Mở đầu chương trình, Vân Hà & Nguyên Khải mời quý thính giả theo dõi chi tiết các tin hôm nay.
1/ VN LO NGẠI KHI BIẾN THỂ VŨ HÁN LAN RỘNG Ở ANH – MỸ
Nhà cầm quyền VN đang theo dõi một làn sóng biến thể mới của dịch Vũ Hán
đang lan rộng ở hai nước Anh và Mỹ.
Ông Trần Đắc Phu, cục trưởng y tế dự phòng thuộc bộ y tế,
cho biết như trên sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố biến thể mới là
EG.5, đang lan rộng ở Mỹ và Anh.
Ông Phu cho rằng mặc dù WHO chưa có cảnh báo cụ thể đối với
các nước về độc tính, khả năng lây lan của biến thể mới này, nhưng Việt Nam cần
tiếp tục theo dõi sát các thông tin về tính lây lan và độc lực của các biến
thể.
Bên cạnh đó, vẫn theo ông Phu, người dân cần tiếp tục thực
hiện các biện pháp dự phòng như đeo khẩu trang ở khu vực nguy cơ, khi tiếp xúc
với người có triệu chứng nghi ngờ, khử khuẩn tay thường xuyên và tiêm vắc xin
phòng bệnh.
Theo báo cáo của bộ y tế VN, từ đầu tháng 8 đến nay số ca nhiễm
dịch Vũ Hán chỉ khoảng vài chục ca mỗi ngày. Từ ngày 20/7 đến nay không có mũi
vắc xin tiêm phòng nào được tiêm chích. Trước đó vào ngày 19/7, tổng số liều
vắc xin tiêm cho người dân Việt là hơn 266 triệu liều.
Cần biết là vào ngày 9/8, đại diện WHO cho biết biến thể EG.5
xuất hiện tại Mỹ và Trung Quốc là biến thể “cần quan tâm”. Tuy nhiên, tổ chức
này cũng cho rằng biến thể mới này không gây ra mối quan ngại cho sức khỏe cộng
đồng hơn các biến thể khác trước đây.
EG.5 đang lây lan nhanh tại Mỹ, là nguyên nhân khiến số ca nhiễm Vũ Hán tại nước này gia tăng, chiếm 17% trong tổng số ca. Biến thể mới này cũng đang lan nhanh tại Trung Quốc, Nam Hàn, Nhật Bản, Canada và một số quốc gia khác.
2/ ĐỢT THIẾU ĐIỆN TẠI
VN TRONG 2 THÁNG GÂY MẤT MÁT GẦN 1 TỶ RƯỞI MỸ KIM
Đợt thiếu điện nghiêm trọng suốt hai tháng 5 và 6 vừa qua
tại VN đã gây thiệt hại gần 1 tỷ rưởi Mỹ kim do nắng nóng và hạn hán.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) công bố số liệu vừa nêu
trong báo cáo ra ngày 10/8, với mức thiệt hại 1.4 tỷ Mỹ kim tương đương 0.3% tổng
sản lượng nội địa VN.
Theo định chế tài chánh nói trên, đợt thiếu điện tác động
tệ hại đến nhiều nhà máy ở miền bắc Việt Nam, trong số đó chỉ có một số được
thông báo ít ỏi hay không có cảnh báo gì trước về việc cắt điện. Tại khu vực
này có nhiều nhà máy lớn thuộc chuỗi cung ứng toàn cầu như Samsung và Foxconn
bị thiệt hại đến 10%.
Ngân hàng Thế giới cho biết mức thiếu hụt điện so với nhu
cầu xử dụng điện ở mức đỉnh điểm của các nhà máy tại phía bắc lên đến gần 2 tỷ
Kw. Thủy điện hiện cung ứng đến phân nửa nhu cầu điện tại Việt Nam, trong khi
đó nhu cầu gia tăng hằng năm hơn 8%. Thế nhưng nắng nóng, khô hạn kỷ lục kể từ
đầu tháng 5 làm nhiều sông ngòi, hồ chứa của các nhà máy thủy điện thiếu nước
để chạy máy.
VN đặt mục tiêu được cho là tham vọng đến năm 2050 không
còn nhiệt điện chạy than và giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng mỗi năm xuống 2%
cho đến năm 2025.
Ngân hàng Thế giới trong báo cáo đã thúc giục Việt Nam phải có hành động ngay để giảm thiểu những nguy cơ về an ninh năng lượng và thiệt hại kinh tế trong tương lai liên quan đến tình trạng năng lượng điện.
3/ TRUNG CỘNG SẼ ĐÁP TRẢ CÁC VỤ
QUÁ CẢNH TẠI MỸ CỦA ĐÀI LOAN
Phó tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức
trên đường đến Paraguay vào hôm qua 13/8 đã dừng chân ở Mỹ khiến Trung Cộng lập
tức đe dọa sẽ có biện pháp trả đũa, khi cho rằng hành động này của Mỹ và Đài Loan là vi phạm nguyên tắc “một
nước Trung Hoa duy nhất”.
Trong thông cáo đe dọa, phát ngôn nhân bộ ngoại giao Trung Cộng
nhấn mạnh là nước này phản đối mạnh mẽ mọi hình
thức tiếp xúc chính thức giữa Hoa Kỳ và Đài Loan, đồng thời kiên quyết phản đối
việc những người đấu tranh cho độc lập của Đài Loan có thể đặt chân đến Mỹ.
Thông cáo nhấn mạnh là Trung Cộng sẽ theo dõi chặt chẽ
chuyến viếng thăm của ông Lại Thanh Đức và sẽ có những biện pháp cứng rắn, quyết liệt để bảo
vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Trung Cộng đã có phản ứng gay gắt sau khi phủ tổng thống
Đài Loan cho đăng cuốn video quay cảnh ông Lại Thanh Đức đã đến một khách sạn ở
New York. Trên mạng xã hội, nhà lãnh đạo Đài Loan còn cho biết đã được nhiều
đại diện của Viện Mỹ ở Đài Loan, một hình thức tòa đại sứ Mỹ ở Đài Bắc, đón
tiếp.
Trung Cộng xem đây là một sự thông đồng giữa Washington và
Đài Bắc, cho
phép ông Lại Thanh Đức thực hiện những hoạt động chính trị tại Mỹ với lý do quá
cảnh. Trung Cộng mạnh mẽ bày tỏ sự bất mãn trước chuyến thăm của
người mà Trung Cộng gọi là “kẻ gây rối”.
Trong thông báo, bộ ngoại giao Trung Cộng còn cho rằng những nỗ lực dựa vào Mỹ để tìm kiếm độc lập của Đài Loan và thái độ khăng khăng của Mỹ dùng Đài Loan để kiềm chế Trung Cộng là “nguyên nhân đầu tiên dẫn đến căng thẳng tại eo biển Đài Loan”.
4/ MỸ - NHẬT SẮP SẢN XUẤT PHI ĐẠN
ĐÁNH CHẶN PHI ĐẠN SIÊU THANH
Hai nước Nhật và Mỹ sẽ đồng ý trong tuần này để cùng nhau
phát triển một phi đạn đánh chặn các phi
đạn siêu thanh của Trung Cộng, Nga và Bắc Hàn, theo bản tin của tờ báo Yomiuri vào
hôm qua 13/8.
Thỏa thuận về các phi đạn đánh chặn nhằm vào các phi đạn siêu
thanh nhằm tránh các hệ thống phòng thủ phi đạn hiện có, được kỳ vọng sẽ đạt
được khi Tổng thống Joe Biden gặp Thủ tướng Nhật Fumio Kishida tại Hoa Kỳ vào ngày
18/8, theo tờ báo cho biết, mà không đưa ra bất kỳ nguồn tin nào.
Không giống như các phi đạn thông thường vốn bay theo quỹ
đạo có thể dự đoán được khi bay đến mục tiêu, các phi đạn siêu thanh có thể
thay đổi hướng đi khiến chúng khó bị nhắm đến.
Tờ Yomiuri loan tin là hai ông Biden và ông Kishida sẽ gặp
nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh ba bên với Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk Yeol
tại nơi nghỉ dưỡng của tổng thống Mỹ ở Trại David thuộc tiểu bang Maryland.
Một thỏa thuận sẽ là sự hợp tác thứ hai trong kỹ thuật phòng thủ phi đạn.Washington và Tokyo từng đã phát triển một phi đạn có tầm xa hơn để tấn công các phi đạn trong không gian. Nhật Bản đang triển khai phi đạn này trên các chiến hạm ở vùng biển giữa Nhật Bản và bán đảo Bắc Hàn để đề phòng các cuộc tấn công của Bắc Hàn.
No comments:
Post a Comment