Friday, March 10, 2023

Chuyện tham nhũng trong cục Cục Đăng Kiểm VN

Bàn Ngang Tán Dọc

Sự kiện: Mấy tháng gấn đây hàng loạt quan chức ở các cơ quan Đăng Kiểm bị tống giám vì tham nhũng, vậy cơ sở này làm cái gì và tại sao có nhiều người liên lụy thế?

Kịch Bản

ML- Chào anh TH và anh HD, mấy tháng nay ML đọc và nghe nhiều tin tức liên quan đến các vụ tham nhũng ở các trung tâm Đăng Kiểm bên VN. ML không hiểu đó là dịch vụ gì, hai anh có biết, giải thích cho ML giùm được không?


TH- Chào chị ML. Theo TH biết thì Đăng Kiểm là Register. Ở VN họ gọi là Cục Đăng Kiểm, tiếng Mỹ là Vietnam Register – VR. Cơ quan này trực thuộc bộ Giao Thông Vận Tải. Có nhiệm vụ thực hiện việc quản lý toàn quốc, lập danh sách, kiểm tra số lượng, đánh giá tình trạng an toàn các phương tiện giao thông đường sắt, đừng bộ, đường biển. Các dụng cụ nâng vật nặng, cần trục, máy  thủy lực, các phương tiện sản xuất trong nhiều lãnh vực khác nữa.


ML- Như vậy cơ quan này là rất lớn, thế mà ML cứ tưởng nó giống như mấy tiệm sửa xe ở Mỹ này.


HD- Lúc đầu HD cũng nghĩ như chị ML, nhất là nhìn thấy bảng hiệu và mấy tấm hình người thợ đang xem xét một chiếc xe giao hàng và nói chuyện với chủ xe, Nhưng bây giờ HD mới biết tuy gọi là “cục” nhưng cái cục này nó “bự” kinh khủng, chứ không nhỏ như HD và chị ML hiểu.


TH- Một phần nào đó nó cũng giống như những chỗ sửa xe, sửa tàu và bảo trì các dụng cụ máy móc như bên Mỹ này, nhưng chỗ khác biệt chính là ở Mỹ thì các dịch vụ ấy do tư nhân thành lập và điều hành, còn ở VN thì do nhà nước làm từ A tới Z.


ML- Nếu nhà nước điều hành từ A tới Z thì làm sao lại xẩy ra tham nhũng được, vì những người ấy là công chức, họ lãnh lương từ tiền thuế của người dân và thi hành những nguyên tắc, những luật lệ đã có sẵn mà?


HD- Chị ML quen với cách làm việc ở xứ Mỹ này, một quốc gia dân chủ, nhà nước do dân làm chủ, còn ở VN, là một quốc gia độc tài, thì đảng CS làm chủ, cán bộ lãnh đạo, người dân làm nô lệ cho đảng, nên cách tổ chức và vận hành công việc hoàn toàn khác với ở Mỹ này. Cục Đăng Kiểm là một thí dụ cụ thể đấy.


TH- Đúng vậy, Cục Ðăng kiểm Việt Nam có 24 Chi cục  và có đến có đến 140 Trung tâm hay Trạm đăng kiểm để kiểm tra kỹ thuật an toàn phương tiện cơ giới đường bộ, đường thuỷ, đường sắt, kể cả máy móc sản xuất nữa đấy.  


ML- ML hiểu một cách nôm na thì đó là một cơ quan của chính phủ, bên VN thì gọi là cơ quan nhà nước, chắc phải có nhiều nhân viện làm việc, họ là viên chúc chính quyền, nhưng làm sao được tuyển dụng vào làm ở nhưng chỗ này?


HD- Theo HD tìm hiểu thì hễ nói đến cơ quan nhà nước, thì đó là những chỗ béo bở, nên muốn được vào làm thì họ vẫn phải đi theo một lối mòn theo thứ tự: “Thứ nhất hậu duệ/ Thứ nhì quan hệ/ Thứ ba tiền tệ/ Thứ tư trí tuệ”. Có khi thay đổi thành ra “Thứ nhất tiền tệ/ Thứ nhì hậu duệ/ Thứ ba đồ đệ/ Thứ tư trí tuệ”. Ở đây điều đáng chú ý là trí tuệ đều bị xếp ở cuối trong bảng tuyển dụng. Hồng hơn chuyên mà!


TH- TH không biết rõ những người làm ở cơ quan này họ được tuyển dụng như thế nào. Hiện nay theo các tông tin chính thức thì Cục Ðăng kiểm Việt Nam có khoảng 1300 cán bộ, công nhân viên, trong đó có hơn 1000 cán bộ kỹ thuật có trình độ cao đẳng và đại học, khoảng 100 cán bộ có trình độ trên đại học. Tức là một thành phần được chọn lọc có trình độ cao và được đào tạo đầy đủ đấy chứ.


ML- Vậy hơn một ngàn nhân sự ấy họ có phải là đảng viên đảng CS không?


HD- Không có ngành nghề nào không có chi bộ đảng CS trong đó cả. Trong Cục Đăng Kiểm cũng như các chi cục, các trung tâm hay trạm đăng kiểm, thì người đứng đầu phải là đảng viên nắm giữ, còn những người cấp dưới, có thể không bắt buộc phải là đảng viên, tuy nhiên vì đó là nguồn sống của họ, nên dù muốn dù không, họ cũng vào đảng, vì quyền lợi “còn đảng còn mình” chứ.


ML- Nhưng làm sao mà nhiều người tham nhũng như vậy, nghe đâu đã có cả vài trăm người bị bắt rồi, họ tham nhũng bằng cách nào chứ?


TH- Như ở trên TH đã nói, cơ quan này trải rộng trên nhiều lãnh vực, đường thủy có tàu bè đi biển, có cảng bốc dỡ hàng hóa, tàu thuyền đánh cá, các phương tiện chuyên chở trên biển trong sông ngòi, kinh rạch. Trên bộ có tàu lửa, xe điện, xe tải, xe khách.... các dụng cụ dùng để nâng vật nặng, xe cơ giới, cần trục, hệ thống thủy điều, hệ thống cân đo đong đếm..... Tất cả những thứ này phải được kiểm tra để bảo đảm an toàn và hoạt động đúng chức năng của nó chứ. Vì vậy quan chức thi hành những việc này họ có vô vàn cơ hội để tham nhũng chứ.


ML- ML cứ tưởng nhà nước chỉ cần đưa ra những tiêu chuẩn, rồi những nơi này căn cứ vào các tiêu chuẩn ấy mà thi hành, nếu sai thì sửa, nếu cũ quá không sửa được thì phải thay mới, thế thôi, đơn giản mà.


HD- Chị ML nói rất đúng, nhưng chỉ đúng ở các nước tự do dân chủ thôi. Hồi nãy anh TH đã nói rồi, cái khác biệt quan trọng là ở các xứ tự do thì nhà nước chỉ đưa ra tiêu chuẩn, còn thực hiện là do các công ty tư nhân. Công ty nào làm tốt, làm rẻ thì khach hàng tìm đến, chỗ nào chém đẹp hay làm ẩu thì mất khách, lỗ lã phải đóng cửa. Chỗ nào làm trái các qui định, không đúng tiêu chuẩn thi bị truy tố ra tòa, bị đền bù đến phá sản, và vào tù như chơi nữa đấy. 


ML- Như vậy nhà nước chỉ cần kiểm soát các công ty tư nhân, chứ đâu có cần nhúng tay vào công việc làm gì cho khổ! Sao VN không áp dụng như thế có tiện hơn không?


TH- Nếu làm như chị nói thì đảng lấy tiền đâu để vỗ béo cho 5 triệu đảng viên chứ. Chính vì thế mà hàng trăm đại công ty do nhà nước quản lý đều thua lỗ thê thảm từ năm này qua năm khác. Cha chung không ai khóc, ai cũng lo bòn rút cho riêng mình, vì đó là của chung mà.


HD- Đừng quên là Cục Đăng Kiểm cũng có các tiêu chuẩn đấy, nhưng tiêu chuẩn ấy để đánh lừa thế giới bên ngoài thôi, tiêu chuẩn an toàn có liên hệ đến các quốc gia có làm ăn với VN nữa. Nhưng chính trong nôi bộ thì có sự thông đồng, bao che để ăn chia với nhau, nên họ thay đổi hay chỉnh sửa tiêu chuẩn nữa đấy.


ML- Như vậy thì làm sao mà diệt được tham nhũng chứ, chính cái cơ chế tổ chức nhà nước tạo điều kiện và thúc đẩy cho tham nhũng chứ còn gì nữa!


TH- Chị nói đúng, nhưng chuyện này còn nhiều chi tiết rất lạ, nhưng chúng ta không còn giờ để bàn sâu hôm nay, xin hẹn lần tới vậy.

No comments:

Post a Comment