Kính thưa quý thính giả, tất cả những đề án, dự án đầy rắc rối và mâu thuẫn của nhà cầm quyền cs VN thường chỉ làm cho có, để kiếm tiền chấm mút tham nhũng chứ không thực sự phục vụ dân chúng.
Trong tiết mục Chuyện Nước Non Mình, chúng tôi xin gởi đến quý thính giả đài ĐLSN bài viết có tựa đề: “ An Giang:bệnh viện trăm tỷ xây xong rồi “trùm mền” của Lê Thiệt sẽ được Vân Hà trình bày để tiếp nối chương trình tối hôm nay.
Lê Thiệt
Lãnh đạo Sở Y tế An Giang cho biết Bệnh viện Y học cổ truyền An Giang chưa thể đi vào hoạt động vì chưa có bộ máy, tổ chức và chưa có đường vào bệnh viện này.
Câu trả lời vô tâm của lãnh đạo này khiến người ta giật mình.
Lãnh đạo này nói Sở Y tế của họ phải chờ UBND tỉnh An Giang phê duyệt đề án nhân sự vì theo quy định, đơn vị thành lập mới phải tự chủ hoàn toàn, trừ danh mục sự nghiệp công thiết yếu.
Theo báo Tuổi Trẻ, Bệnh viện Y học cổ truyền An Giang (tọa lạc tại phường Bình Đức, TP Long Xuyên) được khởi công xây dựng từ 11-9-2020 đến cuối năm 2022 đã hoàn thành và nghiệm thu.
Bệnh viện được xây dựng khang trang, cao ba tầng giữa đồng lúa bát ngát, có quy mô 100 giường bệnh, được xây dựng trên diện tích 33,809m2, với tổng vốn đầu tư (kể cả trang thiết bị) là hơn 214 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách trung ương 60 tỉ đồng, ngân sách tỉnh hơn 154 tỉ đồng.
Bệnh viện này được kỳ vọng sẽ tăng cường cơ sở vật chất cho ngành y tế có thêm một bệnh viện chuyên khoa, nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe và giảm chi phí đi lại chữa bệnh của nhân dân.
Thế nhưng, hơn hai năm qua, UBND tỉnh vẫn chưa “quyết” xong nhân sự điều hành bệnh viện, khiến người ta hình dung đang có cuộc ngã giá chức danh giám đốc bệnh viện, và cuộc “đấu đá về giá” này đang giằng co chưa ai chịu nhường ai.
Nhiều người nghĩ thế, vì nếu lãnh đạo tỉnh thực sự muốn chăm lo sức khỏe cho người dân thì họ đã không đổ lỗi cho nhau với lý do “phải lấy ý kiến nhiều sở, ngành và cả Bộ Y tế nên chậm”.
Trước câu hỏi “đến bao giờ các ông lấy ý kiến của nhau xong”, thì vị lãnh đạo Sở Y tế (không dám nêu tên) cho biết chắc “trong Tháng Ba này, chúng tôi sẽ trình HĐND tỉnh An Giang thông qua dịch vụ công thiết yếu. Có thể đến Tháng Tư tới, sẽ công bố thành lập đề án bệnh viện”.
Cho dù lúc đó các lãnh đạo ban ngành, sở tỉnh An Giang, kể cả lãnh đạo Bộ Y tế cùng đồng ý nhân sự điều hành bệnh viện này chăng nữa, bệnh viện vẫn chưa thể đón bệnh nhân vì chưa có… đường đi (?)
Chuyện “dở khóc, dở cười” đến như thế, mới thấy “tầm nhìn” của các vị lãnh đạo tỉnh An Giang như thế nào.
Ông Nguyễn Duy – Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực TP Long Xuyên – cho hay tuyến đường từ quốc lộ 91 vào Bệnh viện Y học cổ truyền An Giang (dài khoảng 1km) đã được đơn vị làm một đoạn từ cổng bệnh viện ra quốc lộ. Ông Duy nói:
“Hiện tại đang vướng 15 hộ, chưa hỗ trợ, bồi hoàn. Có thể trong vài tháng tới, chúng tôi sẽ làm xong thủ tục bồi hoàn để tiến hành thi công sớm, có thể vào Tháng Tám tới đây sẽ xong con đường này. Do dự án con đường vào bệnh viện có sau dự án bệnh viện nên chậm”.
Ông Duy cũng chỉ nói “có thể” thôi, chứ ông ấy cũng chẳng quyết được gì. Nên trong dân có lời khuyên với nhau, “ráng nín bệnh cho đến khi có đường vô bệnh viện, chứ bệnh sớm quá phải chở đi xa, lỡ chết dọc đường thì ráng chịu!”.
Chỉ sợ lúc có con đường rồi, lãnh đạo lại phải tổ chức sửa chữa bệnh viện, vì để không lâu quá, công trình xuống cấp, thiết bị mốc meo, phải sắm lại cái mới!
No comments:
Post a Comment