Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Vân Khanh & Thiên An trình bày sau đây.
1/ HWR KÊU GỌI VN PHÓNG THÍCH HAI TÙ NHÂN LƯƠNG TÂM
Tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW) vào hôm qua 28/8 ra thông cáo kêu gọi
nhà cầm quyền VN hãy hủy bỏ các cáo buộc mang động cơ chính trị đối với hai ông
Trần Văn Bang và Bùi Tuấn Lâm, đồng thời ngay lập tức trả tự do cho hai ông.
Lời kêu gọi của Giám sát Nhân quyền được đưa ra trước ngày tòa án VN xét
xử phúc thẩm hai nhà bất đồng chính kiến nói trên.
Trong thông cáo, ông Phil Robertson, đại diện chi nhánh Á
châu của HRW, nhận định là hai ông Trần Văn Bang và Bùi Tuấn Lâm đã công
khai phê phán cách thức cai trị đất nước của đảng CSVN, và hành vi thể hiện chính
kiến ôn hòa này không phải là “một tội lỗi”.
Thông cáo cho biết hai ông Trần Văn Bang và Bùi Tuấn Lâm
trong thập niên vừa qua đã nỗ lực vận động cho các quyền dân sự và chính trị ở
Việt Nam. Cả hai đều công khai lên tiếng ủng hộ các tù nhân chính trị, tham gia
các hoạt động hỗ trợ tài chính và tinh thần cho các nhà hoạt động cũng như thân
nhân họ.
Ông Trần Văn Bang 62 tuổi là cựu quân nhân và là một kỹ sư.
Riêng ông Bùi Tuấn Lâm 39 tuổi, còn được gọi là “Thánh rắc hành”, là chủ nhân một
quán ăn vỉa hè. Ông Lâm trở nên nổi tiếng vào năm 2021 khi bắt chước đầu bếp “Thánh
rắc muối”, người đã rắc muối lên miếng thị bò dát vàng trị giá 2 ngàn Mỹ kim để
bón tận miệng cho Bộ trưởng công an Tô Lâm.
Vẫn theo tổ chức Giám sát Nhân quyền, bạo quyền VN hiện đang giam giữ ít nhất là 159 người bất đồng chính kiến. Trong số đó có 23 người đang bị giam giữ để chờ xét xử với các cáo buộc “mang động cơ chính trị”.
2/ CÔNG NHÂN VN ĐANG TÌM CÁCH SANG LAO ĐỘNG Ở ĐÀI LOAN
Trong khi Đài Loan đang tìm cách thu hút 400 ngàn công nhân
nước ngoài trong vòng 10 năm tới, đã có gần 37 ngàn người Việt sang lao động ở
Đài Loan trong 7 tháng đầu năm khiến cho thị trường này là một trong những điểm
đến tiềm năng nhất của công nhân Việt Nam.
Tuy nhiên, một nhà hoạt động chuyên trợ giúp cho công nhân
Việt tại Đài Loan lưu ý về tình trạng bị môi giới lừa đảo, trong khi các nạn
nhân rất ít khi nhận được sự trợ giúp của cơ quan đại diện, dẫn đến nhiều người
phải làm việc trong tình trạng phi pháp để trang trải nợ nần nơi quê nhà.
Theo số liệu mới nhất của bộ lao động và xã hội VN, cho thấy
chỉ trong 7 tháng đầu năm 2023, đã có 37 ngàn công nhân được đưa sang Đài Loan
làm việc, khiến đảo quốc này trở thành thị trường tuyển dụng lớn thứ nhì, chỉ
sau Nhật Bản với hơn 41 ngàn người.
Tuy nhiên theo Linh mục Nguyễn Văn Hùng, tình trạng công
nhân Việt bị các công ty môi giới lừa đảo, đem con bỏ chợ ở Đài Loan vẫn là
hiện tượng đáng lưu tâm. LM Hùng cho biết tình trạng công nhân Việt bỏ trốn để
lao động bất hợp pháp ở bên ngoài rất phổ biến. Họ luôn phải trực diện bị cảnh
sát Đài Loan truy bắt và trục xuất về Việt Nam bất cứ lúc nào.
Ông Hùng cho biết vào tháng 6 vừa qua, có một nhóm 30 công nhân Việt Nam cho biết họ chỉ mới sang Đài Loan được một tháng, nhưng đã bị công ty kêu lên thông báo sắp đóng cửa và yêu cầu các công nhân Việt Nam phải đổi chủ.
3/ GIỚI ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI TIẾP TỤC GẶP KHÓ KHĂN Ở VN
Giới đầu tư nước ngoài tại Việt Nam vẫn tiếp tục
đối mặt với nhiều rào cản như thủ tục hành chính liên quan đến giải phóng mặt
bằng và giao đất.
Mạng báo The Star của Mã Lai loan tin trên vào
hôm qua 28/8, trích dẫn nhận định của giới chuyên gia và người trong cuộc như
vừa nêu. Cụ thể, về mặt lý thuyết, công ty nước ngoài có thể thuê đất từ nhà
nước Việt Nam để xây dựng cơ sở hạ tầng, tuy nhiên quá trình thực hiện thường
kém minh bạch, mất thời gian, phức tạp mà không có hỗ trợ từ một công ty tư vấn
trong lãnh vực này.
Tờ The Star trích phát biểu của giám đốc một quỹ
đầu tư Nhật là các bộ ngành Hà Nội đưa ra giải thích về các qui định pháp luật
và các nhà đầu tư theo đó để thực hiện. Tuy vậy sau một thời gian có những thay
đổi nhưng quyền lợi của nhà đầu tư không được bảo đảm.
Một điểm được nêu ra là giá đất trong những thập
niên qua gia tăng liên tục làm phức tạp thêm quá trình bồi thường cho người dân
và bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư. Giới đầu tư cho biết đã bày tỏ quan
ngại đối với qui trình phức tạp về đất đai khiến nhiều doanh nghiệp có thể rời
đi, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh
gia tăng hiện nay giữa các nước trong khu vực.
Thống kê cho thấy trong 30 năm qua, trung tâm kinh tế Sài Gòn, thu hút 82 tỷ Mỹ kim vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhưng vào năm ngoái con số này chỉ còn hơn 4 tỷ Mỹ kim, giảm gần 40% so với trước đây.
No comments:
Post a Comment