Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Hoàng Ân & Miên Dương trình bày sau đây.
1/ TỔ CHỨC GIÁM SÁT NHÂN QUYỀN CÁO BUỘC VN NGOAN CỐ
Trong cáo buộc mới nhất, tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW) cho rằng VN
luôn ngoan cố khi phản bác các cáo buộc
vi phạm nhân quyền, đồng thời luôn hạn chế sự tiếp cận của giới quan sát viên
quốc tế đến khu vực Tây nguyên.
Ông Phil Robertson, phó giám đốc chi nhánh Á châu của tổ
chức nói trên, đưa ra nhận xét trên sau khi bạo quyền Việt Nam công bố văn thư
gửi đến báo cáo viên của Liên Hiệp quốc về vấn đề đàn áp các cộng đồng tôn giáo
của người Thượng ở Tây nguyên.
Ông Phil Robertson cho biết trong thông cáo đưa ra vào hôm
qua 9/8 là có những vi phạm nghiêm trọng trong vấn đề quyền tự do tôn giáo ở
Tây nguyên, nhưng bạo quyền VN vẫn tiếp tục phủ nhận.
Theo ông Robertson thì biểu hiện rõ ràng nhất về đàn áp tự
do tôn giáo ở khu vực Tây Nguyên và một số nơi khác ở Việt Nam là việc bạo
quyền ở các địa phương đó rất tích cực theo dõi, quấy rối, thẩm vấn và bắt giữ
tín đồ của nhiều nhóm tôn giáo, chỉ vì họ kỷ niệm “Ngày Quốc tế Tưởng niệm Nạn
nhân bị Bạo hành vì Tôn giáo hay Niềm tin”,
vốn được Đại hội đồng LHQ thông qua năm 2019.
Cần biết là trong thư gửi cho bạo quyền VN, các báo cáo
viên LHQ nhắc đến việc đàn áp đối với ba ông Y Cung Niê, Y Thịnh Niê và Y Don
Niê thuộc cộng đồng người Thượng ở xã Cư Suê, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk, vào
cuối tháng 5 năm ngoái.
Trong thư phản hồi, phía VN cho rằng ở quốc gia này không có khái niệm người bản địa, cũng không có khái niệm người Thượng trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam và càng không có ai bị bắt giữ tùy tiện vì lý do theo tín ngưỡng tôn giáo. Họ biện hộ là các ông Y Cung Niê, Y Thịnh Niê và Y Don Niê là thành viên tổ chức FULRO, một tổ chức bất hợp pháp bị nhà nước tìm cách tiêu diệt.
2/ VN ÁP THUẾ CHỐNG PHÁ GIÁ ĐỐI
VỚI MÍA ĐƯỜNG THÁI LAN
Vào đầu tuần này, bộ công thương VN ra quyết định áp thuế chống phá giá
đối với một số công ty Thái Lan xuất cảng mía đường sang VN.
Quyết định này được đưa ra sau khi bộ công thương tiến hành
rà soát lần thứ nhất việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp
đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.
Mức thuế chống bán phá giá thấp nhất được đưa ra trong
quyết định này là hơn 25% và cao nhất là 32%. Riêng mức thuế chống trợ cấp cao
nhất là gần 5%.
Cần biết là vào tháng 6 năm 2021, bộ công thương đã chính
thức áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với đường mía có xuất xứ từ Thái
Lan. Mức thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm này là gần 48%.
Kết luận cuối cùng của phía VN đã xác định là có tồn tại
hành vi bán phá giá khiến ngành sản xuất trong nước đang chịu thiệt hại đáng kể.
Theo báo chí lề đảng, việc Việt Nam áp thuế chống bán phá giá lên đường nhập cảng
từ Thái Lan là cần thiết vì ngành mía đường trong nước hoàn toàn không cạnh
tranh được với đường ngoại, hàng loạt công ty phải rời bỏ thị trường.
Trước khi VN ra quyết định nói trên, sản lượng mía đường trong nước của năm 2021 chỉ khoảng 550 ngàn tấn, mức thấp kỷ lục trong nhiều năm qua. Trong khi đó nhu cầu tiêu thụ đường trong nước hàng năm là gần 2 triệu tấn, dẫn đến việc nhập cảng đường quá nhiều từ Thái Lan.
3/ CHỦ TỊCH THƯỢNG
VIỆN PHI ĐỀ NGHỊ TẨY CHAY HÀNG HÓA TRUNG QUỐC
Chủ tịch thượng viện Philippines vào ngày 8/8 đề nghị tẩy
chay tất cả hàng hóa của Trung Quốc như là dấu hiệu phản đối hành vi hung hăng
của Trung Cộng trong vùng Biển Đông.
Trong phát biểu của mình, chủ tịch thượng viện Juan Miguel
Zubiri cho rằng nước Phi nên bắt đầu tìm kiếm những đối tác thương mại khác,
thay vì lệ thuộc vào Trung Quốc. Theo đó nước Phi nên mở lại những thỏa thuận
mậu dịch với các nước như Hoa Kỳ, Âu châu, Úc và Tân Tây Lan.
Lời kêu gọi tẩy chay nói trên được đưa ra nhằm đáp trả vụ
tấn công bằng vòi rồng của hải cảnh Trung Quốc nhắm vào tàu Phi tiếp tế cho các
binh sĩ trên một chiến hạm cũ tại Bãi Cỏ Mây.
Trong khi đó vào hôm qua 9/8, Tổng thống Phi Ferdinand
Marcos bác bỏ việc có thỏa thuận với Trung Quốc cho dời chiến hạm cũ mà quân
đội Phi dùng làm tiền đồn quân sự ở Biển Đông. Ông Marcos tuyên bố là không hề
hay biết gì về sự dàn xếp cho việc đó và nếu có thì sẽ hủy bỏ ngay lập tức. Ông
cho biết đó chỉ là sự tưởng tượng của phía Trung Quốc mà thôi.
Cần biết là vào ngày 7/8, Trung Quốc cáo buộc nước Phi
không giữ lời hứa là di chuyển chiến hạm mà vào năm 1999 Manila đặt làm tiền
đồn quân sự để tuyên bố chủ quyền của nước này tại vùng biển tranh chấp.
Vụ đối đầu mới nhất giữa Trung Quốc và Philippines xảy ra tại Bãi Cỏ Mây là vào ngày 5/8 vừa qua, với Manila cáo buộc tàu hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng ngăn chặn tàu tiếp tế cho binh sĩ trên chiến hạm Sierra Madre.
4/ HOA KỲ HẠN CHẾ ĐẦU TƯ VÀO KỸ THUẬT CAO Ở TRUNG QUỐC
Vào hôm qua 9/8, tòa Bạch Ốc công bố kế hoạch chi tiết về
việc hạn chế các công ty Hoa Kỳ đầu tư vào các lãnh vực kỹ thuật “nhạy cảm” tại
Trung Quốc, đe dọa đến nền an ninh của Hoa Kỳ
Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ công bố một sắc lệnh hạn chế đầu
tư của Hoa Kỳ vào lãnh vực công nghệ nhạy cảm này tại Hoa Lục. Sắc lệnh nhắm
đến các đầu tư góp vốn vào các công ty ở Trung Quốc trong các lãnh vực như chất
bán dẫn, điện toán lượng tử và trí tuệ nhân tạo.
Tất cả các khoản đầu tư được nêu ra trong sắc lệnh phải
được thông báo cho chính phủ Hoa Kỳ. Một số giao dịch có thể sẽ bị cấm.
Kế hoạch này của tòa Bạch Ốc nhằm ngăn chặn nguồn vốn và kỹ
thuật của Hoa Kỳ sẽ giúp hỗ trợ Trung Quốc phát triển các loại kỹ thuật cao,
hiện đại hóa quân đội và đe dọa đến an ninh của nước Mỹ.
Tuy nhiên sắc lệnh sẽ không có hiệu lực ngay lập tức, mà
cần phải trải qua quá trình tham vấn để đánh giá các phản hồi từ phía các công
ty trong ngành.
Trong khi đó tại Trung Quốc, lần đầu tiên kể từ hai năm
qua, kinh tế nước này rơi vào tình trạng thoái “thoái lạm”, tức là giá hàng hóa
và dịch vụ giảm. Tình trạng này có thể là tích cực đối với người tiêu dùng,
nhưng “thoái lạm” lại là một mối đe dọa đối với nền kinh tế.
Thay vì chi tiêu, người tiêu dùng đình hoãn mua sắm vì chờ giảm giá. Do thiếu nhu cầu, các doanh nghiệp buộc phải giảm giá để tránh tồn kho.
5/ MỘT QUỐC GIA GIẤU TÊN MUA 50 XE TĂNG BỈ ĐỂ TẶNG CHO UKRAINE
Chính phủ Ukraine sẽ nhận khoảng 50 chiếc xe
tăng Bỉ, loại Leopard 1, từ một quốc gia hảo tâm nhưng ẩn danh.
Vụ mua bán này được tập đoàn công nghiệp Đức
Rheinmettal xác nhận vào ngày 8/8 vừa qua, với hợp đồng mua lại hàng chục xe tăng
Leopard 1 từ công ty Bỉ Land Systems để tu sửa và lắp đặt các thiết bị hiện
đại, sau đó gửi cho Ukraine.
Nhiều cơ quan truyền thông Bỉ trước đó loan tin là “một nước không rõ danh
tính” đã mua số xe tăng cũ này. Cách nay 10 năm, do cắt giảm ngân
sách, quân đội Bỉ đã bán số xe tăng này cho công ty Land Systems.
Với hợp đồng này, tập đoàn Rheinmettall được ủy quyền giao
dịch, chịu trách nhiệm tu sửa để giao cho Ukraine từ 30 đến 50 chiếc. Thời gian
tu sửa có thể lên đến 6 tháng. Việc vận chuyển đến Ukraine cũng cần thời gian
tương tự.
Do nhu cầu hỗ trợ Ukraine, giá xe tăng đã tăng mạnh kể từ
đầu cuộc chiến, có thể lên tới 500 ngàn Âu kim mỗi xe.
Cần nhắc lại là vào đầu năm 2023, chính phủ Bỉ muốn mua lại số xe tăng này để tặng cho Ukraine nhưng không thành công vì mức giá quá “vô lý”.
No comments:
Post a Comment