Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Vân Khanh & Thiên An trình bày sau đây.
1/ LÊN HÀ NỘI KÊU CỨU, CHA CỦA TỬ TÙ NGUYỄN VĂN CHƯỞNG NGẤT XỈU
Ông Nguyễn Trường Chinh, cha của tử tù Nguyễn Văn Chưởng, đã ngất xỉu sau
khi lên Hà Nội để kêu cứu cho con trai mình.
Ông Chinh đã ngất xỉu vào sáng hôm qua 7/8 trước cổng trụ sở ban tiếp dân
trung ương ở quận Hà Đông – Hà Nội sau thông báo “đến nhận tro cốt của con
mình”. Vào sáng sớm, hai vợ chồng ông Chinh với bộ quần áo có dòng chữ “con tôi
vô tội” cùng một số dân oan đã kéo đến trụ sở này nhưng ông Chinh ngã quỵ xuống
đất.
Mọi người xúm lại làm các động tác cấp cứu cho ông. Xe cấp
cứu đã nhanh chóng đưa ông đến bệnh viện Hà Đông để cấp cứu.
Cần biết là vào ngày 4/8 vừa qua, gia đình ông Chinh nhận
được thông báo từ tòa án Hải Phòng về việc làm thủ tục nhận tro cốt của đứa con
trai Nguyễn Văn Chưởng. Hơn mười năm qua, gia đình đã bán nhà cửa ruộng vườn để
lên Hà Nội kêu oan cho anh Chưởng.
Vào tháng 6 vừa qua, Nguyễn Trọng Đoàn, em ruột của anh Chưởng,
người cũng bị án 2 năm tù giam với cáo buộc “che giấu tội phạm” cũng qua đời vì
ung thư xương.
Trong nhiều năm qua, có nhiều trường hợp nghi phạm bị kết
tội tử hình hoặc chung thân như Hàn Đức Long ở Bắc Giang và Huỳnh Văn Nén ở
Bình Thuận trong những vụ án giết người. Họ đều bị tra tấn ép cung buộc phải
nhận tội. Sau khi bị kết án và bị giam giữ nhiều năm chờ thi hành án, họ được
minh oan khi thủ phạm chính tự thú tội hoặc bị tìm ra.
Vào 10 năm trước khi Nguyễn Văn Chưởng mới bị kết án, một số báo chí lề đảng có bài đưa tin về vụ án này và đặt câu hỏi về khả năng bị oan sai. Tuy nhiên trong mấy ngày qua, giới báo chí lề đảng hoàn toàn im lặng về việc hành quyết tử tù này.
2/ NHÀ ĐẤU TRANH HOÀNG VĂN VƯƠNG BỊ ÂM THẦM TUYÊN ÁN 5 NĂM TÙ
Trong một phán quyết đầy lặng lẽ, tòa án huyện Thống Nhất, tỉnh
Đồng Nai, đã kết án 5 năm tù đối với ông Hoàng Văn Vương với cáo buộc “lợi dụng
quyền tự do dân chủ” trong một phiên xử vào tháng 4 vừa qua mà không hề có luật
sư bào chữa, cũng như gia đình hoàn toàn không được thông báo.
Ông Vương 45 tuổi, một nhà đấu tranh cho dân chủ, bị công
an huyện Thống Nhất bắt giữ vào ngày 3 tháng Giêng. Một ngày sau, công an gửi thông
báo cho gia đình về việc tạm giam đối với ông Vương. Theo thông báo này, công
an sẽ tạm giam ông Vương trong vòng 2 tháng nhưng không nêu rõ lý do.
Gia đình sau đó đến nơi tạm giam và được cho biết là ông
Vương đã bị kết án 5 năm tù với cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”. Ông
Vương nói với gia đình là sau phiên tòa sơ thẩm ông đã làm đơn kháng cáo nhưng
sau đó lại rút đơn.
Giới báo chí lề đảng không loan tin gì về việc bắt giữ và
kết án ông Vương kể từ đầu năm đến nay.
Ông Hoàng Văn Vương là người lên tiếng phê bình
trên mạng xã hội từ năm 2011. Ông đã từng bị bắt và bị đánh đập vì tham gia cuộc
biểu tình ôn hòa phản đối Trung Cộng. Một số nhà hoạt động cho biết, ông Vương
thường xuyên trợ giúp gia đình một số tù nhân lương tâm như ông Đinh Văn Hải và
bà Hoàng Thị Thu Vang cho dù điều kiện kinh tế của gia đình ông còn khó khăn.
Trong năm 2018, ông nhiều lần bị công an huyện Thống Nhất triệu tập lên đồn vì lên tiếng về xả thải của công ty Sonadezi ở thành phố Biên Hòa.
3/ QUỐC VƯƠNG CAMPUCHIA BỔ NHIỆM ÔNG HUN MANET LÀM THỦ TƯỚNG
Theo đề nghị của Thủ tướng Hun Sen, vào hôm qua 7/8 Quốc
vương Norodom Sihamoni chính thức bổ nhiệm đại tướng Hun Manet 45 tuổi vào
vị trí thủ tướng, chấm dứt đế chế kéo dài gần 4 thập niên qua dưới thời ông Hun
Sen.
Sau khi được bổ nhiệm làm thủ tướng, ông Hun Manet sẽ phải
thành lập nội các mới và theo dự trù, quốc hội Campuchia sẽ bỏ phiếu tín nhiệm
chính phủ mới. Tuy nhiên đây chỉ là một thủ tục bởi vì quốc hội mới chỉ gồm
thành viên của đảng Nhân dân Campuchia của ông Hun Sen.
Đại tướng Hun Manet, con trai cả của ông Hun Sen, từng theo
học ở Anh và trường Võ bị West Point của Mỹ. Ông Hun Manet được bổ nhiệm làm tư
lệnh lục quân Campuchia từ năm 2018.
Cần biết là chỉ vài ngày sau chiến thắng của đảng cầm quyền tại kỳ bầu cử quốc hội vừa qua, ông Hun Sen đã thông báo từ nhiệm chức thủ tướng, chuyển giao quyền lực cho con trai cả. Riêng ông sẽ giữ chức chủ tịch thượng viện Campuchia, tức nhân vật quyền lực thứ nhì, chỉ sau Quốc vương Norodom Sihamoni.
4/ NIGER ĐÓNG CỬA KHÔNG PHẬN, KHÔNG PHỤC CHỨC CHO TỔNG THỐNG
Giới tướng tá Niger đã đóng cửa không phận vào hôm Chủ nhật
6/8 cho đến khi có thông báo mới, viện dẫn mối đe dọa can thiệp quân sự từ khối
khu vực Tây Phi, đồng thời cương quyết không
phục chức cho tổng thống bị lật đổ của nước này.
Trước đó, hàng ngàn người ủng hộ tập đoàn quân sự đã đổ xô
đến một sân vận động ở thủ đô Niamey, cổ vũ cho quyết định không khuất phục
trước áp lực bên ngoài, yêu cầu tập đoàn quân sự phải từ chức vào hạn chót là ngày
Chủ nhật.
Đây là cuộc đảo chính thứ 7 ở Tây và Trung Phi trong vòng
ba năm qua, làm rung chuyển khu vực Sahel, một trong những vùng nghèo nhất thế
giới. Với sự giàu có về lượng uranium và dầu mỏ cũng như vai trò then chốt
trong cuộc chiến với các chiến binh Hồi giáo, đất nước Niger có tầm quan trọng
đối với Hoa Kỳ, Âu châu, Trung Cộng và Nga.
Giới lãnh đạo các nước Tây Phi đã đồng ý về một kế hoạch
hành động quân sự, bao gồm thời điểm và địa điểm tấn công nếu tổng thống bị
giam giữ của Niger, ông Mohamed Bazoum, không được trả tự do và phục chức trước
thời hạn.
Một đại diện tướng lãnh Niger cho biết là trước mối đe dọa
can thiệp ngày càng rõ ràng của các nước Tây Phi, không phận Niger sẽ bị đóng
cửa kể từ hôm nay. Người này cho biết đã có một cuộc triển khai trước các lực
lượng ở hai quốc gia Trung Phi để chuẩn bị cho một cuộc can thiệp nhưng không
đưa ra chi tiết.
Niger vào tuần trước đã hủy bỏ các thỏa thuận hợp tác quân sự với Pháp, quốc gia đang có khoảng một ngàn binh sĩ tại nước này. Bất kỳ sự can thiệp quân sự nào cũng có thể trở nên phức tạp hơn bởi vì lời hứa từ các chính quyền quân sự ở nước láng giềng Mali và Burkina Faso là sẽ đến bảo vệ Niger nếu cần.
No comments:
Post a Comment