Friday, October 4, 2013

Tự thi hành quyền công dân

Thứ Sáu, ngày 04.10.2013    
Nhà tư tưởng cấp tiến Nho Giáo Vương Dương Minh chủ trương tri hành hiệp nhất. Có nghĩa là hành động mà không tư duy chính chắn không thể là hành động hiệu năng và tư duy mà không hành động để thực thi thì tư duy đó cũng không có ý nghĩa. Tháng 9 vừa qua, 130 nhà trí thức người Việt đã khởi đầu một tiến trình tư duy dân chủ hóa nghiêm chỉnh. Bước thứ nhì cần thiết là phải hành động dứt khoát để hoàn tất tiến trình dân chủ hóa đất nước. Mời quý thính giả nghe phần Bình Luận của Ngô Nhân Dụng với tựa đề: “Tự Thi Hành Quyền Công Dân” sẽ được Hướng Dương trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay
Ngày 22 Tháng Chín 2013 vừa qua, 130 nhà trí thức ở trong và ngoài nước đã đưa ra một bản "Tuyên bố về thực thi quyền Dân sự và Chính trị." Một điều được nêu ra là "cần khởi xướng một diễn đàn trao đổi và tập hợp các ý kiến nhằm góp phần chuyển đổi thể chế chính trị của nước ta từ toàn trị sang dân chủ một cách ôn hòa." Chắc ai cũng phải đồng ý với sáng kiến này, sẵn sàng ký tên chung, kể cả ông Ðoàn Văn Vươn. Ai cũng mong thay đổi nước ta từ một chế độ độc tài toàn trị sang dân chủ tự do; và chắc ai cũng muốn chỉ đòi hỏi thay đổi một cách ôn hòa, để người Việt không làm đổ máu người Việt.

Mà chắc ông Ðặng Ngọc Viết, nếu còn sống, cũng vậy. Ông phải đồng ý rằng nước ta cần đổi từ độc tài toàn trị sang dân chủ tự do, và nên tranh đấu ôn hòa. Chỉ tiếc ông đã không thể ôn hòa mãi được, cho nên hôm 11 Tháng Chín ông đã tới Trung Tâm Phát Triển Quỹ Ðất thành phố Thái Bình, hỏi tên để tìm mặt các quan chức, rồi bắn chết hai người, ba cán bộ khác trọng thương. Tội nghiệp ông Ðặng Ngọc Viết, ông đã đi xa, vào tận miền Nam làm ăn từ lâu. Chỉ về thăm quê được một tuần, nghe nỗi khổ của gia đình bị ép lấy mất đất mà bồi thường không đủ nên cơn phẫn uất nổi lên, ông giết người rồi tự bắn vào tim mình (theo blog Quê Choa). Sau khi ông Viết qua đời, chắc gia đình ông lại tiếp tục tranh đấu ôn hòa như cũ.
Tôi cũng sẵn sàng ký tên mình vào bản Tuyên bố với 130 nhà trí thức đã ký. Nhưng tôi cũng biết chính mình, và 130 vị đã ký tên, không ai bị cướp đất, cướp ruộng hay ao cá. Không ai phải khóc vì oan ức, như các gia đình Ðặng Ngọc Viết và Ðoàn Văn Vươn; không ai bị ức hiếp đến nỗi phải tự thiêu như bà Ðặng Thị Kim Liêng. Mỗi người làm bổn phận đối với đất nước theo cách của mình. Ðặng Ngọc Viết và Ðoàn Văn Vươn đã bày tỏ ý kiến bằng chất nổ và súng; còn các nhà trí thức bầy tỏ cách khác, bằng các lời tuyên bố. Cả hai cách đều có giá trị không khác gì nhau. Ðảng Cộng sản Việt Nam sẽ phải chọn, hoặc đối thoại với các người tranh đấu ôn hòa, hoặc đối đầu với những Ðặng Ngọc Viết và Ðoàn Văn Vươn trong tương lai.
Nhưng nếu có người vào trong nhà tù hỏi ý kiến, chắc anh Nguyễn Văn Hải cũng sẵn sàng ký tên vào bản tuyên bố thành lập diễn đàn mới này. Bởi vì đó là việc chính anh đã làm từ 7, 8 năm trước. Trang mạng của Ðiếu Cầy, của Tạ Phong Tần (hai người bị tù), cho tới những trang của Ô Sin Huy Ðức, Người Buôn Gió, Anh Ba Sàm, Huỳnh Ngọc Chênh, vân vân, cũng đều là những diễn đàn xã hội và dân sự cả. Vì họ đều dấn thân và không chịu ngậm miệng, và họ chỉ bàn các vấn đề dân sự thôi chứ không dùng súng đạn như người dân Tiên Lãng hay Thái Bình đã dùng.
Cho nên, sau bản tuyên bố đang được mọi người hoan nghênh, các nhà trí thức trong nước cần có những hành động mạnh hơn, tiến xa hơn những lời tuyên bố.
Bản tuyên bố đã nêu lên vấn đề sửa đổi Hiến Pháp; đó là một bước khởi đầu đáng chú ý. Họ nhận xét việc sửa đổi Hiến Pháp của Quốc Hội hiện nay "về cơ bản vẫn duy trì thể chế toàn trị của giới cầm quyền nhân danh Ðảng Cộng sản Việt Nam." Cho nên, họ "yêu cầu Quốc Hội dừng việc thông qua bản Hiến Pháp sửa đổi trong đó thể chế chính trị hiện hành vẫn được duy trì." Nói cách khác, họ muốn toàn dân tham dự thảo luận thay đổi "chế chính trị hiện hành," về cơ bản.
Ðã có nhiều tiếng nói đòi thay đổi thể chế chính trị, chuyển từ toàn trị sang dân chủ...Nhưng đây là lần đầu tiên có những người ở Việt Nam chính thức đòi toàn dân được góp ý kiến thay đổi thể chế, bằng bản Hiến Pháp mới. Có thể coi đây là một cao điểm trong phong trào vận động tự do dân chủ ở nước ta: Chính thức lên tiếng đòi thay đổi thể chế!
Một điểm đáng chú ý khác là những người ký tên trong bản tuyên bố không ngỏ ý xin ai cái gì cả. Họ không xin đảng, nhà nước, hay Quốc Hội cho họ được góp ý kiến. Họ tuyên bố sẽ "thực thi quyền Dân sự và Chính trị" được dẫn ra với điều 69 trong Hiến Pháp hiện hành và "Công ước quốc tế về những quyền dân sự và chính trị" mà Việt Nam đã ký từ năm 1982. Họ chỉ thi hành các quyền công dân đã có sẵn. Thái độ ngang nhiên, không xin xỏ, không "nhờ lượng cả bao dung" của băng đảng cầm quyền, là một bước tiến mới; so với các bản kiến nghị và thỉnh cầu trước đây. Chúng tôi hoan nghênh bước dấn thân mới này; và ước mong những lời nói sẽ biến thành hành động.
Một điều đáng lo ngại là nhiều người sẽ ký tên vào bản tuyên bố nhưng không nghĩ đến việc làm sao các ý kiến của mình sẽ biến thành sự thật. Như một kiến trúc sư ở Hà Nội, trả lời đài RFI đã nói: "...tôi cũng không hy vọng là mình ký xong, thì người ta sẽ suy nghĩ, người ta sẽ chờn, người ta sẽ làm theo ý mình. Nhưng ít ra tôi cũng ký, để thể hiện quan điểm của tôi, là tôi đòi xóa bỏ những chuyện bất công, vô lý đã diễn ra ở xung quanh mình."
Nếu ai cũng nghĩ như bà kiến trúc sư này, ký tên chỉ để "thể hiện quan điểm" của mình, mà không hy vọng gì cả, thì tất cả bản tuyên bố này sẽ vô giá trị. Khi muốn "đòi xóa bỏ những chuyện bất công, vô lý đã diễn ra ở xung quanh mình," thì người ta phải sẵn sàng dấn thân hơn. Nếu không, thì chỉ trong ba tháng sẽ chẳng còn ai nhớ đến bản tuyên bố hùng hồn này nữa. Bởi vì ở nước ta đã có hàng ngàn những bài viết, những tuyên ngôn và kiến nghị nêu lên các ý kiến tương tự rồi; hầu hết đã chìm vào quên lãng. Cuối cùng, người ta chỉ còn nhớ những Ðoàn Văn Vươn, nhớ Ðặng Ngọc Viết, và tưởng nhớ bà Ðặng Thị Kim Liêng, người đã tự thiêu sau khi bị chính quyền đàn áp, chỉ vì có con gái chống Trung Cộng xâm lăng rồi bị bỏ tù. Cần bao nhiêu người chết như Ðặng Ngọc Viết và Ðặng Thị Kim Liêng nữa thì giới trí thức mới rời khỏi cái máy vi tính và các trang mạng, bắt đầu xuống đường "xóa bỏ những bất công, vô lý" cho đến khi nước Việt Nam có cơ hội ngẩng mặt lên?
Ngô Nhân Dụng

No comments:

Post a Comment