Kính thưa quý thính giả,
Hơn bốn mươi năm trước, Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp là Giảng viên ngành Quản trị Kinh doanh tại Đại học Paris và Nantes, đã tự nguyện về nước vào năm 1982 để xây dựng lực lượng kháng chiến, chống lại chế độ độc tài cộng sản. Ông bị cộng sản bắt và hành quyết khi chưa tròn 40 tuổi.
Trong tiết mục “Danh nhân nước Việt” tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài “Chí sĩ Trần Văn Bá” của Việt Thái qua giọng đọc của Minh Nguyệt để chấm dứt chương trình phát thanh tối hôm nay.
Tiến sĩ Lee Edwards, chủ tịch Hội đồng Quản trị VOCMF, tức Hiệp hội Tưởng niệm Nạn nhân Cộng sản Thế giới, trong một bài diễn văn đã gọi Trần Văn Bá là "Chiến sĩ của Tự do, chống Cộng sản".
Trần Văn Bá xuất thân từ một gia đình có truyền thống yêu nước. Ông sinh ngày 14/5/1945 tại Sa Đéc, là người con thứ 3 của dân biểu Trần Văn Văn thời Đệ Nhất Cộng Hòa. Ông Văn từng làm việc trong chính phủ Trần Trọng Kim vào năm 1945, đến năm 1949 được cử làm Tổng trưởng Kinh tế và Kế hoạch của chính quyền Việt Nam Cộng hòa.
Sau khi ông Văn bị cộng sản xử tử vào ngày 7/12/1966 tại Sài Gòn, Trần Văn Bá sang Pháp du học và được bầu làm Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Việt Nam tại Paris từ năm 1973 đến năm 1980. Ông tốt nghiệp Cao học Kinh tế, chuyên ngành Chính trị Kinh doanh vào năm 1971 và làm Giảng viên tại Đại học Nantes.
Năm 1972 ông cầm đầu một phái đoàn sinh viên Việt Nam tại Âu châu trở về thăm viếng và ủy lạo chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa để tạo sự thông cảm giữa những sinh viên du học và Quân Cán Chính.
Sau biến cố 30/4/1975, ông vẫn tiếp tục tranh đấu chống cộng sản tại châu Âu.
Ngày 6/6/1980, ông trở về nước để thành lập lực lượng kháng chiến nhằm lật đổ chế độ cộng sản và tham gia Mặt trận Thống nhất các Lực lượng Yêu nước Giải phóng Việt Nam do ông Lê Quốc Túy là Chủ tịch. Ông được cử làm tham mưu cùng ông Lê Quốc Quân phụ trách lực lượng vũ trang trong nước.
Mùa xuân năm 1983, CSVN bắt được các ông Hồ Tấn Khoa, Võ Văn Nhơn, Nguyễn Ngọc Hòa thuộc tổ chức Hòa giải Quốc tế thân với đạo Cao Đài. Những người này bị cáo buộc là hợp tác với các ông Lê Quốc Túy, Mai Văn Hạnh để "cướp chính quyền" ở một số tỉnh miền Tây. Con trai ông Hồ Tấn Khoa là Hồ Thái Bạch sau đó thay thế cha trong chức vụ đồng Chủ tịch Mặt trận.
Từ đầu năm 1981 đến tháng 9 năm 1984 có 10 toán quân của Mặt trận đã xâm nhập về trong nước. Toán thứ 10 xâm nhập bằng đường biển vào đầu tháng 9 năm 1984, gồm 21 người trong đó có Mai Văn Hạnh, Trần Văn Bá. Toán này bị bắt khi đổ bộ lên bờ biển tại làng Minh Hải, Cà Mau vào đêm 11/9/1984. Tổng cộng có 119 người bị bắt và bị hạ sát trong các chuyến xâm nhập này.
Tại Sài Gòn từ ngày 14 đến 18/12/1984, bạo quyền cộng sản đã buộc tội "phản quốc" các người sau đây: Mai Văn Hạnh, Trần Văn Bá, Lê Quốc Quân, Huỳnh Vĩnh Sanh, Hồ Thái Bạch, Trần Nguyên Hùng, Tô Văn Hườn, Hoàng Đình Mỹ, Thạch Sanh, Nguyễn Văn Trạch, Nguyên Bình, Nguyễn Văn Hậu, Nhan Văn Lộc, Lý Vinh, Trần Ngọc Ẩn, Cai Văn Hùng, Đặng Bá Lộc, Thái Văn Dư, Trần Văn Phương, Nguyễn Phi Long, Nguyễn Văn Cầm.
Ông Trần Văn Bá nhất quyết không nhận tội, bị tuyên án tử hình cùng với các ông Mai Văn Hạnh, Lê Quốc Quân, Huỳnh Vĩnh Sanh, Hồ Thái Bạch vào ngày 8/1/1985.
Để tưởng nhớ nhà ái quốc Trần Văn Bá, thành phố Liège, nước Bỉ có dựng một bia tưởng niệm ông và ở Falls Church, tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ có một con đường mang tên Trần Văn Bá.
* * *
Thời điểm hơn 40 năm trước, trong khi nhiều người vẫn còn mơ hồ về bộ mặt gian trá và bán nước của đảng cộng sản, một nhóm trí thức Âu châu đã thể hiện quyết tâm chống lại chế độ độc tài đảng trị phi nhân này. Họ đã chấp nhận từ bỏ đời sống vinh hoa phú quý, để dấn thân vào cuộc kháng chiến đầy gian khổ với một kẻ thù được khối Cộng yểm trợ. Họ là những anh hùng Trần Văn Bá, Mai Văn Hạnh, Hồ Thái Bạch .v.v..., những người đã nối tiếp truyền thống hào hùng của 13 đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng khi hiên ngang bước ra pháp trường với một niềm tin mãnh liệt là mình đã sống đúng và làm đúng bổn phận của một con dân nước Việt trong tinh thần "quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách".
Những hy sinh của các vị anh hùng này không phải là vô ích vì họ đã giúp cho ngọn lửa đấu tranh của người Việt trong và ngoài nước tiếp tục lan rộng suốt mấy chục năm qua, khiến người ngoại quốc phải ngưỡng mộ và lập bia tưởng niệm họ như những chiến sĩ đã hy sinh trong công cuộc giải trừ chủ nghĩa cộng sản trên toàn thế giới.
Để ghi nhớ công lao và tinh thần bất khuất, hàng năm Cộng Đồng Người Việt Hải Ngoại đều tổ chức buổi lễ Vinh danh và Phát huy Tinh thần Trần Văn Bá. Vong linh của anh hùng Trần Văn Bá và các đồng đội được mỉm cười nơi chín suối, và chắc chắn họ sẽ mãn nguyện khi toàn dân vùng lên giải trừ chế độ cộng sản, hoàn thành lý tưởng của họ mấy chục năm về trước.
No comments:
Post a Comment