Wednesday, December 3, 2014

Tôn Giáo và Con Người

Thứ Tư, ngày 03.12.2014    
Liên tục chương trình, mời quý thính giả nghe Nguyên Hồng trình bày một cái nhìn thực tế trên lãnh vực tôn giáo và con người qua chuyên mục Con Người Việt Nam để tiếp nối chương trình tối nay
Có thể nói rằng, con người hiện hữu trước tôn giáo. Không có con người sẽ không có tôn giáo. Tôn giáo ra đời -- khi mà các nhà sáng lập các tôn giáo trên toàn thế giới thấy được nhu cầu tâm linh của con người -- nhằm mục đích tạo ra một xã hội màcon người thương yêu lẫn nhau qua cái nhìn của tâm linh. Sự thương yêu qua tâm linh sẽ đưa đến một xã hội con người hơn, chứ không phải là một xã hội của mạnh được -- yếu thua của thời đại nguyên thủy loài người.
Cho nên tôn giáo xuất hiện để phục vụ con người và con người phục vụ xã hội qua những lời dạy của tôn giáo để tạo ra một xã hội người hơn.
Tôn giáo ra đời cho chính các cá nhân sống trong thời đại đó, thấu hiểu được bản ngã (tham-sân-si) của con người, cho nên cá nhân đó qua sự tôi luyện của tâm linh, của bản thể -- để đưa ra một lý thuyết tôn giáo với mục đích truyền đạt đến những cá nhân bình thường -- với hỵ vọng cá nhân đó cố loại bỏ bớt bản ngã để tạo ra một xã hội người hơn. Cho nên tôn giáo xuất phát từ chính con người, những con người sống trong thời đại đó, thấy được nhu cầu cần thiết cho tâm linh và cá nhân đó sáng lập ra tôn giáo
Tôn giáo trên toàn thế giới tuy khác nhau cái tên gọi hoặc phương cách thờ phượng, nhưng tất cả đều có một điểm giống nhau – kêu gọi mọi người thương yêu lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau, loại bỏ bớt tham-sân-si để tạo ra một xã hội người hơn. Dĩ nhiên có một sốvị lãnh đạo tôn giáo không đồng ý lý luận trên lãnh vực này. Chuyện này cũng dễ hiểu, ai cũng muốn cho rằng tôn giáo mình khác hơn các tôn giáo khác và có lẽ sẽ được lên thiên đàng sớm hơn các tôn giáo khác. Nếu có sự cạnh tranh trong thương mại thì chuyện cạnh tranh trong tôn giáo cũng là điều rất bình thường.
Thực ra trên quan niệm tâm linh không thể nói ai đúng ai sai. Mỗi người có suy nghĩ hoàn toàn khác nhau cho dù họ có cùng một tôn giáo. Các tôn giáo có khác nhau trên hình thức, nhưng bản gốc chính của các tôn giáo điều giống nhau như đã nói phần bên trên.
Tôn giáo tự bản thân là tốt. Tuy nhiên, con người từ xưa đến nay đã lợi dụng tôn giáo để phục vụ quyền lợi cho chính bản thân thay vì dùng tôn giáo để phục vụ xã hội. Lấy thí dụ gần gũi nhất là những người mang tín ngưỡng Hồi Giáo thực hiện những cuộc đánh bom tự sát, giết hại biết bao nhiêu người vô tội. Có tôn giáo nào kêu gọi giết người để được lên thiên đàng? Hành động giết người, cho dù mang dưới bất cứ danh nghĩa nào, đều đi ngược lại điều căn bản nhất của các tôn giáo là thương yêu lẫn nhau, sống hài hoà với nhau để có một xã hội thật người.
Có một số chính trị gia Tây Phương, khi thấy những người mang tín ngưỡng Hồi Giáo thực hiện cuộc đánh bom tự sát, vội vàng kết án Hồi Giáo là đạo không tốt. Đây là sự phê phán không có cơ sở nếu không muốn nói rằng một sự phê phán chụp mũ tôn giáo. Một vài cá nhân, hay một nhóm quá khích nào đó lợi dụng tôn giáo để làm những điều sai trái không có nghĩa là cả tôn giáo đó không tốt. Phê phán tôn giáo ở vị thế của một nhà lãnh đạo thì là điều không tốt, nếu không muốn nói là một điều nguy hiểm cho các công dân của đất nước mà nhà lãnh đạo là đại diện. Phê phán tôn giáo tôn giáo với tính cách chụp mũ sẽ tạo ra làn sóng phẩn nộ và tạo cho thành phần quá khích có thêm xăng đổ vào lửa -- để thực hiện ý đồ quá khích của họ. Cho nên một nhà lãnh đạo cần phải thận trọng trong việc phê phán một tôn giáo khi mà điều phê phán đó chỉ dựa vào hành động của một vài cá nhân, hoặc một vài tổ chức quá khích nào đó.
Chúng ta thường hay có sự lầm lẫn giữa hai từ ngữ đạo và tôn giáo. Các nhà chính trị gia tây phương, cũng như các cử tri, thường hay có quan niệm là người có tín ngưỡng tôn giáo thì tốt hơn người không có tính ngưỡng tôn giáo khi nằm trong vị thế lãnh đạo.
Khi dùng từ ngữ đạo, chẳng hạn như đạo Phật, đạo Công Giáo, đạo Hồi, hay đạo Ấn, tức là chúng ta nói đến tôn giáo và chúng ta dùng từ đạo để đơn giản hoá thay vì dùng từ tôn giáo.
Có những đạo không phải là tôn giáo. Chẳng hạn như đạo làm người hoặc các đạo (cult) mới do các cá nhân bằng tài hùng biện, đã đưa ra những lý thuyết để thu hút một số người. Đạo của Stewart Traill, Charles Manson, Aum Shirikyo (tại Nhật) là một vài thí dụ điển hình.
Những loại đạo (cult) thuộc dạng mới này xảy ra trên toàn thế giới và thông thường những loại đạo này có những suy nghĩ tôn giáo và thờ phượng rất là kỳ lạ so với các tôn giáo chính thống và đưa đến nhiều cuộc tự sát tập thể của những người theo các loại đạo mới này. Nhờ khả năng hùng biện mà các cá nhân sáng lập ra các đạo này thu hút được người theo đạo.
Đạo làm người lại nằm ở một vị trí hoàn toàn khác với các đạo (cult) thuộc dạng mới. Đạo làm người không có ai lãnh đạo. Đạo làm người do chính cá nhân sống trên toàn thế giới thấy được phải – trái để sống và làm một con người tốt hơn trong xã hội. Rất nhiều người không thuộc loại tôn giáo nào hoặc đạo mới nào, nhưng cùng có một suy nghĩ của đạo làm người và họ sống cũng như ứng xử dựa vào lối suy tư của đạo làm người này.
Một người không có tôn giáo không hẳn là một người xấu và một người có tín ngưỡng tôn giáo không hẳn là một người tốt. Trong xã hội, rất nhiều người có tín ngưỡng tôn giáo những làm ngược lại những điều mà tôn giáo đưa ra. Ngược lại, có nhiều người không nằm trong một tín ngưỡng tôn giáo nào nhưng cuộc sống rất là trong sáng, không cắn rứt lương tâm -- bởi họ dựa vào đạo làm ngườiđể sống và ứng xử với mọi người.
Nói tóm lại, tôn giáo luôn luôn đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống tâm linh của con người. Là một nhà lãnh đạo luôn luôn tạo điều kiện để các tôn giáo giúp đỡ các cá nhân -- cần giúp đỡ -- trong đời sống tâm linh. Nói thế không có nghĩa ai cũng cần phải có tôn giáo để cho tâm linh được ổn định. Và những ai không có tôn giáo, họ dựa vào đạo làm người để thực hiện cuộc sống tâm linh và họ cũng như mọi người sẽ tạo ra một xã hội người, thương yêu lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau.
Hy vọng các vị lãnh đạo Việt Nam tương lai có cái nhìn phóng khoáng hơn trên lãnh vực tôn giáo và con người.
Nguyên Hồng

No comments:

Post a Comment