Saturday, October 19, 2013

Chuyên mục: NHỮNG VẤN ĐỀ CỦA CHÚNG TA

Thứ Bảy, ngày 19.10.2013
Tiếp theo đây, như thường lệ vào Thứ Bẩy, mời quý thính giả theo dõi chuyên mục NHỮNG VẤN ĐỀ CỦA CHÚNG TA do HẢI NGUYÊN phụ trách điều hợp.
HẢI NGUYÊN: Kính chào quý vị thính giả, NHỮNG VẤN ĐỀ CỦA CHÚNG TA tuần này xin được thảo luận tiếp về "Một quan niệm chính trị mới cho một nước Việt Nam hậu CS" với Luật Sư Trần Thanh Hiệp, cựu luật sư các tòa thượng thẩm ở Sài Gòn và Paris, và hiện là chủ tịch Trung Tâm Việt Nam Về Nhân Quyền.
HN .- Những chuyển động chính trị hiện đang diễn ra ở trong nước, trong nhiều lãnh vực, từ nội bộ đảng, đến tầng lớp trí thức, đến thế hệ trẻ, v.v... theo LS thì đó có phải là những chuyển động mở đường một cách bất bạo động cho việc xây dựng nền chính trị hậu cộng sản được không?

TTH .- Việc coi xem những hiện tượng vừa được qúy Đài nêu lên có phải là những chuyển động mở đường cho việc xây dựng chế độ chính trị hậu-cộng-sản ở Việt Nam hay không, tùy thuộc vào cách nhìn vấn đề của mỗi người. Nếu người đó còn bị ám ảnh bởi những kỷ niệm chiến tranh của quá khứ cũng như không tin tưởng gì vào xu thế tất yếu của thời đại là dân chủ, thì sẽ không thể đánh giá đúng những hiện tượng đó được. Tôi, tuy không hề có ảo tưởng rằng độc tài đảng trị cộng sản đã hối cải trở về với dân chủ, nhưng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng hiện nay trong nước, dân chủ đang phản công, từng bước đẩy lui độc tài cộng sản. Và một lực lượng dân chủ tiền phong đã thành hình qua sự liên kết một cách tự phát của nhiêu thành tố nhân xã, từ cộng sản phản tỉnh qua dân chủ đối kháng đến tuổi trẻ tiến bộ. Theo tôi, đó chính là đội ngũ mở đường cho chế độ chính trị hậu-cộng-sản.
HN .- Ở ngoài nước, cộng đồng người Việt tị nạn, sau gần 40 năm lưu vong, đã trở thành một chủ lực dân chủ tiền phong, có cần đổi mới đường lối, tổ chức tranh đấu cho thích hợp với những đòi hỏi của tình thế mới, ở quốc nội cũng như trên bàn cờ quốc tế hay không?
TTH .- Đương nhiên là phải đổi mới để đáp ứng những đòi hỏi mới của tình thế, tức là lực lượng dân chủ sẽ kh ô ng đấu tranh không bằng bạo lực mà đấu tranh theo cung cách ôn hòa, phù hợp với những qui phạm của luật quốc tế về nhân quyền, dân quyền. Phải nhấn mạnh rằng nếu không được như vậy thì e rằng khó tranh thủ được sự yểm trợ mạnh mẽ của quốc tế.
HN .- Trong viễn tượng lịch sử đất nước đang sang trang có cần đặt lại vấn đề lựa chọn giữa hai xu hướng đấu tranh võ trang và tranh đấu bất bạo động hay không?
TTH .- Khách quan mà nói, Iraq rồi Bắc Phi và Trung Đông cho thấy rằng dân chủ chỉ có thể chiến thắng độc tài nếu có bản lĩnh kết hợp được hai hình thức tranh đấu võ trang và ôn hòa. Theo tôi trong hiện tình chính trị, kinh tế và xã hội dưới chế độ cộng sản ở trong nước hiện nay, con đường tranh đấu thích hợp nhất sẽ chỉ c ó thể là tranh đấu bất bạo động, trên cơ sở luật quốc tế về nhân quyền và dân quyền. Vậy nay chính là lúc phải cập nhật hóa việc tổ chức tranh đấu của giai đoạn trước chỉ biết sử dụng bạo lực. Nhưng, nên nhớ rằng, tranh đấu bất bạo động, không phải chỉ là nêu lên lập trường, hô khẩu hiệu tranh đấu bất bạo động, nghĩa là chỉ tranh đấu bằng lời nói mà phải quyết liệt tranh đấu bằng việc làm bất bạo động. Như hai tiền lệ lịch sử gương mẫu là cuộc tranh đấu của Công đoàn Solidarsnoc ở Ba Lan và cuộc tranh đấu của Mahatma Gandhi ở Ấn Độ. Nói cách khác, trước đây thì tranh đấu bằng bạo lực chiến tranh, giành thắng lợi cho ý thức hệ nhưng nay tình thế lại đòi hỏi phải thay thế bằng một hình thức vận động văn hóa cho hòa bình để xây dựng một xã hội tương lai, văn minh và thịnh vượng ở Việt Nam hậu-cộng-sản.
HN .- Nếu trật tự tranh đấu ưu tiên sẽ phải là tranh đấu văn hóa thì ở hải ngoại có cần vận động thống nhất tinh thần để đề xuất một Dự An Chính Trị Hậu Cộng Sản hay không? Và liệu cuộc vận động thống nhất tinh thần này có thực hiện được không hay sẽ lại đi vào vết xe đổ của quá khứ?
TTH .- Theo tôi, muốn thiết lập cho tương lai một chế độ chính trị hậu-cộng-sản thì tất yếu phải lập dự án chính trị hậu-cộng-sản. Trong quá khứ, sáng kiến n ày chưa xuất hiện nên đương nhiên đã ó nhiều xu hướng khác nhau về việc xây dựng tương lai. Nhưng nay nếu muốn cho ra đời một dự án chung thì dĩ nhiên phải có một cuôc vận động liên kết các xu hướng dị biệt trên nền tảng mẫu số chung là dự án. Một cuộc vận động chỉ có tính chất văn hóa như vậy mà cũng không mang lại được kết quả hợp nhất thì làm sao có được dự án. Cho nên tôi tin chắc rằng ai cũng ý thức được cáí lô gích đơn giản này nên sẽ không ai đi vào vết xe đổ của quá khứ.
HN .- Nếu có thể được, xin LS trình bày tóm lược về cái gọi là "Văn Hóa Chính Tri", vũ khí tinh thần cơ bản của sự nghiệp dân chủ hóa đích thực nước Việt Nam hậu cộng sản trong tương lai.
TTH .- "Văn hóa chính trị" là một khái niệm mới, một loại kiến thức mới, nếu chưa thể nói một ngành học mới đối với người Việt Nam. Loại kiến thức mới này xuất hiện để thay thế ý thức hệ, hay đúng hơn, để hiện thực hóa ý thức hệ bằng cách mang lại cho ý thức hệ một nội dung nhân bản chính xác hơn, đích thực hơn, trên địa hạt chính trị. Thí dụ về chế độ chính trị hậu-cộng-sản, ý thức hệ đòi rằng phải có dân chủ mà không cần xác định thế nào là dân chủ hay không cần đích thực có dân chủ. Còn văn hóa chính trị thì khác, vì nó sẽ xác định rõ là dân chủ phải mang lại cho xã hội một hệ thống quan hệ bình đẳng, nhân ái, giữa người với người, giữa quảng đại quần chúng bị trị với thiểu số thống trị. Nhờ vậy mà xã hội được bình định, một khi con người đã biết thay thế xung đột bằng bạo lực bằng quy phạm pháp lý bất bạo động. Do đó, chế độ chính trị trong tương lai ở Việt Nam cần được xây dựng trên nền tảng văn hóa chính trị thay vì trên nền tảng ý hệ./.
HN:. Cám ơn LS Trần Thanh Hiệp. Xin hẹn gặp lại quý thính giả trong chuyên mục NHỮNG VẤN ĐỀ CỦA CHÚNG TA vào Thứ Bẩy tuần tới./.

No comments:

Post a Comment