Wednesday, August 30, 2023

Đồng tiền Nga chảy máu

Bình Luận

Nhà độc tài Putin đang làm đồng tiền Nga chảy máu và dân chúng lầm than vì tham vọng bá quyền xâm chiến Ukraine.  Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Ngô Nhân Dụng với tựa đề: “Đồng tiền Nga chảy máu sẽ được Vân Khanh trình bày để kết thúc chương trình phát thanh ĐLSN tối hôm nay.

Ngô Nhân Dụng

Đối với Tổng thống Vladimir Putin có lẽ Elvira Nabiullina là một nhân viên đắc lực nhất, hơn tất cả các tướng lãnh đang chỉ huy quân Nga ở Ukraine. Nhiều vị tướng bị thuyên chuyển, bị cách chức, có người bị quản thúc ở nhà. Nhưng năm ngoái, khi Nabiullina tỏ ý muốn ngưng làm Thống đốc Ngân Hàng Trung Ương sau gần chín năm tại chức, Putin đã yêu cầu bà ở lại.

Nabiullina là người cộng sự lâu dài nhất của ông Putin; làm phụ tá về kinh tế từ năm 2012. Năm sau bà cầm đầu Ngân hàng Nhà nước; với nhiệm vụ bảo vệ giá trị của “đồng rúp”. Năm 2014, tạp chí tài chánh Forbes ở Mỹ đã ghi nhận Nabiullina là phụ nữ quyền lực nhất thế giới. Năm 2015 Tạp chí Euromoney phong bà là “Thống đốc Ngân Hàng Trung Ương” nổi bật nhất. Tạp chí The Banker, Anh quốc, tặng bà danh hiệu đó cho cả Âu châu, năm 2017. Năm 2019, Forbes lại vinh danh bà lần nữa, là một trong 53 phụ nữ mạnh nhất thế giới.

Năm 2022, bộ Tài chánh Mỹ ra lệnh “phong tỏa tài chánh” bà Nabiullina, giống như nhiều viên chức, tướng lãnh và một số tỷ phú Nga. Bà đã hỗ trợ Vladimir Putin ngay sau khi cuộc tấn công Ukraine bắt đầu. Các tỷ phú Nga mua mỹ kim để chuyển ra nước ngoài khiến đồng tiền mất giá, dân bảo nhau đi mua tiền Mỹ, hàng tăng giá, đe dọa lạm phát. Nabiullina đã tăng lãi suất ở Nga hơn gấp đôi, lên 20%, giúp ổn định giá cả.

Ngày 15 tháng 8, Nabiullina mới ra tay “cứu đồng rúp” một lần nữa. Hôm trước, đồng tiền Nga sụt giá nặng, phải 102 rúp mới mua được một đô la. Bà triệu tập phiên họp khẩn cấp, quyết định tăng lãi suất từ 8.5% lên 12%. Đồng rúp nhích lên rồi lại xuống, nhưng ngày hôm sau vẫn xuống thêm, theo báo The Wall Street Journal. Từ đầu năm tới nay đồng rúp đã sụt giá 30%; năm ngoái có lúc một mỹ kim ăn 150 rúp. 

Khi đồng tiền mất giá thì ngân sách chính phủ Nga được lời, vì mỗi đô la thu vào nhờ xuất cảng dầu khí đổi được nhiều rúp hơn! Nhưng dân chúng bị thiệt vì hàng hóa và nguyên liệu nhập cảng đều lên giá; lạm phát tiếp tục đe dọa. Ngân Hàng Trung Ương vẫn phải lo bảo vệ đồng tiền. 

Kỹ thuật khai thác của Nga chưa tiến bộ nên chi phí cao gần bằng giá bán. Dầu lửa từ vùng Urals không được chuộng, phải bán đại hạ giá. Kinh tế Nga còn vững được nhờ chính phủ Nga đổ tiền vào các nhà sản xuất vũ khí, tạo thêm công việc làm; Trung Quốc và những nước không cấm vận Nga tiếp tục mua dầu lửa; Ấn Độ bắt đầu mua và mua rất nhiều vì giá hạ. Nhờ thế kinh tế Nga sẽ tăng trưởng 1.5% trong năm nay, theo dự đoán của Quỹ Tiền Tệ Quốc tế (IMF). 

Khi kinh tế phục hồi thì số hàng nhập cảng tăng lên, tốc độ nhanh hơn hàng xuất cảng, thêm một lý do khiến đồng tiền xuống giá. Các nhà nhập cảng ở Nga vẫn hoạt động bằng cách mua hàng qua các nước trung gian để lách tránh các đòn cấm vận. Cán cân mậu dịch và ngân sách bắt đầu khiếm hụt.

Nhưng Putin sẵn sàng chi tiêu cho cuộc chiến Ukraine bao nhiêu cũng không ngại, dù đang tốn một tỷ đô la mỗi ngày. Chính phủ không lo hết tiền nhờ làm chủ 70% nền kinh tế dựa trên dầu lửa và khoáng chất, mọi thứ đào từ dưới đất lấy lên. Họ đã rút tiền từ quỹ dự trữ ngoại tệ để chi tiêu, bắt ép các ngân hàng và các xí nghiệp lớn mua công trái. 

Đồng rúp sẽ tiếp tục xuống giá đến bao giờ? 

Tất cả tùy thuộc triển vọng phát triển của kinh tế Nga. Khi số người làm việc không tăng mà lại giảm vì thanh niên nhập ngũ, sức đẩy kinh tế dựa vào vào các kỹ thuật nâng cao khả năng sản xuất. Điều này nước Nga đang thiếu, vì sau cuộc xâm lăng Ukraine, các nước phương Tây, Nhật Bản, Nam Hàn, vân vân, đều cấm bán các kỹ thuật tân tiến cho Nga; chỉ còn Trung Cộng. Nhiều công ty ngoại quốc, vốn là một nguồn chuyển giao kỹ thuật mới, đã rút khỏi nước Nga. 

Không nhập cảng được các máy bay mới và phụ tùng để thay thế, các công ty hàng không Nga đang tháo gỡ những chiếc Boeing hoặc Airbus đang dùng, để có đồ thay vào máy bay hư. Việc sản xuất Sukhoi Superjet 100 nội hóa bị ngưng trệ vì không được mua các bộ phận từ Âu châu. Xưởng làm xe Lada của Nga cũng bị trì hoãn vì thiếu các bộ phận nhập cảng. Nước Nga có thể chế tạo các bộ phận cần thiết trên đây, nhưng phải mất nhiều thời gian. Hơn nữa, thiết lập những nhà máy chỉ để làm ra các bộ phận cho một số rất ít khách mua thì quá tốn kém, phí phạm. 

Công nghiệp Nga đang cố tồn tại nhờ những đường dây buôn lậu, qua các nước như Armenia, Georgia và Kazakhstan. Trung Cộng là một nguồn cung cấp bù vào chỗ thiếu, vẫn cung cấp chất bán dẫn loại bình thường, khiến Moscow càng ngày càng lệ thuộc Bắc Kinh hơn. Hiện nay, Trung Cộng mua dầu lửa của Nga chỉ trả bằng tiền của nước họ. Nga không thể dùng đồng nguyên để nhập cảng từ các nước khác, phải đổi ra mỹ kim, đẩy đồng đô la lên cao hơn. Đồng rúp có thể đứng vững nếu giá dầu lửa trên thế giới tăng lên; nhưng hiện nay kinh tế khắp nơi, trừ nước Mỹ, đang trì trệ. 

Dân Nga thường đánh giá nền kinh tế qua hối suất đồng rúp. Cho nên, nếu đồng tiền tiếp tục mất giá thì uy tín của ông Vladimir Putin càng xuống thấp. Nếu không thoát khỏi một cuộc khủng hoảng tiền tệ, như đã diễn ra trong những năm 1992 và 1998, thì số phận Putin sẽ giống người tiền nhiệm, Boris Yeltsin. 

Vì vậy, Elvira Nabiullina là nhân vật quan trọng hạng nhất trong chính quyền Nga hiện nay. Giới truyền thông Nga kháo nhau rằng bà vẫn dùng cái trâm hoa cài trên áo làm tín hiệu. Tháng Ba năm 2021, khi họp báo loan tin tăng lãi suất lần đầu sau ba năm không thay đổi, bà đeo một cái trâm với hình con ó. Tháng Chín, bà xác nhận mỗi cái trâm mình cài đều có ý nghĩa. Tháng Hai năm 2022, sau khi quân Nga tấn công Ukraine, khi họp báo để công bố lãi suất tăng gấp đôi, bà không đeo một cái trâm nào cả. Nhiều người cho rằng Nabiullina muốn báo tin rằng: Từ hôm nay tôi sẽ không biết mình sẽ phải làm gì! 

Quả thật, bà mới tăng lãi suất nhưng sau đó đồng rúp vẫn không ngưng chảy máu. Dù máu chảy chậm lại nhưng kinh tế Nga không ngóc đầu lên, thì đồng tiền vẫn khó vững – cho tới khi nào chiến tranh chấm dứt, nước Nga không còn bị cô lập nữa.

No comments:

Post a Comment