Liên tục chương trình, mời quý thính giả theo dõi Chân Dung Người Tù Lương Tâm. Ngày hôm nay, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả một gương mặt còn khá trẻ và cũng đang bị cầm tù lần thứ hai vì tội yêu nước. Đó là TNLT Nguyễn Viết Dũng còn gọi là Dũng Phi Hổ.
Nguyễn Viết Dũng sinh năm 1986 tại Nghệ An trong một gia đình nghèo. Dũng học rất giỏi, từng tham gia và dành giải thưởng tại “đường lên đỉnh Olympia”- một cuộc thi kiến thức trên truyền hình dành cho học sinh trung học phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đài Truyền hình Việt Nam của nhà nước cộng sản tổ chức. Dũng trúng tuyển vào trường Đại học Bách Khoa Hà Nội với số điểm gần như tuyệt đối 29/30 điểm. Trong thời gian học đại học, chàng sinh viên nghèo dần nhận ra thực trạng đất nước cũng như những sự thật không giống trong sách vở viết về đảng cộng sản Việt Nam. Con đường đấu tranh cho tự do, dân chủ của chàng trai yêu nước bắt đầu từ đây.
Nguyễn Viết Dũng bị bắt sau cuộc tuần hành bảo vệ cây xanh tại Hà Nội ngày 12/4/2015 khi mới 29 tuổi. Lúc bị bắt, Dũng mặc bộ quân phục Việt Nam Cộng Hòa và nhiều người tin rằng đây là lý do Dũng bị đưa vào nhà tù.
Ngày 14/12/2015, tòa án cộng sản đưa Nguyễn Viết Dũng ra xét xử và kết án 15 tháng tù giam với cáo buộc “gây rối trật tự công cộng” điều 245 BLHS năm 1999. Việc tòa án Hà Nội cố tình đưa Nguyễn Viết Dũng ra tuyên án với sự vắng mặt của luật sư bào chữa và bản thân Dũng có yêu cầu hoãn tòa với lý do “sức khỏe không bảo đảm”, là một sự trả thù hèn hạ của chế độ đối với người thanh niên này. Bản án này được giảm xuống còn 12 tháng tù giam trong phiên phúc thẩm ngày 11/3/2016.
Điều đáng nói ở Dũng Phi Hổ ngoài ý chí kiên cường còn là sự thông minh pha chút liều lĩnh của tuổi trẻ. Trong thời gian ở tù, Dũng đã nhờ bạn tù săm lên cánh tay trái hai chữ “Sát Cộng”, kèm theo là một hàng chữ nhỏ bằng tiếng Anh “Government should be afraid of people…” tạm dịch là “Chính quyền nên sợ người dân”. Ngoài ra, Dũng còn tự tay thêu lên ngực áo hình ảnh lá cờ vàng ba sọc đỏ của chế độ VNCH và mặc chiếc áo này trong ngày ra tù. Đối với một người tù, đặc biệt là tù chính trị, để làm được những điều này ngoài sự khó khăn, còn phải đối mặt với sự hiểm nguy, đón nhận những đòn thù kinh người từ phía cai tù. Nhưng Nguyễn Viết Dũng đã trở về trong sự bình an và anh chia sẻ với sự bình thản đáng kinh ngạc, “một năm tù ấy cũng không khác biệt gì nhiều so với ở ngoài”.
Hết án tù, Dũng tiếp tục lên tiếng, đấu tranh mạnh mẽ. Anh nhiều lần bị công an Tp Hồ Chí Minh và công an Nghệ An đánh đập, tra tấn dã man, dẫn đến thương tích và sức khỏe giảm sút. Khi Formosa gây ô nhiễm và hủy hoại môi trường biển, Dũng là một trong những người đấu tranh mạnh mẽ, đặc biệt trong vấn đề đưa tin đến công luận. Anh bị bắt ngày 27/9/2017 và bị kết án 7 năm tù giam và 5 năm quản chế tại phiên sơ thẩm ngày 12/4/2018 với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước”. Ngày 15/8/2018, tại phiên xử phúc thẩm, Dũng bị kết án 6 năm tù giam và 5 năm quản chế, giảm 1 năm tù giam so với phiên sơ thẩm.
Trong phiên sơ thẩm xét xử ông Lê Đình Lượng ngày 16/8//2018 – người sau này đã nhận bản án nặng nề nhất trong giới bất đồng chính kiến tại Việt Nam với 20 năm tù giam, Nguyễn Viết Dũng cùng với Nguyễn Văn Hóa bị đưa ra tòa như những công cụ để kết tội ông Lượng. Nhưng cả hai nhà tranh đấu trẻ tuổi này đồng loạt phản cung, đồng thời tố cáo công an Nghệ An sử dụng nhục hình tra tấn nhằm ép cung, mớm cung để buộc khai nhận những nội dung sai sự thật và gây bất lợi cho ông Lượng. Chính vì việc làm quả cảm này mà kể từ sau phiên xử nhà tranh đấu Lê Đình Lượng, cả Hóa và Dũng đều liên tục bị trả thù trong tù bằng các hình thức tra tấn, kỷ luật, không cho gia đình thăm nuôi, cùm chân, biệt giam, đối xử khắc nghiệt và cho tù hình sự kiếm chuyện, chửi bới, hành hạ.
Hiện Nguyễn Viết Dũng đang thụ án tại nhà tù Nam Hà, nơi đang giam giữ một sinh viên nổi tiếng khác là Phan Kim Khánh. Cả hai nhà hoạt động này đều bị cho là “cứng đầu”, “nổi loạn” vì không chấp hành những quy định vô lý và chống lại chế độ đối xử vô nhân đạo của nhà tù. Cuối tháng 1/2020 – những ngày giáp tết cổ truyền, cả hai tù nhân lương tâm này đều bị biệt giam. Nguyễn Viết Dũng bị kỷ luật vì “không chịu nhận tội” và “không lao động trong tù”. Bị biệt giam có nghĩa là bị giam riêng trong một căn buồng chật chội, không có ánh sáng, mùa đông không có mùng mền (miền Bắc gọi là chăn, màn), mùa hè không có quạt. Chế độ ăn uống bị cắt giảm và bị đối xử vô nhân đạo. Việc áp dụng các hình thức kỷ luật chỉ vì tù nhân không nhận tội tại tòa vừa là hành động vô nhân đạo, vừa không đúng chức năng của nhà tù vốn chỉ là nơi giam giữ những người đang thi hành án. Không riêng gì nhà tù, không một cơ quan nào kể cả tòa án cũng không có chức năng này, không được phép can dự vào việc nhận tội hay không của bị cáo cho dù tòa án đã tuyên là có tội. Tuy nhiên, nhà nước cộng sản thường sử dụng cơ quan công an điều tra, viện kiểm sát, tòa án và cả nhà tù để gây áp lực với người tù nói chung và tù chính trị nói riêng, một phần nhằm gây bất lợi cho bị cáo, cho tù nhân, thứ nữa nhằm củng cố các yếu tố có lợi cho chế độ khi xảy ra các tranh chấp pháp lý hoặc chất vấn từ công luận quốc tế.
Khi bắt đầu tham gia các hoạt động đòi dân chủ, nhân quyền, Nguyễn Viết Dũng mới ngoài 20 tuổi. Nghệ An, quê hương của Dũng được cho là cái nôi cách mạng cộng sản nhưng Dũng đã sớm nhận ra bộ mặt của chế độ, nhận thức được các giá trị nhân quyền dân chủ, một điều không dễ dàng với một người bị nhồi sọ từ tấm bé. Đáng quý hơn, ngay cả trong hàng ngũ những nhà đấu tranh dân chủ vẫn còn không ít người né tránh, không dám hoặc không muốn nhắc đến chế độ Việt Nam Cộng Hòa, thì Nguyễn Viết Dũng đã tự hào mang biểu tượng của chế độ tự do, nhân bản này đi trong một cuộc diễu hành giữa đường phố Hà Nội. Có thể nói, từ sau biến cố năm 1975 đến năm 2015, tròn 40 năm sau khi cộng sản cướp được miền Nam, các biểu tượng của chế độ Việt Nam Cộng Hòa chưa từng xuất hiện một cách công khai và đàng hoàng như thế. Hơn thế, còn bị cho là húy kỵ, là “có tội” nếu nhắc đến. Nhưng, như nhận định của cựu TNLT-bác sĩ Phạm Hồng Sơn thì Nguyễn Viết Dũng và các bạn trẻ đồng lứa của mình đã “dám xiển dương “Việt Nam Cộng Hòa” ngay giữa thủ đô Hà Nội trong những ngày tháng Tư bằng một thái độ công khai, ôn hòa, chững chạc như thế cũng là một sáng tạo dũng cảm đàng hoàng của tuổi trẻ rất cần được ghi nhận”.
Hơn lúc nào hết, những người đấu tranh trẻ tuổi, dũng cảm, đặc biệt đang bị đày đọa trong ngục tù cộng sản như Nguyễn Viết Dũng, Nguyễn Văn Hóa, Phan Kim Khánh… rất cần sự quan tâm, sẻ chia và đồng hành của chúng ta. Có những con người như thế, đất nước sẽ được hồi sinh.
Thúc Lân
No comments:
Post a Comment