Đánh dấu 35 năm ngày TC đánh chiếm đảo Gạc Ma ở Trường Sa, nhà nước CSVN đã tổ chức một buổi lễ tưởng niệm ở Khánh Hòa, nhưng lại ngăn chận tất cả những ai mà họ cho rằng có tư tưởng chống Tàu xâm lược đến thắp hương. Mời quí thính giả theo dõi bài quan điểm của LLCQ về hành vi mi dân và thái độ khiếp nhược Tàu Cộng của đảng CSVN. Bài sẽ được Hải Nguyên trình bày sau đây.
Thưa Quí thính giả,
Tuần trước, báo đài nhà nước CSVN đồng loạt đưa tin, một buổi tưởng niệm 64 chiến sỹ hải quân Việt Nam tử trận tại Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, khi Trung Quốc đánh chiếm đảo này cách đây 35 năm, đã được tổ chức vào tối ngày 13/3/2023 tại Khánh Hòa. Việc tổ chức tưởng niệm này khiến nhiều người đặt ra câu hỏi, có thật nhà nước CSVN không còn sợ làm mất lòng đàn anh Trung Quốc nữa hay không?
Để tìm câu trả lời vấn nạn trên, chúng ta cùng nhắc lại vài sự kiện đã diễn ra liên quan đến cuộc thảm sát tại Gạc Ma ngày 14/3/1988, nhưng đã bị nhà nước CSVN che đậy trong suốt 30 năm. Mặc dầu hàng năm, cứ đến ngày 14/3, người thân và bạn hữu của các binh lính bị giết, cũng như những người quan tâm đến chủ quyền biển đảo của VN, vẫn muốn làm một cử chỉ gì đó, để tưởng nhớ những người đã bỏ xác nơi hải đảo, nhưng luôn bị nhà cầm quyền CSVN ngăn chận.
Thông tin về buổi tưởng niệm, đã khơi dậy nỗi đau ngày 14/3/1988, khi hải quân Trung Quốc đánh chiếm Gạc Ma, giết chết 64 binh sĩ và bắt đi 9 người, trong khi những binh lính đồn trú và làm việc tại đây, đã nhận được lệnh không nổ súng chống trả hải quân Trung Quốc. Từ đó Gạc Ma đã được TQ bồi đắp và xây dựng thành một trong 7 căn cứ quân sự của họ ở Trường Sa.
Sau 30 năm che đậy, một quyển sách có tựa đề “Gạc Ma-Vòng Tròn Bất Tử” do thiếu tướng Lê Mã Lương làm chủ biên, cùng với sự cộng tác của gần 70 người khác, viết về sự kiện Gạc Ma mới được phát hành. Nhưng trước khi sách đến được tay đọc giả, nó đã bị dằn vặt, cắt xen bởi Hội Đồng thẩm định cấp nhà nước, kéo dài trong 4 năm, qua hàng trăm lần chỉnh sửa, với 48 lần viết lại, và 14 nhà xuất bản xin giấy phép phát hành. Thế mà chỉ một tháng sau ngày phát hành 10/7/2018, nhà nước đã ra lệnh dừng phổ biến và đòi thu hồi tòan bộ số sách đã bán ra, chỉ vì tìm thấy một vài chi tiết cho rằng không đúng sự thật. Tổng cộng số sách in ra trong 2 lần chỉ có 3 vạn quyển, một con số quá nhỏ so với dân số gần trăm triệu!
Sau cùng, công ty Trí Việt đã phải in ra một tờ giấy rời có 8 điểm sửa đổi, để kẹp vào những quyển sách đã in. Thật là oái oăm, trong 8 chi tiết sửa đổi ấy, duy chỉ có một chi tiết được xem là cái đinh của vấn đế, đó là thiếu một chữ, chữ “trước” ở cuối câu “không được nổ súng” mà thôi. Nhưng dựa vào lời kể của binh sĩ Nguyễn Văn Lanh, người đã giằng co lá cờ với lính Trung Quốc nên bị chúng đâm và bắn bị thương, nhưng được cứu sống. Anh Lanh cho biết đơn vị được lệnh "không được nổ súng" vào quân Trung Quốc. Nên câu ấy phải sửa lại cho đúng, là "không được nổ súng trước". Thế thôi.
Sở dĩ nhà nước CSVN làm lớn chuyện như thế là để biện bạch cho hành vi “hèn với giặc, ác với dân”. Cái hèn ở đây chính là lệnh từ tướng Lê Đức Anh, bộ trưởng quốc phòng lúc ấy, vì không dám làm mất lòng đàn anh Trung Quốc, nên đã ra lệnh không được nổ súng, khiến cho 64 chiến sĩ trở thành bia cho kẻ thù tàn sát dã man chiến sĩ của mình!
Những ai đã theo dõi sát vụ việc, nghe các nhân chứng kể lại, phân tích mọi khía cạnh, diễn ra chỉ vỏn vẹn trong hơn một giờ đồng hồ vào buổi sáng ngày 14/3/1988 tại Gạc Ma; chắc chắn đã nhận thấy rất nhiều yếu tố đầy thuyết phục, dẫn đến kết luận rằng phải có mênh lệnh từ thượng cấp, không cho binh lính giữ đảo được nổ súng chống cự; vì vậy Bộ Chính Trị đảng CSVN đành phải thừa nhận đã có lệnh ấy, rồi tìm cách lấp liếm, đổ thừa cho nhân chứng rằng khi thuật lại đã bỏ sót chữ trước, làm mất uy tín cấp lãnh đạo.
Đến đây hẳn quí thính giả đã thấy rõ tâm địa hèn nhược, nhỏ nhen, xảo quyệt và độc ác của tập thể đầu não đảng CSVN, đã không dám nhận trách nhiệm về sai trái của mình. Thà rằng nói thẳng ra, vì những ràng buộc từ quá khứ và sự bất cân xứng về lực lương quân sự, nên phải ra lệnh như vậy, nhằm cứu mạng sống của binh linh, thì còn dễ được dung thứ hơn.
Nói đến đây, chúng tôi cần nhắc lại trận hải chiến Hoàng Sa ngày 19/1/1974, lúc ấy sức mạnh hải quân của VNCH cũng không thể so sánh được với Tàu Cộng, nhưng khí phách anh hùng của người VN đã chứng tỏ bằng lệnh khai hỏa trước, nhắm thẳng vào đầu kẻ xâm lược, dù biết kẻ địch mạnh hơn mình gấp bội.
Từ sự kiện trên, chúng tôi cho rằng, việc nhà nước CS tổ chức buổi tưởng niệm Gạc Ma chỉ là tiểu xảo nhằm mị dân, sau khi đã âm thầm xin phép đàn anh TQ rồi. Nếu không, tại sao họ không dám để cho người dân tự bày tỏ lòng yêu nước, mà phải huy động công an chìm nổi rình mò, ngăn chận những người yêu nước, chống Tàu Cộng, không cho ra khỏi nhà? Điều này cho thấy quyền lãnh đạo đất nước đã không còn trong tay người Việt Nam nữa, mà nó phát xuất từ Bắc Kinh, xuyên qua những tên tay sai ngồi ở Ba Đình mà thôi. Cho nên mối nguy mất nước chỉ còn là vấn đề của thời gian, nếu chúng ta không quyết tâm lọai bỏ chúng ngay từ hôm nay.
Cảm ơn quí thinh giả đã theo dõi bài Quan Điểm của chúng tôi.
No comments:
Post a Comment