Saturday, October 19, 2013

Đội Cấn và Lương Ngọc Quyến trong cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên

Thứ Bảy, ngày 19.10.2013
Kính thưa quý thính giả,
Khi thực dân Pháp chiếm Việt Nam. Sau vụ Hà Thành đầu độc năm 1908 vỡ lở và âm mưu khởi nghĩa năm 1916 thất bại, Pháp và chính quyền Bảo hộ cố đàn áp để dập tắt các phong trào đối kháng bằng cách bắt giam nhiều người. Nhưng càng ngày, càng có thêm nhiều người yêu nước tham gia vào cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Trong số đó có Đội Cấn, đội trưởng lính khố xanh Pháp và anh hùng Lương Ngọc Quyến đứng ra tổ chức cuộc nổi dậy bằng súng đạn chiếm tỉnh Thái Nguyên với mục đích giành lại độc lập tự chủ cho nước nhà. Trong tiết mục "Danh nhân nước Việt" tối nay, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài "Đội Cấn và Lương Ngọc Quyến trong cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên" của Việt Thái qua giọng đọc của Tam Thanh.
Đội Cấn tên thật là Trịnh Văn Đạt, sinh năm 1881, người làng Yên Nhiên, phủ Vĩnh Tường. Nhà nghèo, năm 1910, ông đăng lính khố xanh thay cho anh trai tên là Trịnh Văn Cấn, thăng dần lên chức Đội trưởng đội lính khố xanh trong cơ binh Pháp đóng ở Thái Nguyên, nên được gọi là Đội Cấn.

Tuy đi lính cho Pháp, nhưng Đội Cấn lại là người chịu ảnh hưởng và khâm phục tinh thần yêu nước chống Pháp của nghĩa quân Đề Thám. Thời gian đóng tại Thái Nguyên, ông kết bạn với các đồng ngũ người Việt tại đây như Đội Trường, Đội Giá, Cai Xuyên, Cai Mãnh,... và thường bàn việc khởi nghĩa chống chính quyền Pháp ở Thái Nguyên với những người này.
Giữa năm 1917, một thành viên trẻ tuổi của Việt Nam Quang phục Hội là Lương Ngọc Quyến bị bọn Pháp chuyển đến nhà lao Thái Nguyên với bản án tù chung thân.
Lương Ngọc Quyến sinh năm 1885, là con trai của cụ Lương Văn Can, một sáng lập viên kiêm hiệu trưởng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Tháng 10 năm 1905, Lương Ngọc Quyến cùng em ruột là Nhị Khanh hưởng ứng phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu nên được gửi sang Nhật du học. Tại đây ông tốt nghiệp ưu hạng trường Chấn Vũ, một ngôi trường nổi tiếng của Nhật. Vì hoạt động cách mạng nên bị Nhật trục xuất. Lương Ngọc Quyến sang Trung Hoa học khóa sĩ quan, sau đó phục vụ trong quân đội Trung Hoa với cấp bậc thiếu tá. Tháng 3 năm 1912, ông được bầu làm Ủy viên quân sự Ban chấp hành Việt Nam Quang Phục Hội. Năm 1914, ông bị mật thám Anh bắt tại Hồng Kông và trao cho Pháp. Ông trải qua nhà lao Hà Nội, Phú Thọ, trước khi bị chuyển đến nhà lao Thái Nguyên.
Nhờ tiếp xúc với tù nhân Lương Ngọc Quyến, nên Đội Cấn biết quan điểm và sách lược đấu tranh của Việt Nam Quang phục Hội và đã tình nguyện gia nhập tổ chức yêu nước này. Đội Cấn và những đồng đội đã được Lương Ngọc Quyến động viên tinh thần, hướng dẫn cách tổ chức binh biến. Sau khi họp bàn nhiều lần, tất cả quyết định xử dụng các đội quân dưới tay để nổi dậy chiếm tỉnh Thái Nguyên và giải thoát cho toàn bộ tù nhân chính trị.
Tuy nhiên, các sĩ quan Pháp vì đề phòng các cuộc binh biến nên liên tục chuyển đổi hạ sĩ quan và binh sĩ các đơn vị. Do đó, cuộc khởi nghĩa bị trì hoãn nhiều lần.
Đến tháng 8 năm 1917, khi được tin sắp có đợt thuyên chuyển lớn, Đội Cấn quyết định ra tay khởi nghĩa. Đêm 30 rạng 31/8/1917, cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên bùng nổ. Quân khởi nghĩa hạ sát viên giám binh Pháp tên là Noel, phá nhà lao Thái Nguyên, giải thoát 230 tù nhân. Đội Cấn được cử làm Tư lệnh, Lương Ngọc Quyến làm Tham mưu trưởng.
Sau đó, nghĩa quân triệu tập dân chúng tại Thái Nguyên, tuyên bố độc lập, đặt quốc hiệu là Đại Hùng, ra tuyên cáo kêu gọi toàn dân "lợi dụng cơ hội ngàn năm một thuở để trả thù, rửa nhục và mang lại độc lập tự chủ cho nước nhà". Số quân gia tăng hơn 600 người và lá cờ màu vàng đề 4 chữ "Nam binh Phục quốc", góc trên bên trái lá cờ có 5 ngôi sao màu đỏ.
Quân của Đội Cấn làm chủ Thái Nguyên được 5 ngày thì đến ngày 4/9/1917, Pháp điều động 2000 quân tấn công vào Thái Nguyên. Do lực lượng quá chênh lệch, nghĩa quân quyết định rút về vùng núi Tam Đảo, giáp Vĩnh Yên. Vì bị cùm lâu ngày nên đi đứng bất tiện, tham mưu trưởng Lương Ngọc Quyến từ chối việc binh sĩ làm cáng để khiêng ông và rút súng tự sát.
Sau 5 tháng tử chiến, ngày 10/11/1918, quân Pháp tấn công lên căn cứ tại núi Pháo, nghĩa quân bị tổn thất nặng nề, Đội Cấn bị thương nặng và tự sát bằng cách bắn vào bụng.
Quân Pháp tiếp tục càn quét quân khởi nghĩa cho đến tháng 3 năm sau, kể cả xử dụng thủ đoạn bắt giữ thân nhân để buộc các nghĩa sĩ phải ra hàng. Một số người sau đó bị kết án tử hình và nhiều người khác thì bị đày ra Côn Đảo.
Cuộc nổi dậy Thái Nguyên, dưới sự lãnh đạo của Đội Cấn và Lương Ngọc Quyến, tuy không kéo dài được lâu như các cuộc nổi dậy kháng Pháp khác, nhưng đã gây tiếng vang lớn trong dư luận Pháp. Đặc biệt hơn nữa, nó chứng tỏ cho thấy không phải người Việt nào đi lính cho Pháp cũng là tay sai bán nước, hay không có tấm lòng yêu nước. Ngược lại, khi có thời cơ và điều kiện, họ sẵn sàng đứng lên, chấp nhận hy sinh tính mạng để cứu nguy Tổ quốc.
Người xưa có câu "Ai đem thắng bại anh hùng luận". Cuộc nổi dậy Thái Nguyên đã góp thêm hai tên tuổi sáng chói trong danh sách những anh hùng bất khuất của dân tộc Việt: Trịnh Văn Cấn và Lương Ngọc Quyến.
Việt Thái

No comments:

Post a Comment