc phản công của Ukraine.
Hôm 22/3, bộ quốc phòng Anh cho biết Ukraine đã tiến hành một cuộc phản công cục bộ ở phía tây Bakhmut, có khả năng giảm bớt áp lực lên tuyến đường chính được xử dụng để tiếp tế cho lực lượng của Kiev bên trong thành phố.
5/ TRUNG CỘNG GIẢM HƠN 200 TỶ PHÚ TRONG MỘT NĂM QUA
Theo bảng xếp hạng do một công ty Trung Cộng thống kê, trong năm qua nước này đã sụt giảm hơn 200 tỷ phú do tình hình kinh tế xuống dốc.
Báo cáo mang tên Global Rich List của công ty Hurun Report, có trụ sở ở Thượng Hải. Theo đó vào năm 2022, Trung Cộng đã giảm 229 tỷ phú và giới giàu có tại nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới đang đối mặt với những thách thức về kinh tế, thị trường chứng khoán và đồng Hoa tệ mất giá.
Trong thống kê của Hurun, trên toàn thế giới, 445 người trong năm qua đã mất danh hiệu tỷ phú, với một nửa là tại Hoa Lục. Bù lại thì Trung Cộng có thêm 69 tỷ phú mới nhất, với ông Zhong Shanshan 69 tuổi, chủ nhân nước đóng chai Nongfu Spring, là người giàu nhất Hoa Lục với khối tài sản lên đến 69 tỷ Mỹ kim.
Người sáng lập công ty Tencent là Pony Ma 52 tuổi, đứng ở vị trí thứ 2 trong số các tỷ phú giàu nhất Trung Cộng, với tài sản là 39 tỷ Mỹ kim. Người sáng lập ByteDance là Zhang Yiming 40 tuổi đứng ở vị trí thứ 3 với tài sản 37 tỷ Mỹ kim.
Jack Ma, người sáng lập Alibaba, đã sụt từ vị trí thứ 5 năm ngoái xuống thứ 9 trong số các tỷ phú Trung Cộng, với tổng tài sản là 25 tỷ Mỹ kim.
Trong bảng xếp hạng trên thế giới, theo Hurun, tỷ phú Bernard Arnault của đế chế thời trang LVMH giàu nhất toàn cầu với tổng tài sản 202 tỷ. Kế đó là tỷ phú Elon Musk đứng thứ 2 với 157 tỷ Mỹ kim.
No comments:
Post a Comment