Kính thưa quí thính giả, sau đây phóng viên Bảo Trân và Hướng Dương sẽ điểm lại những sự kiện nổi bật tại Việt Nam trong tuần qua
Bảo Trân: Thưa anh HD, thêm một bằng chứng rằng công an csvn luôn ép buộc những người đấu tranh nhận tội, trường hợp của youtuber Nguyễn Thái Hưng là một thí dụ mới nhất phải không thưa anh?
Hướng Dương: Thưa chị, đúng vậy, cụ thể là trước phiên tòa phúc thẩm vào ngày 29/3, bạo quyền tỉnh Đồng Nai liên tục thuyết phục ông Nguyễn Thái Hưng, chủ trang “Nói bằng thực TV”, nhận tội để được giảm án.
Ông Nguyễn Thái Hưng bị bắt khi đang nói chuyện trực tuyến trên trang mạng nói trên, với khoảng 40 ngàn người theo dõi. Bà Vũ Thị Kim Hoàng, vợ ông, cũng bị bắt trong ngày 5/1 năm ngoái. Đến cuối tháng 11, ông Hưng bị tòa án huyện Tân Phú kết án 4 năm tù giam và bà Hoàng bị kết án 2 năm sáu tháng tù với cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ để chống phá đảng và nhà nước CSVN”.
Bà Hoàng vẫn được tại ngoại kể từ tháng 4 năm ngoái, sau gần bốn tháng bị tạm giam. Bà Hoàng cho biết là ông Hưng bị bạo quyền khuyên răn là nên nhận tội nhưng vẫn khẳng định là mình chỉ thực hiện quyền tự do ngôn luận.
Theo cáo trạng, từ đầu tháng 6 năm 2020 cho đến khi bị bắt, ông Nguyễn Thái Hưng xử dụng trang “Nói Bằng Thực TV” để thực hiện 21 cuộc trực tuyến có nội dung bị cho là “nói xấu đảng và nhà nước, xuyên tạc chính sách phát triển kinh tế xã hội, xuyên tạc không đúng sự thật những vụ việc nổi bật diễn ra gần đây”.
Những vụ việc mà cáo trạng nhắc tới có vụ tấn công của hàng ngàn công an vào xã Đồng Tâm ở ngoại thành Hà Nội vào đầu năm 2020 và các vấn đề khác như quản lý tù nhân, chế độ cộng sản và pháp luật Việt Nam. Ông Hưng bị cho là thu lợi bất chính hơn 384 triệu đồng tiền quảng cáo từ việc phát trực tiếp lên YouTube. Trang này đã không còn nội dung nào sau khi hai người bị bắt giữ.
Bảo Trân: Và trong tuần qua, lại có tin là bạo quyền csvn đã thực hiện thêm một vụ cưỡng chiếm đất đai, xin anh nói thêm về việc này.
Hướng Dương: Vâng, thưa chị một số người sắc tộc Chăm ở tỉnh Ninh Thuận đã bày tỏ sự phẫn nộ về việc bạo quyền đã cưỡng chiếm đất đai của 18 gia đình, nhưng chỉ bồi thường với giá 18 ngàn đồng mỗi thước vuông.
Vụ cưỡng chiếm đất đai nói trên xuất phát từ thông báo của bạo quyền tỉnh Ninh Thuận để thực hiện dự án đường Vân Lâm – Sơn Hải, do ông Trương Xuân Vỹ, chủ tịch huyện Thuận Nam ký ban hành vào ngày 11 tháng Giêng vừa qua. Trong thông cáo, bạo quyền huyện Thuận Nam cho biết sẽ cưỡng chế hơn 13 ngàn thước đất để làm dự án đường Văn Lâm – Sơn Hải ở xã Phước Nam.
Một số người dân phẫn nộ cho biết thông báo này được đưa ra mà không hề tham khảo ý kiến của người dân, cũng như không cho biết dự án đó sẽ thực hiện ở nơi họ cư trú. Ngoài ra thông báo nêu rõ thời gian thực hiện cưỡng chiếm đất đai sẽ bắt đầu từ 7 giờ ngày 28/2, trong khi các gia đình nhận được là vào ngày 21/2. Có nghĩa là chỉ có 7 ngày để người dân chuẩn bị cho việc cưỡng chiếm đất đai.
Dự án đường Văn Lâm – Sơn Hải dài hơn 13 cây số và là đấu nối trực tiếp với quốc lộ 1. Nhiều gia đình tại xã Phước Nam bị cưỡng chiếm đất là thuộc đồng bào dân tộc Chăm theo tôn giáo Bà Ni. Bà Thập Thị Thu Thích, một trong 18 gia đình cho biết là giá bồi thường chỉ có 18 ngàn đồng mỗi thước vuông, với số tiền nhận được là 39 triệu đồng.
Trước tình hình đó, bà Thích đã làm đơn gởi đến nhà cầm quyền đến 5 lần nhưng vẫn chưa được phản hồi.
Ông Thành Thanh Dải, đại biểu của dân tộc Chăm trong hệ thống dân sự tại LHQ, cho rằng sau khi thực hiện cưỡng chiếm vào ngày 28/2, bạo quyền tỉnh Ninh Thuận cấm người dân chụp hình, quay phim và trao đổi với cơ quan báo chí. Ông Dải cho biết đây là dự án nhà nước thì phải công khai, khách quan và dân chủ.
Bảo Trân: Liên quan đến một tù nhân lương tâm, có tin là ông Trương Văn Dũng sẽ bị chính thức tuyên án, anh có ghi nhận gì về việc này
Hướng Dương: Thưa chị, Tòa án Hà Nội sẽ đưa nhà hoạt động nhân quyền Trương Văn Dũng ra xét xử sơ thẩm vào sáng 28/3/2023. Tòa án này hôm qua 10/3 đã gửi giấy triệu tập vợ ông Dũng là bà Nghiêm Thị Hợp với tư cách “người làm chứng” đến phiên xử sắp tới.
Ông Trương Văn Dũng, sinh năm 1958, được công luận biết đến qua những hoạt động đấu tranh hòa bình trên đường phố đầy sáng tạo và quả cảm. Ông có mặt ở hầu hết các cuộc biểu tình chống Tàu cộng xâm lược, các cuộc tuần hành bảo vệ môi trường, các phiên tòa xét xử giới bất đồng chính kiến, các buổi tưởng niệm những anh hùng bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ… Đặc biệt, hình ảnh ông Dũng xuất hiện trên khắp đường phố Hà Nội, tay giơ cao những tấm băng rôn, khẩu hiệu có nội dung cổ vũ cho nhân quyền, chỉ trích chế độ đã trở nên quen thuộc và được mọi người gọi là “Trương tráng sĩ”. Vì các hoạt động đấu tranh cho công lý và sự thật một cách quyết liệt, ông Dũng nhiều lần bị công an đánh đập, dẫn đến trọng thương.
Ông Dũng là một trong những thành viên đầu tiên của Câu Lạc bộ No-U Hà Nội. Sau này, ông trở thành người tích cực trong các hoạt động yểm trợ cho các tù nhân lương tâm và thân nhân của họ với tư cách thành viên Hội Bầu Bí Tương Thân.
Ông Trương Văn Dũng bị bắt ngày 21/5/2022 và bị cáo buộc tội danh “Tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam” theo điều 117- BLHS.
No comments:
Post a Comment