Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Hoàng Ân & Miên Dương trình bày sau đây.
1/ PHÓNG VIÊN KHÔNG BIÊN GIỚI TUYÊN BỐ PHÁ BỎ TƯỜNG LỬA CỦA VN
Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) vào
ngày 22/8 ra thông báo là họ đã phá bỏ thành công bức tường lửa mà bạo quyền csVN
dựng lên để chận truy cập đối với tờ báo Taz của nước Đức.
Trước đó chính tổ chức RSF
đã cáo buộc bạo quyền Việt Nam chặn báo Taz sau khi tờ báo này đăng tin VN muốn
bắt cóc bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, người đang bị truy nã và bị xử vắng mặt với
bản án 30 năm tù giam với cáo buộc vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả
nghiêm trọng và đưa hối lộ.
Trong diễn biến mới nhất,
tổ chức RSF công bố đã giúp tờ báo của Đức thoát được tường lửa của Việt Nam,
bằng cách xử dụng kỹ thuật “Operation Collateral Freedom”. Dựa vào kỹ thuật
này, tổ chức Phóng viên Không biên giới đã tạo ra một phiên bản sao của trang mạng
của Taz, sau đó xử dụng dịch vụ để phát tán bản sao nói trên.
Theo tổ chức này, trong
trường hợp giới chức Việt Nam ngăn chặn bản sao của tờ Taz, họ sẽ đồng thời
phải chặn tất cả các trang mạng khác. Có nghĩa là Việt Nam sẽ phải chặn rất
nhiều trang mạng, trong đó có cả những trang quan trọng đối với người dùng ở
trong nước.
Cần biết tổ chức Phóng viên Không biên giới đã xếp Việt Nam hạng 178 trên 180 quốc gia về mức độ tự do báo chí trong báo cáo Tự do Báo chí Thế giới năm 2023. VN cũng thuộc nhóm ba nước có mức độ tự do báo chí thấp nhất thế giới, cùng với Trung Cộng và Bắc Hàn là hai quốc gia cộng sản khác.
2/ HOA KỲ LẠI GIA HẠN CUỘC ĐIỀU TRA VỀ TỦ GỖ VN
Hoa Kỳ lại tiếp tục
gia hạn đến tháng 10 năm nay và tháng Giêng sang năm mới ban hành kết luận điều
tra và lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với tủ gỗ nhập cảng từ Việt
Nam.
Quyết định vừa nêu của
bộ thương mại Hoa Kỳ được báo chí lề đảng Việt Nam trích dẫn vào ngày hôm qua 23/8. Theo
quyết định nói trên, dự trù đến ngày 2/10 mới có kết luận cuối cùng về cuộc
điều tra, nhưng đến tháng Giêng năm tới mới ban hành quyết định cuối cùng về tủ
gỗ nhập cảng từ VN.
Cần nhắc lại, vào ngày
17/3 vừa qua, bộ thương mại Hoa Kỳ đã ban hành kết luận sơ bộ về điều tra đối
với tủ gỗ nhập từ Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ. Kết luận nêu rõ sản phẩm
có thành phần cửa, mặt hộc và khung gỗ sản xuất tại Trung Cộng, sau đó đưa sang
Việt Nam lắp ráp kết hợp với hộp ván tủ, hộp hộc kéo sản xuất tại Việt Nam.
Sản phẩm này thuộc phạm vi lệnh áp thuế gốc đối với Trung Cộng. Từ tháng 4 năm 2020 đến nay, Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với tủ gỗ có xuất xứ từ Trung Cộng với mức thuế chống bán phá giá từ 4% đến hơn 262%, và mức thuế chống trợ cấp từ 13% đến hơn 293%.
3/ TRÙM TẬP ĐOÀN WAGNER CÓ THỂ ĐÃ CHẾT TRONG VỤ TAI
NẠN MÁY BAY
Ông trùm Yevgeny
Prigozhin, thủ lãnh tổ chức đánh thuê Wagner, có tên trong danh sách hành khách
trên một chuyến bay bị lâm nạn khiến toàn bộ tử vong, theo công bố của cục hàng
không dân dụng Nga.
Chiếc phi cơ
loại Embraer đã bị lực lượng phòng không ở vùng Tver bắn rơi tại phía bắc
Moscow. Chiếc máy bay loại nhỏ này đã lao xuống gần ngôi làng Kuzhenkino và
toàn bộ người trên máy bay đã tử vong.
Chiếc phi cơ tư
nhân này đang trên đường bay từ Moscow tới St Petersburg, và chở theo 10 người
trong đó có 3 nhân viên tổ bay. Người dân địa phương nghe thấy hai tiếng nổ lớn
trước khi máy bay lao xuống đất.
Thông tấn xã Nga
cho biết phi cơ loại Embraer Legacy này thuộc về ông Prigozhin và đã bốc cháy
sau gần nửa tiếng bay trên bầu trời. Tám thi thể được tìm thấy sau đó.
Ông Prigozhin 62
tuổi cầm đầu một cuộc nổi loạn chống lại quân đội Nga vào tháng 6 vừa qua. Tập
đoàn đánh thuê này có quân số khoảng 25 ngàn người và đã tham chiến ở Ukraine,
Syria và các nước Tây Phi.
Sau cuộc binh biến, ông Prigozhin đồng ý chuyển sang đóng ở nước Belarus nhưng vẫn được đi lại tự do, xuất hiện trước công chúng ở Nga và tung ra một video quay ông ta từ nơi được cho là từ châu Phi. Nhưng một số chuyên gia quan sát tình hình Nga mô tả ông ta là "người chết biết đi" kể từ cuộc binh biến.
4/ PHI THUYỀN ẤN ĐỘ THÀNH CÔNG
KHI ĐÁP XUỐNG CỰC NAM MẶT TRĂNG
Ấn Độ đã mở trang lịch sử mới khi trở thành quốc gia đầu tiên đáp phi
thuyền xuống gần cực nam của mặt trăng.
Chiếc phi thuyền
Chandrayaan-3 gồm một tàu bay quanh quỹ đạo, một tàu đổ bộ và một cỗ xe đổ bộ
nhỏ, rời trái đất hôm 14/7 từ trung tâm vũ trụ Sriharikota ở nam Ấn Độ. Tàu đổ
bộ Vikram, mang tên người sáng lập Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn độ (ISRO) ông
Vikram Sarabhai, mang theo chiếc xe đổ bộ mang tên Pragyaan, có nghĩa là trí khôn
trong tiếng Phạn.
Nếu mọi chuyện
diễn ra đúng như dự tính, chiếc xe đổ bộ sáu bánh sẽ di chuyển trên bề mặt mặt
trăng để thu thập các hình ảnh và dữ liệu. Một trong những mục tiêu chính của
phi thuyền này là tìm kiếm nước đóng băng, điều mà các nhà khoa học nói có thể
hỗ trợ cho sự sống của con người trên mặt trăng trong tương lai.
Chỉ vài ngày
trước, phi thuyền Luna-25 của Nga đã nổ tung khi đang tìm cách đáp xuống cùng
khu vực trên mặt trăng.
Cực nam mặt
trăng là nơi hứa hẹn cho cuộc tìm kiếm nước đóng băng. Diện tích bề mặt luôn
nằm khuất bóng trên mặt trăng là rất lớn, với các nhà khoa học nói có khả năng
có nước đóng băng ở vùng này.
Mỹ, Liên Xô cũ
và Trung Cộng đều đã đổ bộ thành công gần đường xích đạo mặt trăng, nhưng chưa
nước nào có sứ mệnh thành công tới cực nam.
Sứ mệnh
Chandrayaan-2 của Ấn Độ vào năm 2019 đã thất bại khi phi thuyền đâm vào bề mặt
mặt trăng. Thủ tướng Ấn Độ Modi tuyên bố sự thành công của giới khoa học gia
nước ông khi đang công du ở Nam Phi. Ông chúc mừng phòng điều khiển ISRO và tất
cả người Ấn Độ về thành tựu lịch sử này.
Chi phí cho sứ mệnh này chỉ vào khoảng 75 triệu Mỹ kim, chưa bằng nửa khoản 200 triệu Mỹ kim cho phi thuyền Luna-25 của Nga.
No comments:
Post a Comment