Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Vân Khanh & Thiên An trình bày sau đây.
1/ TNLT TRẦN HUỲNH DUY THỨC LẠI BỊ SÁCH NHIỄU TRONG TÙ
Cai tù trại giam số 6 ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An,
đã tịch thu đồ dùng của tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức khiến ông nghi
ngờ mình bị trù dập vì lên tiếng đòi công lý cho cá nhân.
Ông Thức, một doanh nhân và kỹ sư về công nghệ thông tin
đang thụ án năm thứ 14 của bản án 16 năm tù với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ
nhà nước”, bị cai tù thu các thiết bị y tế cá nhân sau khi ông viết giấy phản
hồi tòa án tối cao về văn thư của cơ quan này.
Trong văn thư nói trên, tòa tối cao khẳng định ông Thúc bị
kết tội theo trường
hợp tội phạm đã hoàn thành, không thuộc trường hợp chuẩn bị phạm tội theo khoản
3 của điều 109 của bộ luật hình sự năm 2015. Do đó, ông không thuộc
diện được quốc hội xem xét miễn phần hình phạt còn lại.
Ông Trần Huỳnh Duy Tân, em trai ông Thức, cho biết trong
cuộc gọi điện vào ngày 30/7, anh mình đã kể lại tình cảnh của mình ở trại tù.
Theo đó vào ngày 20/7, đám cai tù đã tịch thu những thứ cần thiết trong sinh
hoạt như đèn đọc sách, máy đo huyết áp và cái quạt chạy bằng pin.
Theo lời kể của ông Thức, vào ngày 22/7, cục an ninh vào
buồng giam kiểm tra tất cả đồ đạc cá nhân còn sót lại, và khẳng định "chắc chắn đây là sự
trù dập, trả thù đối với việc ông đấu tranh cho cái bản án đó”. Trại
giam cũng không cho ông Thức tiếp tục gửi thư về nhà như thường lệ.
Cũng theo gia đình, ông Thức sẽ từ chối thăm gặp gia đình
từ tháng sau để phản đối hành động của trại giam số 6, đồng thời đề nghị gia
đình báo cho các cơ quan ngoại giao nước ngoài ở Việt Nam biết về việc ông bị sách
nhiễu ở trong tù.
Ông Thức là một trong số các tù nhân lương tâm được nhiều chính phủ quốc gia phương Tây quan tâm và nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế lên tiếng đòi tự do cho ông kể từ khi ông bị bắt vào năm 2009. Ông đã tuyệt thực nhiều lần trong tù để phản đối việc bị đối xử vô nhân đạo và đòi được trả tự do.
2/ THÊM 3 NGƯỜI TẠI SÓC TRĂNG VÀ
TRÀ VINH BỊ BẮT VÌ “CHỐNG CHẾ ĐỘ”
Công an hai tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh vừa ra tay bắt giữ
các ông Danh Minh Quang, Thạch Cương và Tô Hoàng Chương vào ngày 31/7 vừa qua
với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ để chống phá nhà nước”.
Ông Danh Minh Quang 36 tuổi, cư ngụ tại xã Đạo Tâm, huyện
Mỹ Xuyên; riêng hai người là Thạch Cương
36 tuổi và Tô Hoàng Chương 37 tuổi đều ngụ xã Thạch Hòa Sơn, huyện Cầu Ngang.
Công an hai tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh chỉ cho biết việc
bắt giữ và truy tố ba người này là đến từ nguồn mật báo. Một trong ba người vừa
bị khởi tố và bị bắt là ông Tô Hoàng Chương, người hôm 28/6 cho biết ông bị công
an tỉnh Sóc Trăng chặn xe, đánh đập sau khi đi thăm một người bạn tại xã
Mỹ Tâm, huyện Mỹ Xuyên.
Ông Tô Hoàng Chương cho biết ông từng đi phát sách Tuyên ngôn của Liên Hiệp Quốc về quyền của các dân tộc bản địa. Vào ngày 25/6, Liên minh Người Khmers Kampuchia Krom (KKF) có trụ sở ở Hoa Kỳ ra thông cáo báo chí lên án công an tỉnh Sóc Trăng về “hành vi đối xử tàn bạo và vô nhân đạo” đối với ông Tô Hoàng Chương.
3/ HÀ NỘI NGẬP NHƯ SÔNG SAU CƠN MƯA LỚN
Tình trạng ngập lụt tại các đô thị lớn nhỏ ở
VN đã trở nên thường xuyên sau mùa mưa, với thành phố Hà Nội bị ngập sâu tại
nhiều tuyến đường lớn. Tại nhiều khu vực ở Hà Nội, hệ thống thoát nước trở nên
quá tải khiến người dân đi lại vô cùng chật vật.
Vào lúc 2 giờ rưởi chiều ngày hôm qua 31/7, nhiều tuyến
đường tại Hà Nội bị ngaập sâu như đường Quang Trung ở quận Hà Đông, các
con đường Nguyễn Trãi, Bùi Xương Trạch, Nguyễn Tuân ở quận Thanh Xuân.
Tại quốc lộ 6 ở quận Hà Đông có mưa từ 1 giờ chiều, chỉ sau
ít phút thì tuyến đường này bị ngập với mực nước cao 20 cm. Trong khi đó tại
phố Bùi Xương Trạch lúc gần 3 giờ chiều, nước mưa ngập đến 50 cm, hàng loạt xe
cộ đi qua đều bị chết máy. Thậm chí nước mưa tràn vào nhà một số tư gia trên
đường.
Tại đường Nguyễn Trãi, nước mưa cũng ngập sâu khoảng 20 cm
khiến đoạn đường này ùn tắc dài, xe cộ nhích từng thước trên đường.
Trước đó vào khoảng 2
giờ chiều, trung tâm dự báo khí tượng phát đi thông báo là khu vực nội thành Hà
Nội có mưa lớn. Trong 3 giờ sau đó, khu vực nội thành Hà Nội và các vùng lân
cận vẫn tiếp tục có mưa với lượng mưa phổ biến trong khoảng từ 20 đến 100 ly.
Cơ quan khí tượng cảnh báo đợt mưa này sẽ gây ngập lụt tại nhiều tuyến phố nội thành với độ sâu phổ biến từ 30 cm đến 50 ly.
4/ NƯỚC Ý QUYẾT ĐỊNH
TỆ HẠI KHI THAM GIA SÁNG KIẾN CỦA TRUNG CỘNG
Bộ trưởng quốc phòng Ý vào hôm 30/7 tuyên bố là quốc gia ông đã có một quyết định tệ hại khi tham
gia sáng kiến Vành đai – Con đường của Trung Cộng cách đây 4 năm.
Cần biết nước Ý đã ký gia nhập sáng kiến này vào 4 năm
trước, trở thành quốc gia lớn duy nhất của phương Tây thực hiện bước tiến này.
Ông Guido Crosetto là một thành viên của chính quyền Ý hiện nay đang xem xét đến
cách thức thoát ra khỏi thỏa thuận.
Kế hoạch của Trung Cộng là xây dựng lại Con đường Tơ lụa cũ
để kết nối Trung Cộng với Á châu, Âu châu và xa hơn nữa. Giới chỉ trích xem đây
là công cụ để Trung Cộng mở rộng ảnh hưởng chính trị và kinh tế.
Ông Crosetto cho biết quyết định tham gia Con đường Tơ lụa
là một hành động ngẫu hứng và “tệ hại” giúp gia tăng xuất cảng của Trung Cộng
sang Ý nhưng không có tác động tương tự đối với xuất cảng của Ý sang Trung Cộng.
Sau cuộc họp tại tòa Bạch Ốc hôm 27/7 với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Thủ tướng Ý Giorgia Meloni cho biết chính phủ của bà vẫn đang cân nhắc về Con đường Tơ lụa và tuyên bố sẽ sớm có chuyến thăm Bắc Kinh.
5/ TẬP ĐOÀN QUÂN
PHIỆT MIẾN ĐIỆN ĐÌNH HOÃN CUỘC BẦU CỬ ĐÃ HỨA HẸN
Tập đoàn quân phiệt Miến Điện vào hôm qua đã rút lại lời
hứa hẹn tổ chức tuyển cử sẽ diễn ra vào tháng 8 năm nay sau 2 năm đảo chánh.
Đại tướng Min Aung Hlaing, người cầm đầu tập đoàn quân
phiệt, trong cuộc họp hôm 31/7 với Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia, đã ra
lệnh gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm 6 tháng.
Cần biết là tập đoàn quân phiệt đã cam kết tổ chức bầu cử
trước tháng 8 năm 2023 sau khi lật đổ chính phủ dân cử do bà Aung San Suu Kyi cầm
đầu, nhưng bây giờ quân đội viện dẫn bạo lực đang diễn ra là lý do để đình hoãn
cuộc bỏ phiếu.
Miến Điện đã rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ sau cuộc đảo
chánh, với phong trào kháng chiến chống lại quân đội tại nhiều địa phương sau
cuộc đàn áp đẫm máu nhắm vào những người chống đối khiến các biện pháp trừng
phạt của phương Tây được tái áp đặt.
Trong tuyên bố trên đài truyền hình, tập đoàn quân phiệt
cho biết là để có một cuộc bầu cử tự do và công bằng, cũng như để có thể bỏ
phiếu mà không sợ hãi, vẫn cần có các biện pháp an ninh cần thiết. Vì thế thời
gian áp dụng tình trạng khẩn cấp cần phải được kéo dài.
Tập đoàn quân phiệt đã lên nắm quyền sau khi cáo buộc gian
lận trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11 năm 2020 mà đảng của bà Suu Kyi giành
chiến thắng lớn. Các nhóm giám sát bầu cử không tìm thấy bằng chứng nào cho
thấy có sự gian lận.
Việc lật đổ chính phủ dân cử của bà Suu Kyi đã làm chệch hướng một thập niên cải cách, giao dịch quốc tế và tăng trưởng kinh tế, đồng thời để lại dấu vết của những cuộc đời bị đảo lộn sau đó.
No comments:
Post a Comment