Wednesday, August 23, 2023

Tin Tức: Thứ Tư 23.08.2023

Tin Tức

Mở đầu chương trình mời quý vị theo dõi phần Tin Tức với Phụng Hoàng & Trường An.

1/ NGƯỜI KHMER KROM BIỂU TÌNH TRƯỚC TÒA ĐẠI SỨ VN Ở WASHINGTON

Khoảng hơn 100 người Khmer Krom đã mở cuộc biểu tình trước tòa đại sứ VN tại Washington DC vào chiều ngày 21/8 nhằm phản đối sự đàn áp của bạo quyền VN và đòi trả tự do cho những tù nhân lương tâm người Khmer Krom.

Người Khmer Krom là một bộ phận của dân tộc Khmer sinh sống chủ yếu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam và vẫn duy trì nét văn hóa cũng như tôn giáo đặc trưng của dân tộc Khmer.

Những người biểu tình mang theo các khẩu hiệu yêu cầu nhà cầm quyền cs Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền và trả tự do cho bốn người Khmer Krom đang bị giam giữ là Tô Hoàng Chương, Đinh Thị Huỳnh, Danh Minh Quang và Thạch Chương.

Ba ông Danh Minh Quang, Thạch Cương và Tô Hoàng Chương vào ngày 31/7 bị công an hai tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh bắt giam với cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ để chống phá nhà nước CSVN”. Bà Đinh Thị Huỳnh 43 tuổi, ngụ tại tỉnh Sóc Trăng, bị công an huyện Mỹ Xuyên bắt tạm giam vào ngày 3/8 vừa qua với cáo buộc hành vi “không chấp hành án” liên quan đến một vụ tranh chất đất đai tại địa phương.

Những người Khmer Krom tham gia biểu tình trước tòa đại sứ Việt Nam phát biểu cả bằng tiếng Anh và tiếng Khmer, nội dung phản đối các hành động đe dọa và đàn áp đối với những người Khmer Krom bị bắt giữ, đòi hỏi nhà cầm quyền Việt Nam phải tôn trọng các quyền của người bản địa, tôn trọng nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam về nhân quyền.

2/ NAM HÀN VÀ  TRUNG QUỐC ĐỔ XÔ ĐẾN VN ĐỂ KHAI THÁC ĐẤT HIẾM

Các công ty Nam Hàn và Trung Quốc, bao gồm cả những hãng sản xuất cho tập đoàn Apple, đang mở rộng các nhà máy tại VN để tận dụng nguồn đất hiếm tại VN trong bối cảnh cuộc thương chiến Mỹ - Hoa.

Tập đoàn Nam Hàn SGI và công ty Trung Quốc Baotou Magnetic sẽ cùng một số các công ty  trong các lãnh vực điện tử, xe hơi chuyển dịch dây chuyền sản xuất của họ để tránh những hạn chế về thương mại đang gia tăng.

Trung Quốc hiện là quốc gia đứng đầu thế giới về nguồn nam châm và đất hiếm. Nam châm được xử dụng nhiều trong các sản phẩm điện tử, turbine điện gió, vũ khí, điện thoại di động vốn là các ngành công nghiệp chiến lược quan trọng.

VN được xem là nước có lượng đất hiếm lớn thứ nhì thế giới nhưng chưa được khai thác. Theo dữ liệu của bộ năng lượng Mỹ, VN chỉ sản xuất được 1% lượng nam châm trên thế giới, trong khi con số này của Trung Quốc là 92%.

Dự án SGI tại Việt Nam đặt ra mục tiêu đạt sản lượng 5 ngàn tấn nam châm đất hiếm loại cao cấp mỗi năm vào năm 2025, đủ để sản xuất 2 triệu chiếc xe hơi điện. Nhà máy SGI khi đạt công suất cao nhất có thể được gần 3% sản lượng toàn cầu vào năm 2022.

Giới chức Hoa Kỳ cũng cho thấy tín hiệu là Mỹ đang quan tâm đến tiềm năng đất hiếm của Việt Nam. Nam Hàn vào tháng 6 vừa qua cũng đã ký một thỏa thuận quan trọng với Việt Nam để thúc đẩy việc khai thác đất hiếm nhằm cung ứng cho các ngành công nghiệp của Nam Hàn.

Các nhà sản xuất nam châm cũng bị hấp dẫn bởi thị trường Việt Nam do lao động giá rẻ và một loạt các thỏa thuận tự do thương mại mà Hà Nội ký kết với các nước.

3/ ÔNG HUN MANET ĐƯỢC PHÊ CHUẨN GHẾ THỦ TƯỚNG CAMPUCHIA

Đúng theo dự trù, tân quốc hội Campuchia vào hôm qua 22/8 đã bỏ phiếu chính thức phê chuẩn ông Hun Manet làm tân thủ tướng, thay thế người cha là ông Hun Sen đã liên tục cầm quyền tại đất nước này gần 4 thập niên qua.

Ông Hun Manet 45 tuổi đã có được sự ủng hộ áp đảo của quốc hội do đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền. Quốc hội mới được bầu lên vào tháng 7 vừa qua, trong cuộc bầu cử độc diễn và phi dân chủ vì không có một đảng đối lập nào tham gia.

Trong phát biểu của mình, ông Hun Manet tiếp tục khẳng định là cuộc bầu cử diễn ra một cách hoàn toàn tự do và công bằng, đồng thời cam kết thực hiện các chính sách của đảng Nhân dân Campuchia , bảo đảm hòa bình, tăng trưởng kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng tốt hơn và tăng lương cho công chức và công nhân ngành may mặc.

Ông Hun Manet cũng ca ngợi cha mình là cựu thủ tướng Hun Sen và thế hệ chính trị gia lớn tuổi đã chèo lái Campuchia từ những năm nội chiến tàn khốc sang một kỷ nguyên hòa bình, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân.

Tốt nghiệp học viện quân sự West Point nổi tiếng ở Hoa Kỳ, ông Hun Manet đã thăng tiến nhanh chóng trong quân đội Campuchia. Ông có bằng thạc sĩ kinh tế của đại học New York và tiến sĩ kinh tế của đại học Bristol, Anh quốc.

Tuy nhiên những tháng đầu cầm quyền của Thủ tướng Hun Manet sẽ được các cường quốc theo dõi kỹ lưỡng để xem là ông này sẽ tiếp cận tự do hơn và cải thiện mối quan hệ căng thẳng của Campuchia với phương Tây, hay là vẫn giữ nguyên hiện trạng là đất nước trong vòng ảnh hưởng của Trung Cộng.

4/ PHILIPPINES HOÀN THÀNH CUỘC TIẾP TẾ Ở BÃI CỎ MÂY

Philippines cho biết họ đã hoàn thành vụ tiếp tế cho chiếc tàu được xử dụng làm tiền đồn của họ ở Bãi Cỏ Mây, thuộc quần đảo Trường Sa, vào hôm 22/8.

Đây là chuyến tiếp tế hai tuần sau khi họ phải hủy bỏ một nỗ lực tương tự khi một tàu hải cảnh Trung Cộng phun vòi rồng vào các tàu của họ. Lực lượng đặc nhiệm của nước này trên Biển Đông cho biết trong một tuyên bố là nhiệm vụ tới Bãi Cỏ Mây đã được thực hiện bất chấp những nỗ lực quấy rối của hải cảnh Trung Cộng.

Tuy nhiên lực lượng hải cảnh Trung Cộng cho biết trong một tuyên bố là họ “đã dàn xếp tạm thời” để Manila cung cấp thực phẩm và nhu yếu phẩm vì lý do nhân đạo cho bãi cạn này.

Cần biết là một đơn vị binh sĩ Philippines sống trên chiếc tàu chiến Sierra Madre thời Thế chiến 2 mà quốc gia Đông Nam Á này cố tình cho neo đậu tại Bãi Cỏ Mây vào năm 1999, để củng cố chủ quyền của mình đối với bãi cạn này.

Vào hôm 5/8, một vụ tiếp tế của Phi đến tiền đồn này đã bị gián đoạn bởi các tàu hải cảnh Trung  Cộng. Các tàu Phillipines đã bị Trung Cộng phun vòi rồng, khiến Hoa Kỳ lên án là “các hành động nguy hiểm” của Bắc Kinh trong vùng biển tranh chấp.

Trung Cộng vào hôm 22/8 kiên quyết phản đối việc Philippines lợi dụng cơ hội tiếp tế cho quân đội để vận chuyển vật liệu xây dựng cho tiền đồn này.

No comments:

Post a Comment