Saturday, July 12, 2014

Thiền sư Vạn Hạnh

Thứ Bảy 12.07.2014   
Kính thưa quý thính giả, Lịch sử Việt ghi nhận một nhà tu hành được xem là một quốc sư mẫn tuệ, một chiến lược gia tài ba, một nhà ngoại giao tuyệt vời. Ngài là một khai quốc công thần của triều đại nhà Lý, với một tâm nguyện lớn của bậc cao tăng Phật giáo là dùng hết công sức để xây dựng một triều đại thanh bình thịnh trị, củng cố nền độc lập lâu dài cho dân tộc Đại Việt. Trong tiết mục "Danh nhân nước Việt" hôm nay, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài "Thiền sư Vạn Hạnh" của Việt Thái qua giọng đọc của Tam Thanh để chấm dứt chương trình tối hôm nay.
"Vạn Hạnh dung tam tế,
Chân phù cổ sấm cơ.
Hương quan danh Cổ Pháp,
Trụ tích trấn vương kỳ."
Dịch là:
Vạn Hạnh thông ba cõi,
Thật hợp lời sấm xưa.
Quê hương tên Cổ Pháp,
Chống gậy trấn kinh vua.
Đó là bài kệ "Truy tán Vạn Hạnh thiền sư" của vua Lý Nhân Tông viết ra, để tưởng nhớ công đức của vị thiền sư đã khai sáng triều đại nhà Lý, một trong những triều đại nổi bật nhất trong lịch sử Việt Nam.
Thiền sư Vạn Hạnh họ Nguyễn, quê châu Cổ Pháp, nay thuộc thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, thuở nhỏ rất thông minh hiếu học, tinh thông cả Nho giáo, Lão giáo và Phật giáo.
Ngài xuất gia vào năm 21 tuổi, tu học chung với thiền sư Ðịnh Tuệ dưới sự chỉ dẫn của sư Thiền Ông tại chùa Lục Tổ. Sau khi sư Thiền Ông mất, Ngài bắt đầu nghiên cứu hàng trăm bộ luận Phật giáo và chuyên tập Tổng trì Tam ma địa, nên những lời nói của Ngài thường được người dân cho là sấm ký.
Vua Lê Ðại Hành rất thương mến và tôn kính Ngài. Năm 980, Hầu Nhân Bảo của nhà Tống mang quân sang đóng ở núi Cương Giáp Lãng với ý định xâm chiếm nước Đại Cồ Việt. Vua Lê Đại Hành triệu Ngài vào triều để hỏi ý kiến về việc nếu đánh thì sẽ thắng hay bại. Ngài trả lời sẽ thắng, và còn tiên đoán rất đúng là trong vòng từ 3 đến 7 ngày, quân giặc sẽ rút lui. Khi vua Lê muốn tiến đánh Chiêm Thành để giải cứu sứ giả nước Việt bị vua Chiêm bắt giữ, thiền sư Vạn Hạnh cũng khuyên là đừng để mất cơ hội đánh gục nhuệ khí của Chiêm Thành. Và trận đánh ấy quân nhà Lê đã chiến thắng.
Ngài được xem là một cố vấn tài giỏi của vua Lê Đại Hành, và là người thầy đã hướng dẫn cho Lý Công Uẩn một thời gian dài trước và sau khi triều Lý thành lập.
Ngày rằm tháng 5 năm Thuận Thiên thứ 9 (tức ngày 30/6/1018), khi công hạnh viên mãn, Thiền sư Vạn Hạnh gọi các đồ tôn lại dặn dò, đọc một bài kệ rồi thị tịch. Bài kệ như sau:
"Thân như bóng chớp, có rồi không,
Cây cối xanh tươi, thu não nùng.
Mặc cuộc thịnh suy, đừng sợ hãi,
Thịnh suy, ngọn cỏ giọt sương đông."
Vua Lý Thái Tổ và triều thần nhà Lý đến làm lễ Trà tỳ, thỉnh Xá lợi của Ngài về thờ tại chùa Tiêu Sơn (Bắc Ninh).
Để tưởng nhớ một vị thiền sư đã lưu lại nhiều dấu ấn trong lịch sử, trước năm 1975 ở miền nam Việt Nam có viện đại học mang tên Vạn Hạnh. Và hiện nay, nhiều thành phố ở Việt Nam cũng có những con đường mang tên "Sư Vạn Hạnh".
* * *
Nhắc đến triều Lý là phải nhắc đến Thiền sư Vạn Hạnh, một quốc sư tài ba lỗi lạc đã giúp mang lại cho dân tộc Đại Việt một sự thịnh vượng, không chỉ trong đời sống mà còn tinh thần. Có thể nói, đạo Phật phát triển rực rỡ, thấm sâu trong tâm hồn dân tộc hơn một ngàn năm qua, là nhờ có Thiền sư Vạn Hạnh.
Nhưng điều đáng khâm phục nhất là đứng trước những giờ phút sinh tử của đất nước, của dân tộc, Thiền sư Vạn Hạnh đã không bỏ "đời" để chọn "đạo". Đứng trước sự rên xiết của dân chúng dưới sự cai trị tàn bạo của Lê Ngoạ Triều, Ngài đã quyết định xuống núi để giúp đồ đệ Lý Công Uẩn lên ngôi nhằm cứu lấy muôn dân. Chắc chắn trong những ngày tháng đó, Thiền sư Vạn Hạnh đã rất đắn đo chọn lựa giữa "đạo và đời": Gát bỏ hồng trần để tập trung tu hành, hay là xuống núi để góp tài trí của mình vào việc phò vua giúp nước?
Cuối cùng thì Ngài đã chọn con đường nhập thế, thay đổi triều đại và đã lưu danh thiên cổ với cái tên "Thiền sư Vạn Hạnh".
Gần một ngàn năm sau khi Thiền sư Vạn Hạnh để lại dấu ấn, dân tộc Việt lại trực diện với những hiểm nguy tương tự. Giặc Tàu lăm le xâm chiếm nước Việt, tập đoàn lãnh đạo đã lộ rõ bộ mặt "hèn với giặc, ác với dân", đạo đức xã hội đã băng hoại đến mức tột cùng, tiếng than oán đang dậy lên ở khắp nơi, từ biển cả cho đến rừng sâu.
Đất nước thật sự đã lâm vào vòng nguy ngập, và đang rất cần có sự xuất hiện những con người hùng tài đại trí như thầy trò Thiền sư Vạn Hạnh, Lý Công Uẩn để mang lại ánh sáng cuối đường hầm cho dân tộc.
Nhưng câu hỏi đặt ra ở đây là liệu các nhà lãnh đạo các tôn giáo lớn ở VN, hiện là chỗ dựa tinh thần lớn nhất của người dân Việt, có đủ can đảm để chọn việc nhập thế để cứu lấy muôn dân như Thiền sư Vạn Hạnh đã làm hay không?
Việt Thái

No comments:

Post a Comment