Friday, October 18, 2013

Thư Của Ngô Kiều Chinh Gửi Đến Đồng Bào Miền Trung Thân Yêu

Thứ Sáu, ngày 18.10.2013    
Xin kêu gọi những tấm lòng hảo tâm hãy tăng thêm cho mình đôi chân hảo tâm để bằng cách nào đó, trực tiếp đến với vùng bão lũ, trực tiếp thị sát hậu quả thiên tai và cứu trợ cho bà con, đồng bào mình đúng nghĩa lá lành đùm lá rách. Đừng nhờ cậy hoặc thông qua các cơ quan địa phương để gửi quà. Vì làm như thế, chỉ thêm góp tay nuôi đám quan chức bẩn thỉu này mà thôi! ...". Trong chuyên mục "Lá Thư Tuổi Trẻ" do Phùng Kiên phụ trách tuần này, chúng tôi mời quý thính giả nghe Mỹ Linh trình bày "Thư Của Ngô Kiều Chinh Gửi Đến Đồng Bào Miền Trung Thân Yêu" để tiếp nối chương trình tối nay
Thưa các cô, các bác, các chú, các thím, thưa những người mẹ và người cha đáng kính cùng những bạn đồng lứa, thưa các bé thơ thân yêu đang nếm trải những khổ nhọc, vất vả do thiên tai và cái nghèo gây ra!

Đầu thư, cháu xin thay mặt toàn thể những người bạn đồng trang lứa, đồng tâm cảm hướng về đồng bào đang chịu thiên tai, nhân họa để cùng cất lời cầu nguyện mọi sự bình an, may mắn ghé đến với miền Trung để bà con mình sớm phục hồi mọi đổ vỡ và lấy lại cân bằng để làm ăn, để vượt qua mọi khó khăn phía trước.
Cháu thật sự bàng hoàng và xúc động khi đọc tin bão lũ quăng quật, dày xéo miền Trung đến mức có nhà không còn thứ gì là không ướt, không có cái để ăn, sách vở của em thơ không còn để đến lớp, mọi thứ trong chốc lát trở nên trơ trọi, gió rít, mưa gầm, lũ lụt đe dọa... Nhưng mãi cho đến bây giờ, vẫn chưa thấy bàn tay nào chìa ra một cách chân thành để chia xẻ với bà con mình.
Theo chỗ cháu cảm nhận, thực ra, mọi đồng hương, mọi người con Việt Nam ở khắp mọi miền đất nước cũng như đang lưu trú đâu đó trên khắp mặt địa cầu đều hướng về bà con. Không ít những tấm lòng, những phần quà nặng nghĩa tình đã chuyển về bà con mình. Và theo cháu biết, số tiền kể cả của tư nhân cộng với các quĩ từ thiện cũng như ngân sách nhà nước rót xuống cứu trợ, nếu chia đều trên đầu người, mỗi người được ít nhất cũng vài trăm ngàn đồng, nếu chia đều trên mỗi hộ gia đình, có lẽ con số lên đến vài triệu đồng. Hơn nữa, trong thiên tai, có nhà bị sập, có nhà an toàn, sau thiên tai, có nhà gặp hoạn nạn, có nhà không bị ảnh hưởng gì. Chính vì thế, các món quà cứu trợ cũng chỉ dành riêng cho người bị hoạn nạn chứ không chia đều, chính điều này sẽ đẩy con số tài chính cho những nhà hoạn nạn lên đến hàng chục triệu đồng nếu như số tiền này về đến tay bà con một cách đàng hoàng, tử tế.
Thế nhưng một năm như mọi năm, chẳng có năm nào bà con mình được nhận phần quà tử tế ngoài mấy gói mì tôm, vài lạng hoặc nửa ký đường, một bao gạo mươi ký, một chai dầu ăn... Nhưng không phải ai cũng có, mà khi đã có thì đã chia công bằng, nhiều gia đình không bị gì nhưng có con cái, người thân làm cán bộ địa phương thì được cho xả láng, không bị gì cũng cho, cứ có mặt là có quà, còn với bà con nghèo thật sự thì chỉ biết kêu trời không thấu, những gì không còn xài được nữa hoặc quá tệ mới đến tay bà con. Món quà mang tính tượng trưng, chiếu lệ nhiều hơn là sự chia xẻ.
Thậm chí có nhiều nơi ở Quảng Bình, sau trận lụt kinh hoàng năm 2010, ngày vào dịp đại lễ Một ngàn năm Thăng Long – Hà Nội, trong lúc mọi người đang du ngoạn, vui chơi ở thủ đô thì hàng triệu bà con miền Trung phải gồng mình chịu lũ lụt, một phần do thiên tai, một phần do con người gây ra, các thủy điện đầu nguồn xả đập cẩu thả và không cần nghĩ đến tính mạng con người... Đã thế, đến khi cứu trợ, có những cái áo cứu trợ mà bà con chẳng thể nào mặc được, dùng làm giẻ lau xe cũng không s
ch xe, áo quần cứu trợ mà cứ như vừa được bốc lên từ một hố rác nào đó hoặc đang đi đổ rác mà chưa có chỗ, nhân dịp lũ lụt, thôi thì gửi về cho bà con một ít rác gọi là nghĩa tình lá lành đùm lá rách, thật là kinh khủng!
Nhưng cháu cho rằng dù có bàng hoàng cỡ nào thì cũng không thể tin được đó là quà cứu trợ của bà con phương xa, rất có thể, áo quần của phương xa gửi về tặng bà con đã bị tráo đổi trong lúc đi đường. Vì nếu là quà của nhà nước thì chắc chắn phải qua kiểm định, kiểm duyệt trước khi đi, trường hợp quà của tư nhân, tuy không qua khâu kiểm quyệt nhưng một khi người ta phát tâm chia xẻ, đương nhiên là không ai rảnh rỗi để làm chuyện tào lao. Không ai đủ ác tâm để mang áo quần rách nhà mình ra cho người khác. Hơn nữa, với số lượng lớn hàng ngàn chiếc như vậy, không lẽ nào không có người thấy ra và hoãn kế hoạch từ thiện một khi thấy là quà cứu trợ quá rách nát? Điều này hoàn toàn vô lý.
Chỉ có một hướng suy luận duy nhất cho việc này là những người làm việc chuyển giao đã gian dối, tráo đổi quà cứu trợ. Cháu nói như thế hoàn toàn có bằng chứng của nó. Vì cũng trong năm 2010, nhiều nhà đã kéo đến vây trưởng thôn để đòi quà cứu trợ bị biển thủ, thậm chí có một chủ tịch xã đã đánh nhau với dân, đòi bắn dân vì dân khiếu kiện. Cuộc khiếu kiện cũng hết sức buồn cười, một người nghèo trong xã thấy chủ tịch xã đã dắt nhà từ thiện về tặng quà cho mẹ mình thay vì dắt đến những nhà nghèo đói, gặp nạn. Và khi một người biết thì nhiều người biết, mọi người lên tiếng phản đối, trong đó có một người thẳng thừng chỉ vào mặt ông chủ tịch này nói rằng ông ta ăn bẩn. Thế là xảy ra ẩu đả, ông chủ tịch xã vốn to con, bụng phệ đã dùng thịt đè người, vật ông nông dân ốm yếu, đói khổ rơi xuống ao cá. Cuộc ẩu đả tạm chấm dứt với kết quả nghiêng về phía ông chủ tịch xã với phần quà không bị mất và đấm mấy phát vào mặt, vật ngã người đã tố cáo ông ta...!
Thế đấy, một người nghèo lại tiếp tục bị hành hạ khi anh ta đấu tranh cho phần cứu trợ của mình một cách chân chính, công khai, trong khi đó, kẻ gian lận, kẻ tham lam sẵn sàng thẳng tay đấm vào mặt đồng loại nghèo khổ của mình. Điều này, e rằng chỉ có ở Việt Nam hoặc các nước nghèo đói, lạc hậu. Nhưng chắc chắn là ở thiên đường xã hội chủ nghĩa Cộng sản Việt nam, điều này phát triển bạo hơn những nước kia. Đau thật!
Bão số 10 chưa dứt thì tin bão số 11 đang tiến vào biển Đông, đang đe dọa miền Trung, bà con mình chưa kịp ngoi lên sau bão đã phải mệt mỏi, lo âu trước tin chẳng lành sắp tới. Thật là đau khổ cho miền Trung thân yêu!
Qua thư này, cháu cũng xin kêu gọi những tấm lòng hảo tâm hãy tặng thêm cho mình đôi chân hảo tâm để bằng cách nào đó, trực tiếp đến với vùng bão lũ, trực tiếp thị sát hậu quả thiên tai và cứu trợ cho bà con, đồng bào mình đúng nghĩa lá lành đùm lá rách. Đừng nhờ cậy hoặc thông qua các cơ quan địa phương để gửi quà. Vì làm như thế, chỉ thêm góp tay nuôi đám quan chức bẩn thỉu này mà thôi!
Xin cầu nguyện gió ngừng mưa tạnh, bà con được bình an!
Cháu Ngô Kiều Chinh.

No comments:

Post a Comment