Monday, March 20, 2023

Tin Tức, Thứ Hai 20.03.2023

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Vân Hà & Miên Dương trình bày sau đây.

1) NHÀ TÙ NAM HÀ CẤM TNLT SỬ DỤNG GIẤY BÚT VÀ TỰ HỌC TIẾNG ANH

TNLT Phạm Văn Trội, người đang thụ án 7 năm tù giam nói với vợ mình trong cuộc thăm gặp hôm 12/3 rằng nhà tù Nam Hà đã tịch thu toàn bộ giấy bút và ra lệnh cấm ông và các bạn tù không được tự học tiếng Anh.

Ngày 3/2/2023, cai tù trại giam Nam Hà đã tiến hành lục soát và tịch thu giấy bút cùng tài liệu học tiếng Anh của các tù nhân chính trị. Ông Phạm Văn Trội đã làm đơn kiến nghị nhưng không được trại giam giải quyết. Ngày 8/3, cai tù lại tiếp tục “sục buồng” lần hai và lấy đi những giấy bút, sách học tiếng Anh còn lại. Đồng thời ra lệnh cấm các TNLT không được tự học tiếng Anh.

Trong buổi thăm chồng, bà Nguyễn Thị Huyền Trang nói rằng bà “nhận thấy rõ sự ức chế, căng thẳng đang diễn ra trong buồng giam”, nơi ông Trội đang thụ án.

Bà Trang cho biết sức khỏe ông Trội giảm sút đáng kể trong thời gian gần đây. Ông bị suy nhược thần kinh, rối loạn chức năng chuyển hóa, huyết áp và tiểu đường.

Ông Phạm Văn Trội-  thành viên Hội Anh Em Dân Chủ, bị bắt ngày 31/7/2017 và bị kết án 07 năm tù giam với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Đây là lần tù thứ hai của ông vì những hoạt động tranh đấu cho nhân quyền. Năm 2008, ông từng bị bắt và bị kết án 04 năm tù giam theo điều 88 “tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN VN”.

2) VIETNAM AIRLINES PHỤC HỒI CÁC ĐƯỜNG BAY ĐẾN HOA LỤC

Bắt đầu từ hôm qua, Chủ nhật 19/3, Vietnam Airlines đã nối lại các chuyến bay thường lệ đến Hoa Lục sau 3 năm tạm ngừng vì đại dịch Vũ Hán.

Báo chí lề đảng cho biết là đến chiều hôm qua, hơn 100 hàng khách Trung Quốc đầu tiên từ Bắc Kinh đã đến Hà Nội. Những hành khách này được chào đón đặc biệt bởi đại diện các cơ quan ngoại giao, du lịch và đại diện hãng hàng không tại phi trường Nội Bài.

Vietnam Airlines cho biết thêm các đường bay Hà Nội - Bắc Kinh với ba chuyến mỗi tuần, và dự trù sẽ tăng thêm từ giữa năm nay. Hiện Vietnam Airlines đã nối lại hầu hết đường bay tới các điểm đến ở Trung Cộng, bao gồm giữa Hà Nội và Sài Gòn với các thành phố Quảng Châu, Thượng Hải và Bắc Kinh.

Trước đó vào ngày 15/3, Trung Quốc đã khôi phục lại hoạt động việc cho phép hành khách  Trung Quốc đi theo đoàn được tới Việt Nam. Thống kê của Tổng cục Du lịch Việt Nam cho thấy Trung Quốc luôn là thị trường có số du khách đông nhất đến Việt Nam trước đại dịch Vũ Hán. Trong năm 2019, có gần 6 triệu hành khách Hoa Lục đến Việt Nam, chiếm một phần ba tổng lượng khách, tăng 17% so với năm trước đó.

Trong năm 2023, Việt Nam đặt ra kế hoạch thu hút 8 triệu du khách quốc tế. 

3/  TỔNG THỐNG NGA BẤT NGỜ ĐẾN THĂM HẢI CẢNG MARIUPOL Ở UKRAINE

Lần đầu tiên kể từ khi xua quân tâm chiếm Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bất ngờ đến thăm thành phố Mariupol, một hải cảng của Ukraine ở vùng Donbass đã bị quân Nga tấn chiếm vào tháng 5 năm ngoái.

Theo báo chí Nga, chuyến viếng thăm được thực hiện một ngày sau khi ông Putin ghé thăm bán đảo Crimea bị Nga sát nhập từ năm 2014.

Thông tấn xã Tass của Nga cho biết là ông Vladimir Putin đã bay tới Mariupol bằng trực thăng, sau đó tự mình lái xe tham quan thành phố. Ông đã nói chuyện với người dân địa phương, đến thăm nhiều địa điểm và được báo cáo về công cuộc tái thiết thành phố đã bị tàn phá nặng nề vào năm ngoái.

Hành động đi thăm Crimea của ông Putin là một cử chỉ chế nhạo phương Tây, chỉ một ngày sau khi tòa án Hình sự Quốc tế ban hành lệnh truy nã ông về các tội ác chiến tranh ở Ukraine.

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tiếp tục cam kết với người dân về việc chiếm lại toàn bộ bán đảo Crimea. Trong những tháng gần đây, nhiều biến cố an ninh đã khuấy động bề ngoài yên tĩnh của nơi này, trong đó có các vụ tấn công bằng máy bay không người lái và nhiều vụ nổ khác nhau gần các địa điểm chiến lược. 

Các chuyến thăm của Tổng thống Putin diễn ra vào lúc lực lượng Nga tiếp tục các cuộc tấn công vào Ukraine. Theo quân đội Ukraine, khu vực Lviv ở miền tây, lại bị máy bay không người lái do Iran sản xuất tấn công. 

Trong lúc đó, lực lượng lính đánh thuê Wagner của Nga đã lên kế hoạch tuyển mộ khoảng 30 ngàn chiến binh mới vào giữa tháng 5 tới đây.

3/ HỘI ĐỒNG BẢO AN LHQ KHÔNG PHẢN ỨNG VỀ CÁC VỤ THỬ PHI ĐẠN CỦA BẮC HÀN

Vào hôm Chủ nhật 19/3, giới ngoại trưởng của khối G-7 cho biết là họ cảm thấy đáng tiếc về việc Hội đồng Bảo an LHQ không có hành động gì đối với các vụ thử nghiệm phi đạn của Bắc Hàn.

Trong một tuyên bố chung, khối Thất cường ghi nhận sự cản trở của một số thành viên của Hội đồng Bảo an LHQ. Mặc dù họ không nêu tên nhưng Trung Cộng và Nga đã ngăn chặn các nỗ lực đáp trả Bắc Hàn. 

Nhóm G7 lên án vụ phóng phi đạn tầm xa ngày 16/3 của Bắc Hàn là “nhằm phá hoại hòa bình và an ninh khu vực và quốc tế".

Trong diễn biến mới nhất, Bắc Hàn đã phóng một phi đạn tầm ngắn về phía biển đông của bán đảo vào hôm Chủ nhật, theo ghi nhận của Nam Hàn và Nhật Bản. Đây là vụ mới nhất trong một loạt các vụ thử vũ khí từ quốc gia vũ trang hạt nhân này.

Theo một tuyên bố của quân đội Nam Hàn, phi đạn được phóng từ địa điểm Dongchang-ri trên bờ biển phía tây vào khoảng 11 giờ sáng, bay khoảng 800 cây số trước khi bắn trúng mục tiêu. Bộ quốc phòng Nhật cho biết phi đạn này đã bay cao tới 50 cây số.

Nam Hàn đã liên tục lên án các vụ phóng phi đạn gần đây của Bắc Hàn là "sự vi phạm rõ ràng" nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ.

4/ TÌNH HÌNH Ở BIÊN GIỚI ẤN – HOA VÔ CÙNG NGUY HIỂM

Tình hình chiến sự giữa Ấn Độ và Trung Cộng ở khu vực Ladakh phía tây dãy Himalaya rất mong manh và nguy hiểm, với các lực lượng quân sự được triển khai rất gần nhau ở một số khu vực.

Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar cho biết như trên vào ngày thứ Bảy. Ít nhất 24 binh sĩ đã thiệt mạng khi hai bên đụng độ trong khu vực vào giữa năm 2020, nhưng tình hình đã dịu đi thông qua các vòng đàm phán ngoại giao và quân sự.

Bạo lực nổ ra ở khu vực phía đông của đường biên giới chưa được phân định giữa hai cường quốc Á châu có vũ khí hạt nhân vào tháng 12 nhưng không dẫn tới tử vong. Ông Jaishankar phát biểu trong một cuộc họp là tình hình vẫn còn rất mong manh vì hai bên kề sát nhau.

Ông cho biết thêm là mối quan hệ Ấn Độ - Trung Cộng không thể trở lại bình thường cho đến khi tranh chấp biên giới được giải quyết phù hợp với thỏa thuận trên nguyên tắc vào tháng 9 năm 2020.

Mặc dù lực lượng của cả hai bên đã rút khỏi nhiều khu vực nhưng các cuộc thảo luận vẫn đang được tiến hành về những điểm chưa được giải quyết. Ông Jaishankar cho biết ông đã thảo luận tình hình với tân Ngoại trưởng Trung Cộng là Tần Cương bên lề cuộc họp ngoại trưởng các nước G-20 do Ấn Độ tổ chức trong tháng này.

Hai cuộc họp cấp bộ trưởng G-20 tại Ấn Độ trong ba tuần qua đã bị lu mờ bởi cuộc xâm lược Ukraine kéo dài 13 tháng của Nga.

No comments:

Post a Comment