Wednesday, August 16, 2023

Tin Tức: Thứ Tư 16.08.2023

Tin Tức

Mở đầu chương trình mời quý vị theo dõi phần Tin Tức với Phụng Hoàng & Trường An.

1/ TRUNG QUỐC LẠI Ồ ẠT MUA GIUN ĐẤT VIỆT NAM

Theo cảnh báo của bộ nông nghiệp VN, nền nông nghiệp sẽ bị hủy hoại một khi cạn kiệt giun đất khiến đất đai không còn phì nhiêu và năng suất thấp dần. Nguyên nhân chính yếu là Trung Quốc lại ồ ạt mua giun đất tại VN, lên tới cả triệu đồng một ký sây khô.

Lời cảnh báo nói trên do ông Nguyễn Như  Cường, cục trưởng cục trồng trọt, đưa ra vào ngày 14/8 vừa qua, với lời thừa nhận là nạn kích điện vào đất làm chết giun, đã dẫn đến các tác hại cho đất đai và hệ thống sinh vật.

Tình trạng vừa nêu đã xảy ra lâu nay và gần đây trở nên nghiêm trọng tại một số tỉnh phía bắc như Hòa Bình, Sơn La, Lào Cai và Thanh Hóa. Mỗi ký lô giun tươi hiện được mua bán với giá từ 80 ngàn đồng. Một nhóm kích điện để bắt giun đất, có thể thu về vài trăm ký lô giun đất mỗi đêm.

Trước đây, những người đi bắt giun đất dùng kích điện 1500 Volt, nhưng ngay nguồn điện kích có thể lên gấp ba lần, lên đến hơn 4 ngàn Volt. Giun đất tươi được bán cho các lò sấy tại địa phương, sau đó sản phẩm được bán cho giới lái buôn Trung Quốc với giá mỗi ký giun đất sấy khô  từ 1 triệu đồng trở lên.

Cần biết là trong nhiều năm qua, VN từng chứng kiến những đợt lái buôn Trung Quốc ồ ạt sang thu mua những sản phẩm như móng trâu bò, đỉa, rễ tiêu, lá điều, lá vải tươi… dẫn đến những hệ lụy về kinh tế và cạn kiệt môi trường trầm trọng.

2/ VN CHI HÀNG TỶ MỸ KIM MỖI NĂM ĐỂ NHẬP CẢNG MUỐI VÀ THAN ĐÁ

VN mỗi năm phải nhập cảng hơn 600 ngàn tấn muối lên đến hàng tỷ Mỹ kim trong khi nước này có bờ biển dài mấy ngàn cây số.

Tuyên bố nói trên được đại biểu quốc hội Nguyễn Anh Trí vào hôm qua 15/8 đưa ra trong lời chất vấn bộ trưởng nông nghiệp vì cho rằng đây là một nghịch lý. Ông Trí yêu cầu có những giải pháp để Việt Nam có đủ muối dùng, không còn nhập cảng và diêm dân có thể sống bằng nghề của họ.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan thừa nhận nghề muối truyền thống ở Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, diện tích ruộng muối thu hẹp và đời sống diêm dân khó khăn. Ông Hoan cho biết hiện cả nước có hai vùng sản xuất muối lớn là vùng duyên hải miền Trung và khu vực tỉnh Thái Bình.

Ông cho biết là sắp tới đây sẽ triển khai một số dự án thí điểm để phát triển ngành muối tại đó. Ông cũng kêu gọi các doanh nhân tham gia vào ngành sản xuất muối.

Ngoài nghịch lý muối, Việt Nam còn đối mặt với hai nghịch lý khác là nước sản xuất lúa gạo mà vẫn nhập gạo từ Ấn Độ và Campuchia. Đồng thời là nước có than đá mà phải nhập cảng than đá mỗi năm.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy trong tháng 7 vừa qua, VN phải nhập gần 30 triệu tấn than đá, tăng hơn 10 triệu tấn so với năm ngoái, có trị giá hơn 4 tỷ Mỹ kim.

3/ TRUNG CỘNG NGỪNG CÔNG BỐ TỶ LỆ THẤT NGHIỆP Ở GIỚI TRẺ

Nhà cầm quyền Trung Cộng vào hôm qua 15/8 đã quyết định ngừng công bố số liệu định kỳ hàng tháng về tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ trong độ tuổi 16 đến 24, sau khi thống kê vào tháng trước cho thấy mức thất nghiệp cao kỷ lục là hơn 21%.

Ông Phó Lăng Huy, phát ngôn nhân của Cơ quan Thống kê Trung Cộng, loan báo về quyết định nói trên, với lý do là “cần điều chỉnh” các số liệu về việc làm.

Phản ứng về quyết định của nhà cầm quyền Bắc Kinh, một người bình luận mỉa mai trên mạng xã hội là “chỉ cần Bắc Kinh ngưng công bố số liệu là sẽ không còn nạn thất nghiệp và vấn đề sẽ được giải quyết”.

Theo thống kê vào tháng 7, tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm người ở độ tuổi lao động tại Hoa lục đã tăng nhẹ so với tháng trước đó. Tuy nhiên tỷ lệ thất nghiệp chỉ được thống kê ở các khu vực thành thị, do đó chỉ phản ánh được một phần tình trạng thất nghiệp trong cả nước. 

Để thúc đẩy kinh tế, cũng trong ngày hôm qua 15/8, Ngân hàng Trung ương Trung Cộng bất ngờ giảm tỷ lệ lãi suất cho vay một năm đối với các cơ sở tài chính, từ 2.65% xuống còn 2.5%. 

4/ NGA TĂNG LÃI SUẤT LÊN 12% ĐỂ CỨU VÃN ĐỒNG RÚP

Ngân hàng Trung ương Nga đã tăng lãi suất căn bản lên 12% vào hôm qua 15/8 nhằm cứu vãn đà sụt giá của đồng rúp sau khi điện Cẩm Linh công khai đề nghị ngân hàng thắt chặt chính sách tiền tệ.

Cuộc họp bất thường về lãi suất diễn ra sau khi đồng rúp giảm mạnh, vượt qua ngưỡng 100 rúp ăn một Mỹ kim vào thứ Hai 14/8, do tác động từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với cán cân thương mại của Nga và chi tiêu quân sự tăng vọt.

Sau khi có quyết định tăng lãi suất, đồng rúp đã gia tăng một chút rồi lại giảm 0.5%, lên đến gần 102 rúp cho một Mỹ kim, tức mức thấp chưa từng có kể từ những tuần đầu tiên sau khi Nga xâm lược Ukraine.

Cố vấn kinh tế của Tổng thống Vladimir Putin, ông Maxim Oreshkin, lập tức lên tiếng khiển trách ngân hàng trung ương vì cho rằng chính sách tiền tệ lỏng lẻo đã làm suy yếu đồng rúp.

Vài giờ sau khi bị ông Oreshkin khiển trách, Ngân hàng Trung ương đã thông báo về một cuộc họp khẩn cấp để tìm cách cứu vãn đồng tiền của Nga. Trong tuyên bố đưa ra sau đó, ngân hàng này cho biết áp lực lạm phát đang gia tăng.

Bấp chấp biện pháp can thiệp, các nhà phân tích phần lớn đồng ý rằng động thái này sẽ không có tác động lâu dài và cho đến khi nào cuộc chiến xâm lược Ukraine chưa chấm dứt thì tình hình còn trở nên tồi tệ hơn.

Cần biết là lần gần đây nhất, Ngân hàng Trung ương Nga thực hiện một đợt tăng lãi suất khẩn cấp là vào cuối tháng 2 năm ngoái, với mức tăng lên 20% ngay lập tức sau khi Nga điều quân tới Ukraine. Sau đó, Ngân hàng đã dần dần giảm chi phí cho vay xuống mức 7.5% khi áp lực lạm phát mạnh giảm bớt vào nửa cuối năm 2022.

5/ THỤY ĐIỂN SẮP VIỆN TRỢ HƠN 300 TRIỆU MỸ KIM CHO UKRAINE

Thụy Điển đang có kế hoạch cung cấp viện trợ quân sự mới cho Ukraine, có trị giá hơn 300 triệu Mỹ kim, bao gồm chủ yếu là đạn dược và phụ tùng thay thế cho các hệ thống vũ khí đã được chuyển giao trước đó, theo công bố của Bộ trưởng quốc phòng Pal Jonson.

Ông Jonson cho biết là Thụy Điển phải chuẩn bị cho cuộc chiến kéo dài và phải có tầm nh2n lâu dài để hỗ trợ quân sự cho Ukraine.

Khoản viện trợ quân sự mới nhất sẽ là lần thứ 13 của Thụy Điển dành cho Ukraine kể từ khi bắt đầu chiến tranh, nâng tổng giá trị viện trợ lên thành khoảng 20 tỷ krona.

Trong một diễn tiến khác, nhà sản xuất vòng bi SKF của Thụy Điển vào hôm qua 15/8 cho biết là nhà máy của họ ở thành phố Lutsk của Ukraine, đã bị trúng tên lửa trong đêm khiến 3 công nhân thiệt mạng.

Giới chức Ukraine loan báo các cuộc không kích của Nga đã đánh vào hai khu vực phía tây của Ukraine và các khu vực khác, khiến 3 người thiệt mạng và hơn chục người bị thương.

Đại diện nhà máy SKF cho biết công ty sẽ xem xét hậu quả của vụ tấn công và thiệt hại đối với nhà máy, nhưng nói thêm rằng trọng tâm chính của công ty là nhân viên và sự an toàn của họ.

Cần biết là nhà sản xuất vòng bi kỹ thuật lớn nhất thế giới này có khoảng hơn một ngàn nhân viên ở Ukraine, phần lớn làm việc tại nhà máy Lutsk. Báo cáo cũng cho biết là nhà máy này chiếm khoảng 0.5% tổng sản lượng của SFK vào năm ngoái.

No comments:

Post a Comment