Thursday, August 17, 2023

THẦY GIÁO LÊ TRỌNG HÙNG - NGƯỜI TỰ GIỄU MÌNH “GÀN”

Chân dung tù nhân

Thưa quý thính giả, ngày 31/12, ngày cuối cùng của năm 2021, tòa án cộng sản đã đưa thầy giáo Lê Trọng Hùng ra xét xử và kết án 05 năm tù giam, 05 năm quản chế với tội danh mơ hồ “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, theo điều 117 trong BLHS hiện hành. Ông Lê Trọng Hùng, tự Hùng “gàn” là người cuối cùng bị đưa ra tòa sau khi các nhà đối kháng khác lần lượt bị kết án trong tháng 12/2021 như Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư, Cấn Thị Thêu, Nguyễn Thị Tâm, Phạm Đoan Trang và Đỗ Nam Trung.

Vậy ông Lê Trọng Hùng là ai, vì sao ông tự nhận mình là “gàn”?  Mời quý thính giả cùng chúng tôi tìm hiểu đôi nét về nhà giáo yêu nước này qua giọng đọc Bảo Trân.

THẦY GIÁO LÊ TRỌNG HÙNG - NGƯỜI TỰ GIỄU MÌNH “GÀN”

Ngày 31/12, tức là ngày cuối cùng của năm 2021, tòa án cộng sản đã đưa thầy giáo Lê Trọng Hùng ra xét xử và kết án 05 năm tù giam, 05 năm quản chế với tội danh mơ hồ “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, tức điều 117 trong BLHS hiện hành. Ông Lê Trọng Hùng, tức Hùng “gàn” là người cuối cùng bị đưa ra tòa sau khi các nhà đối kháng khác lần lượt bị kết án trong tháng 12/2021 như Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư, Cấn Thị Thêu, Nguyễn Thị Tâm, Phạm Đoan Trang và Đỗ Nam Trung.

Vậy ông Lê Trọng Hùng là ai, vì sao ông tự nhận mình là “gàn”?  Mời quý thính giả cùng chúng tôi tìm hiểu đôi nét về nhà giáo yêu nước này.

Ông Lê Trọng Hùng, sinh ngày 18/03/1979, tại tỉnh Yên Bái. Ông xuất thân là một giáo viên dạy sinh, hóa tại Lào Cai. Sau đó, ông chuyển về Hà Nội và tiếp tục dạy học tại một ngôi trường cấp 2 cho đến ngày ông tự nghỉ việc vào năm 2015. Lê Trọng Hùng có vợ là bà Đỗ Lê Na, một người khiếm thị và là giáo viên dạy văn tại trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu. Trước khi ông Hùng bị bắt, vợ chồng ông cùng hai con nhỏ sống cuộc sống nghèo khó nhưng đầm ấm trong một căn nhà chật chội tại Hà Nội.

Năm 2015, tờ Công An Nhân Dân (cơ quan ngôn luận của ngành công an) số ra ngày Thứ Năm 29/10 đã có bài báo với tựa đề “Chuyện tình đẹp như cổ tích của cô giáo khiếm thị” để ca ngợi câu chuyện cảm động của Lê Trọng Hùng và Đỗ Lê Na. Cũng năm 2015, Lê Trọng Hùng quyết định nghỉ dạy sau khi lá đơn yêu cầu cải cách giáo dục, đòi hỏi những lợi ích cho học sinh của ông bị từ chối.

Năm 2017, Lê Trọng Hùng bắt đầu đưa tin với tư cách là một “nhà dân báo” trên Facebook và YouTube, bình luận về các vấn đề chính trị - xã hội và tư vấn cho dân oan cách kiến nghị, khiếu kiện lên các cơ quan có thẩm quyền của nhà nước. Xin nói thêm rằng, ông Hùng từng có thời gian học luật tại Hà Nội khi còn đang làm giáo viên.

Thầy giáo Hùng tự giễu mình là kẻ gàn dở. Ông đặt biệt danh cho mình là Hùng “gàn”. Mà ông gàn thật. Ông làm cái việc chẳng mấy người trong xã hội thích hoặc dám làm, tự bỏ tiền túi ra để mua hàng ngàn cuốn Hiến Pháp Việt Nam, tặng cho nhiều người và giảng giải cho họ về những điều quy định trong hiến pháp, pháp luật. Nói cho họ biết họ có quyền gì để mà đòi, để họ tự nhận ra giá trị của chính mình và dũng cảm đứng lên chống lại áp bức, bất công.

Lê Trọng Hùng là gương mặt quen thuộc góp mặt trong các chương trình livestream của Fanpage facebook CHVN (Chấn Hưng Việt Nam). Ông từng nhiều lần xuống đường biểu tình phản đối Trung cộng xâm lược, hoặc để bảo vệ môi trường. Song, điều khiến công luận ấn tượng nhất có lẽ là việc ông tự ghi danh ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa 15 tại thành phố Hà Nội. Hành động của ông đương nhiên gây khó chịu cho nhà cầm quyền. Nó không chỉ lột trần bộ mặt dân chủ giả hiệu với chiêu trò “đảng cử dân bầu”, mà còn tạo cảm hứng, khích lệ dân chúng mạnh dạn tham gia vào các công việc, lĩnh vực có tính quản lý nhà nước. Sau phiên tòa, truyền thông “lề đảng” cũng như các cơ quan tố tụng hình sự không đề cập đến hành vi ông tự ứng cử Đại biểu Quốc hội, nhưng công luận đều tin rằng lý do lớn nhất khiến ông bị bắt xuất phát từ chính nguyên nhân trên. Xin lưu ý, Lê Trọng Hùng bị bắt ngày 27/3/2021, chỉ ít ngày sau khi nộp đơn tự ứng cử, và chỉ 2 tháng trước khi cuộc bầu cử được tiến hành.

Việc ông yêu thương và kết hôn với một phụ nữ khiếm thị; ra khỏi ngành giáo dục vì thất bại trong việc đòi quyền lợi chính đáng cho học sinh; lên tiếng đấu tranh chống bất công xã hội…, đã đủ chứng minh Lê Trọng Hùng là người có cốt cách cao thượng, có khí phách hơn người. Trên tất cả, là tấm lòng bác ái, nhân hậu, tinh thần sẵn sàng hy sinh cho những điều cao đẹp của một con người luôn lấy yêu thương làm lẽ sống. Được biết, Lê Trọng Hùng từng nhiều lần hiến máu nhân đạo để cứu người. Nhiều người trong chúng ta hẳn sẽ cảm phục nếu biết rằng, trước khi bị bắt, Lê Trọng Hùng đã kịp ghi danh và có Thẻ đăng ký hiến mô, tạng cho “Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia”. Đây không chỉ là một nghĩa cử cao đẹp, mà còn thể hiện suy nghĩ rất tiến bộ trong bối cảnh xã hội Việt Nam còn tồn tại nhiều quan điểm lạc hậu về sự chết, về các hủ tục trong đời sống tâm linh.

********** **************

Giống như những vụ án chính trị khác, không một ai trong số người thân, bè bạn của Lê Trọng Hùng được vào quan sát phiên tòa, kể cả bà Đỗ Lê Na, vợ ông. Phiên xử diễn ra chóng vánh, chỉ hơn hai giờ đồng hồ với bản án 05 năm tù giam, 05 năm quản chế. Cả luật sư lẫn ông Hùng đều bị hạn chế tối đa quyền bào chữa và quyền “tự bào chữa”. Báo chí quốc doanh tường thuật lại rằng, nhà giáo Lê Trọng Hùng đã thừa nhận mọi hành vi nhưng khẳng định mình vô tội.

Viết về Lê Trọng Hùng, không thể không nhắc đến hoàn cảnh đặc biệt, nhất là những hậu quả mà gia đình ông phải gánh chịu. Trong một lần trò chuyện với phóng viên của chúng tôi, bà Đỗ Lê Na thổ lộ rằng, vì bản thân là người khiếm thị nên mọi việc đều trông cậy cả vào chồng. Từ khi chồng bị bắt, bà bị mất đi “đôi mắt thứ hai”. Mọi việc từ mua sắm, đi chợ, đưa con nhỏ đi học… đều phải thuê người ngoài. Thậm chí, bà Na phải thuê người chở mình đi làm mỗi ngày. Đâu chỉ lo cho cuộc sống của ba mẹ con, đâu chỉ mất thêm các chi phí đi lại, chợ búa, công kia việc nọ, còn phải lo chuyện tiếp tế, thăm nuôi chồng ở tù nữa chứ. Tất cả đều trông chờ vào đồng lương giáo viên ít ỏi từ người phụ nữ khiếm thị, yếu ớt này. Đấy là chưa kể những khoảng trống, những tổn thương ghê gớm về tình cảm, đời sống tinh thần mà ba mẹ con phải gánh chịu. Khi ông Hùng bị bắt, đứa con trai lớn mới 10 tuổi, con trai nhỏ mới lên ba. Bà Na tâm sự, con trai lớn của bà vốn là một đứa trẻ hướng ngoại, vui vẻ, năng động và thích khám phá. Nhưng từ khi bố bị bắt, cháu bé trở nên khép kín, ngại giao tiếp với mọi người, kể cả với mẹ và em trai. Thằng bé thường xuyên nhốt mình trong phòng riêng, đọc sách hoặc suy nghĩ vẩn vơ. Có lần, nó tự trách mình nếu hôm ấy không đòi bố đưa đi chơi thì bố đã không bị bắt.

Ông Hùng vắng nhà đúng thời điểm con trai thứ hai đang ở giai đoạn mà sự phát triển, nhận thức chủ yếu dựa vào màu sắc và hình ảnh. Vì là người khiếm thị, nên dù bà Na có cố gắng hết sức cũng không thể bù đắp cho con. Ngoài việc đi học ở trường, trẻ nhỏ cần được ra ngoài chơi, giao tiếp với mọi người và khám phá thế giới xung quanh để hoàn thiện kỹ năng sống, nhưng vì bố đi tù, mẹ khiếm thị nên hai đứa trẻ chỉ có thể quanh quẩn trong nhà. Đấy là một thiệt thòi vô cùng lớn và là một bản án khắc nghiệt mà nhà cầm quyền áp đặt cho mẹ con bà Na sau khi đã tuyên án 05 năm tù giam, 05 năm “tù nhà” cho ông Hùng. Sự ghẻ lạnh, cô lập, cả những lời đồn đại sai sự thật từ bạn bè, người quen, láng giềng cũng là một gánh nặng tâm lý không nhỏ cho gia đình bà Na. Chưa kể những khó khăn phát sinh trong công việc dạy học sau khi chồng bị bắt, hay bị canh gác, bị xâm phạm quyền tự do đi lại, bị tấn công trên mạng xã hội v.v…mà bà Na thường xuyên phải đối mặt.

Nhà giáo Lê Trọng Hùng hiện đang bị giam giữ tại Trại 6, Thanh Chương, Nghệ An, một trong những nơi khắc nghiệt nhất cả về chính sách lẫn khí hậu thuộc hệ thống nhà tù cộng sản Việt Nam. Phác thảo chân dung TNLT Lê Trọng Hùng qua mấy điều ngắn ngủi ấy thôi, cũng đủ để người đời ngưỡng mộ, nể trọng. Đất nước này, thời đại này mấy người dám hoặc có được cái “GÀN” như ông? Đấy là cái “GÀN” dời non lấp bể, cái “GÀN” xoay chuyển càn khôn.

 

No comments:

Post a Comment