Bao lâu mà còn độc tài đảng trị thì ngày đó CSVN còn đánh mất thêm nhiều cơ hội phát triển đất nước. Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Hiếu Chân với tựa đề: “Việt Nam không thay được Trung Quốc trong chuỗi cung ứng” sẽ được Hướng Dương trình bày để kết thúc chương trình phát thanh ĐLSN tối hôm nay.
Hiếu Chân
Việt Nam được kỳ vọng sẽ thay thế Trung Quốc trong vai trò “công xưởng của thế giới,” nối lại chuỗi cung ứng hàng hóa bị gián đoạn và cứu công cuộc toàn cầu hóa. Thực tế chứng tỏ kỳ vọng đó sẽ không thành sự thực vì những khiếm khuyết trong chính sách của chính Việt Nam. Hãng tin tài chính Bloomberg đã cảnh báo như vậy trong một bài bình luận vào tuần trước.
Xung đột thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, những biện pháp “không COVID-19” khắc nghiệt của Bắc Kinh làm gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa tới các thị trường ở Phương Tây, đồng thời thúc đẩy xu hướng “tách ra” (decoupling). Các tập đoàn đa quốc gia chuyển dần cơ sở sản xuất khỏi Trung Quốc, đến các nước khác theo công thức “Trung Quốc + 1,” không đặt hết trứng vào một giỏ.
Xu hướng chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc bắt đầu đã nhiều năm nhưng chỉ tăng tốc sau khi cựu Tổng Thống Donald Trump áp đặt các mức thuế trừng phạt đối với hàng hóa Trung Quốc nhập cảng vào Hoa Kỳ và Tổng Thống Joe Biden sau đó đặt các hạn chế xuất cảng sang Trung Quốc những sản phẩm công nghệ cao của Hoa Kỳ.
Việt Nam được cho là nước hưởng lợi nhiều nhất từ xu hướng dịch chuyển này. Việt Nam có vị trí gần kề thị trường tiêu thụ rộng lớn của Trung Quốc, có lực lượng lao động dồi dào với mức lương thấp, có chính sách đãi ngộ tối đa cho nhà đầu tư nước ngoài, và có chế độ chính trị tương đối ổn định. Về phần mình, nhà nước Việt Nam cũng nhiều lần đề cao tham vọng “lót ổ cho đại bàng,” tức là chuẩn bị những điều kiện thuận lợi để thu hút dòng vốn đầu tư của các công ty chuyển ra khỏi Trung Quốc.
Nhưng nói dễ làm khó, nhiều sự kiện xảy ra gần đây khiến cho giới đầu tư không mặn mà, hoặc ngần ngại khi tính tới việc làm ăn ở Việt Nam, thậm chí nhiều công ty đã bắt đầu chọn những nơi ít rủi ro hơn như Indonesia.
Nhà đầu tư nước ngoài làm sao yên tâm chuyển hoạt động tới Việt Nam khi chính những doanh nghiệp của người Việt Nam cũng chật vật tìm cách tồn tại? Báo Tuần Việt Nam ngày 2 Tháng Ba tường thuật chỉ trong hai tháng đầu năm 2023, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 51,400 đơn vị, tăng 14.5%, bình quân một tháng có 25,700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Tại sao lại như vậy?
Nhà cầm quyền ở Hà Nội thường khoe khoang với nhà đầu tư rằng, chính trị Việt Nam rất ổn định, không có những vụ đảo chính quân sự như Thái Lan, Miến Điện, thậm chí không có những cuộc biểu tình kéo dài của giới lao động như nhiều nước khác. Nhưng dưới bề ngoài có vẻ ổn định nhờ các biện pháp đàn áp của chế độ công an trị, chính trị Việt Nam luôn tiềm ẩn những cuộc tranh giành quyền lực giữa các phe phái trong đảng Cộng Sản cầm quyền, dẫn tới những xáo trộn về tổ chức nhân sự và những quyết sách lộn xộn, bất nhất.
Công cuộc “đốt lò” của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng trong vài tháng gần đây triệt hạ hàng loạt nhân vật cấp cao như Chủ Tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc, hai phó thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam, cùng nhiều bộ trưởng làm phát sinh nhiều hậu quả không lường trước.
Một là, các nhà đầu tư hoảng sợ. Ngay sau khi vụ thanh trừng xảy ra, Giáo Sư Zachary Abuza của Học Viện Chiến Tranh Quốc Gia Mỹ, đã cảnh báo trên báo Nikkei Asia Review: “Các nhà đầu tư nước ngoài rất bối rối, nhất là khi các nạn nhân [bị thanh trừng] là những nhà điều hành được coi là trung thực và có năng lực. Do cuộc cạnh tranh quyết liệt ở Châu Á nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đang tìm một nơi thay cho Trung Quốc, Việt Nam sẽ thua cuộc nếu chính quyền Việt Nam không còn được coi là ổn định và biết làm việc.”
Hai tháng sau, dự báo của ông Abuza thành hiện thực. Một ví dụ, công ty Samsung Electronics – hiện lắp ráp hơn một nửa số điện thoại thông minh Galaxy ở Việt Nam – đã quyết định chuyển dây chuyền lắp ráp dòng Galaxy S23 sang Ấn Độ thay vì tiếp tục công việc ở Thái Nguyên và Bắc Ninh.
Quan điểm của một số nhà bình luận trong nước rằng đảng Cộng Sản Việt Nam cai trị theo nguyên tắc lãnh đạo tập thể nên việc thay đổi nhân sự sẽ không ảnh hưởng tới chính sách và hoạt động kinh tế, đã tỏ ra không thuyết phục được các nhà đầu tư về sự ổn định của nền chính trị.
Hai là, cuộc tranh giành quyền lực đã gây ra sự trì trệ khủng khiếp trong tất cả các lĩnh vực xã hội vì cán bộ nhà nước lo sợ bị “biến thành củi.” Giao thông đình trệ vì nhiều cơ sở đăng kiểm xe cơ giới ngừng hoạt động sau khi hơn 400 giám đốc và nhân viên đăng kiểm bị bắt giam hoặc chờ truy tố. Các bệnh viện công lớn nhất nước hoạt động cầm chừng vì không mua được thuốc men và thiết bị y tế. Khi cán bộ thà ngồi im để khỏi bị đổ lỗi thì người kinh doanh lãnh đủ, các thủ tục xét duyệt dự án, cấp giấy phép, nộp thuế… đều kéo dài thời gian hơn bình thường, nhiều khi làm cho nhà đầu tư bị mất cơ hội.
Thay đổi bộ máy nhân sự cấp cao diễn ra theo hướng chuyển dần quyền lực điều hành đất nước vào tay đảng Cộng Sản, ưu tiên cho an ninh chính trị hơn là phát triển kinh tế xã hội theo quan điểm của ông Trọng, nhà lãnh đạo cộng sản giáo điều, càng làm cho giới đầu tư thêm lo lắng cho tài sản của họ.
Trên bình diện thực tế, lợi thế lớn nhất của Việt Nam là nguồn lao động rẻ cũng đã không còn.
Trong ba thập niên qua, tiền lương của giới công nhân Trung Quốc tăng nhanh hơn năng suất nên nhiều nhà đầu tư những ngành nghề sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, đồ gỗ, chế biến thực phẩm… chuyển sang Việt Nam để khai thác nguồn lao động rẻ
Nhưng gần đây, Cambodia, Bangladesh, và cả Ấn Độ nữa, nổi lên như những đối thủ cạnh tranh với Việt Nam, không chỉ cung cấp được công nhân với giá rẻ hơn cả Việt Nam mà còn lành nghề hơn, thích hợp hơn với nền sản xuất tự động hóa, số hóa.
Bất ổn trong cơ chế chính trị ở thượng tầng và đánh mất lợi thế về lao động, Việt Nam không có khả năng thay thế vai trò của Trung Quốc trong chuỗi sản xuất và cung ứng hàng hóa cho thế giới. Do điều hành kém cỏi và từ chối cải cách, Việt Nam lại một lần nữa đánh mất cơ hội tận dụng mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Mỹ để vực dậy nền kinh tế mà tiếp tục phụ thuộc ngày càng sâu vào nền kinh tế Trung Quốc thay vì trở thành “công xưởng của thế giới” – vị trí mà Trung Quốc bỏ lại để bước lên bậc cao hơn trong chuỗi cung ứng.
No comments:
Post a Comment