Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Xuân Nhi & Bá Cơ trình bày sau đây.
1/ TNLT LÊ HỮU MINH TUẤN BỊ CAI TÙ ÉP CUNG
Gia đình tù nhân lương tâm Lê Hữu Minh Tuấn, một nhà báo độc lập đang thọ
án 11 năm tù, cho biết là sức khỏe ông đang suy kiệt với tình trạng ghẻ lở khắp
người tại trại tù Xuyên Mộc ở tỉnh Bà Rịa. Trong khi đó đám cai tù liên tục ép
ông nhận tội và không cho điều trị tại bệnh viện.
Bà Lê Thị Hoài Tâm, chị ông Minh Tuấn, cho biết tin trên
sau khi nhận được một bức thư mà ông lén gửi ra từ trại tù. Bà Tâm cho biết
tình trạng sức khỏe của người em đang khẩn cấp nhưng không được đưa đi bệnh
viện chẩn trị.
Bà Tâm cho biết phía trại giam ép ông Minh Tuấn phải “nhận
tội” nhưng ông phản đối. Đám cai tù luôn khẳng định với gia đình là ông Tuấn
rất cứng đầu, không chấp nhận kỷ luật, nhưng ông Tuấn cho biết là mình không
làm gì sai trái nên không nhận tội.
Cần biết ông Lê Hữu Minh Tuấn là một thành viên của hội Nhà báo Độc lập VN, một tổ chức dân sự không được nhà nước CSVN công nhận.
2/ HƠN 29 CÂY SỐ BỜ BIỂN CÀ MAU BỊ SẠT LỞ NẶNG NỀ
Nhà cầm quyền tỉnh Cà Mau vừa công bố tình
trạng khẩn cấp đối với việc sạt lở bờ biển dài hơn 29 cây số ở tỉnh này.
Tình trạng khẩn cấp về bờ biển được đưa ra
vào chiều hôm qua 24/8, với văn thư do chính chủ tịch tỉnh Cà Mau ký ban hành.
Theo công bố, trong thời gian qua nước biển đang gây sạt lở, làm nhiều đoạn của
dải rừng phòng hộ ngày càng mỏng dần, với một số vị trí sạt lở đã khoét sâu vào
bên trong đất liền.
Đặc biệt là trong mùa mưa bão, nước biển cộng
với sóng to gió lớn đã đánh mạnh lên 6 đoạn có chiều dài tổng cộng hơn 29 cây
số. Tại huyện Ngọc Hiển có hàng loạt điểm sạt lở nghiêm trọng, như đoạn cửa
biển Hốc Năng bị sạt lở dài 2 cây số rưởi, đoạn từ Kênh Năm đến kênh Chùm Gọng
dài hơn 4 cây số. Riêng đoạn từ Ô Rô đến Vàm Xoáy có chiều dài sạt lở hơn 7 cây
số và đoạn từ Kiến Vàng đến Ông Tà bị sạt lở hơn 6 cây số.
Ngoài ra ở các địa phương khác như huyện Đầm Dơi, đoạn cửa
biển tại ấp Lưu Hoa Thanh cũng sạt lở với tổng chiều dài 1 cây số. Tại huyện Năm
Căn, đoạn từ Hố Gùi đến Bồ Đề, sạt lở đặc biệt nguy hiểm với tổng chiều dài 8 cây
số.
Theo nhà cầm quyền tỉnh Cà Mau, diễn biến sạt lở đang ngày
càng gia tăng. Với tốc độ sạt lở như hiện nay, nếu không giải quyết kịp thời sẽ
có nguy cơ đe dọa đến các khu dân cư tập trung, các trường học và trụ sở.
Tính đến nay, tỉnh Cà Mau hiện có tổng cộng hơn 180 cây số bờ biển bị sạt lở, cùng với đó là 425 cây số bờ sông bị sạt lở. Toàn tỉnh đã có hơn 5 ngàn mẫu đất đai và rừng phòng hộ bị sạt lở cuốn trôi.
3/ ĐÁM CHÁY RỪNG DỮ DỘI ĐANG ĐE DỌA THỦ ĐÔ ATHENS CỦA HY LẠP
Cùng với nước Pháp, nhiều khu vực khác tại Âu châu cũng đang
vất vả với thời tiết nóng bức và khô hạn. Những ngày gần đây, Hy Lạp tiếp tục
phải đối phó với đợt cháy rừng lớn thứ nhì kể từ tháng 7. Tại Attique, cách thủ
đô Athens khoảng 30 cây số, lực lượng cứu hỏa đang nỗ lực dập lửa tại khu
vực chân núi Parnès.
Trong
những ngày qua, hơn 40 ngàn mẫu rừng đã cháy rụi ở Hy Lạp, đặc biệt là ở phía
bắc đất nước. Làn sóng cháy rừng thảm khốc thứ hai chỉ trong vòng hai tháng.
Kể từ hôm thứ Sáu 18/8 đến hôm thứ Tư 23/08, chính quyền Hy
Lạp thống kê được 355 vụ cháy, 209 vụ riêng trong 48 giờ qua.
Theo thông tấn xã Reuters, chính quyền Hy Lạp thông báo phát hiện được 18 thi thể chết cháy trong một khu vực rừng phía bắc đất nước. Các nạn nhân rất có thể là người nhập cư vượt biên vào Hy Lạp.
4/ UKRAINE PHÁ HỦY HỆ THỐNG PHÒNG
KHÔNG CỦA NGA Ở CRIMEA
Trong loan báo của mình, cơ quan tình báo quân đội Ukraine cho biết là đã
hủy diệt một hệ thống phòng không của Nga tại bán đảo Crimea vào sáng 23/8.
Nước Nga chưa chính thức lên tiếng về vụ này, nhưng một số trang mạng quân sự
của Nga đã xác nhận vụ tấn công này.
Theo loan báo nói trên, vụ tấn công xảy ra vào lúc 7 giờ
chiều gần làng Olevnika, phía tây bán đảo Crimea. Cơ quan tình báo này phổ biến
các hình ảnh cho thấy một vụ nổ lớn xảy ra tại căn cứ bị tấn công. Họ khẳng
định là giàn phóng, các hỏa tiễn và toàn bộ binh sĩ tại đây bị hủy diệt và đây
là một “đòn đau đớn đối với hệ thống phòng không của lực lượng chiếm đóng”.
Theo phía Ukraine, hệ thống phòng không Nga bị tấn công là
S-400 Triumf, một loại vũ khí biểu tượng cho sức mạnh quân sự Nga. Trong khi
đó, trang mạng quân sự Nga Telegram Rybar, với hơn 1 triệu người theo dõi,
khẳng định đây là một hệ thống phi đạn địa đối không S-300. Theo nguồn tin này,
cuộc tấn công xuất phát từ một chiến hạm Ukraine.
Trang Rybar đưa ra câu hỏi là làm sao mà chiến hạm Ukraine
có thể đến gần bán đảo Crimea như vậy. Voenny Osvedomitel, một trang mạng quân
sự Nga có ảnh hưởng khác, đã lên tiếng chỉ trích năng lực của hệ thống phòng
không Nga tại bán đảo Crimea, vốn được coi là vùng hậu phương quan trọng cho
các hoạt động quân sự của Nga tại các vùng đất chiếm đóng miền nam và đông nam
Ukraina.
Vụ tấn công diễn ra đúng vào ngày “Quốc kỳ Ukraine” 23/08,
và một ngày trước ngày độc lập của Ukraine 24/8.
Vào hôm qua, nhân ngày quốc khánh, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định quyết tâm giành lại toàn bộ các vùng lãnh thổ bị Nga chiếm đóng, bao gồm cả bán đảo Crimea.
No comments:
Post a Comment