Thursday, July 24, 2014

"Sống tử tế"!??

Thứ Năm, ngày 24.07.2014    
"Thượng bất chínnh, hạ tắc loạn", câu nói truyền đời của người xưa để lại không bao giờ sai và chưa bao giờ đúng một cách thật chính xác trong hoàn cảnh rối loạn của VN hiện nay. Trong tiết mục Chuyện Nước Non Mình, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả đài ĐLSN bài viết có tựa đề: " "Sống tử tế"!?? " của Nguyễn Văn Hoàng sẽ được Tâm Anh trình bày để tiếp nối chương trình tối hôm nay.
Được biết Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (Viện này là một tổ chức phi chính phủ và phi lợi nhuận hoạt động vì quyền của các nhóm dễ bị kỳ thị trong xã hội) vận động, tuyên truyền người dân "sống tử tế" với mục đích hướng thiện, tôi mang chủ đề này ra bàn tại... vỉa hè.
Anh xe ôm nửa nằm nửa ngồi, chân co chân duỗi, hai tay đan vào nhau ôm đầu gối nói: cái Viện Nghiên cứu này chắc hết việc để làm nên lại bày trò để tiêu tiền chứ biết cái quái gì mà đòi tử tế, biết tử tế thế quái gì!? Đơn giản "sống tử tế" phải từ năm này qua năm khác, từ kiếp này sang kiếp khác không bao giờ ngừng mới là... tử tế. Đằng này chỉ "vận động, tuyên truyền thực hiện "sống tử tế" trong suốt năm 2014" là đã thấy không... tử tế gì rồi!
Đang ngạc nhiên vì phát hiện tinh tường của người xe ôm thì giọng anh ta lại choang choảng: "chúng nó tưởng người ta không muốn sống tử tế chắc? Sống tử tế mà đời, xã hội nó khốn nạn thì tử tế thế nào!? Chúng nó thử đặt mình vào hoàn cảnh sống như dân nghèo xem, ít nhất 432 loại thuế phí, động một tí là tiền, thứ gì cũng tiền, luôn luôn bị chèn ép, bức hiếp thử hỏi chúng nó có sống tử tế được không?".
Rồi anh ta phân bua: đơn giản như tôi, tôi có muốn làm xe ôm đâu, tôi không muốn chửi bậy, văng tục, dọa dẫm lừa đảo khách. Nhưng tôi không làm xe ôm thì không chỉ bản thân tôi mà con nhỏ tôi cũng làm gì có cái ăn, chỉ còn nước chết đói nếu không có gan đi ăn cướp. Muốn đi làm công nhân để có công việc ổn định, có tí chế độ thì nhà nước bất lực không lo được việc làm. Thử hỏi thế thì tử tế làm sao?
Thấy luận bàn rôm rả, chủ quán bán nước góp tiếng: kêu gọi không ăn thua cái gì, chế tài luật định kia còn chả buộc được con người ta tử tế, tham nhũng bức hiếp vẫn tràn lan, hàng giả hàng độc hại vẫn ngập phố.
Mà vận động làm gì cái thằng dân trên răng dưới cắt tút không muốn tử tế cũng không xong. Tập trung vào vận động cái đám có chức có quyền ấy, đám được sử dụng tiền thuế của dân ấy. Quan tham thì dân gian, dân không gian lấy đâu tiền nộp cho quan tham!?
Dân "tử tế" như thế còn đòi tử tế thế nào nữa, đạp vào đầu vào mặt, vô cớ đoạt mạng vẫn phải cắn răng cam chịu chưa là "tử tế" à, hay phải bạo loạn mới không là tử tế!? Người dân Việt Nam đã quá "tử tế" khi phải sống với giá cả hàng hóa đắt đỏ hơn thế giới gấp nhiều lần. Không phải " người Việt Nam lạc quan nhất thế giới" sao có thể sống được ở nơi có "mức độ đáng sống" áp chót bảng!?
Thấy mọi người mắt tròn mắt dẹt, chủ quán nước hạ giọng: hãy vận động đám quan chức sống tử tế đi đã, hãy làm những việc tốt đẹp tự khắc thúc đẩy người dân trở thành tử tế. Muốn xã hội tử tế, quan chức phải làm gương, "đảng viên đi trước, làng nước theo sau" là như vậy.
Một người đứng tuổi vừa uống methadon điều trị cai nghiện chêm vào, vận động thế quái gì, bọn làm bừa này nó chưa tìm hiểu hay sao, bao nhiêu đợt phát động phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, phí bao nhêu thời gian, tốn kém bao nhiêu tiền của. Có hẳn tấm gương to đùng để soi chứ không mông lung như "tử tế" mà xã hội vẫn ngày càng bại hoại xuống cấp thì cái "sống tử tế" này có nghĩa lý gì!? Độc hão huyền, viển vông.
Nghỉ một lúc lấy hơi, anh ta văng tục: mà cái đỗ mười lũ chúng nó chỉ toàn lý thuyết sáo rỗng. Cũng như ông xe ôm, tôi đâu muốn sa chân vào con đường nghiện ngập này. Nhà nước không tạo được ra công ăn việc làm cũng chẳng có trợ giúp ốm đau, không có tiền chỉ còn nước chết. Cuộc sống bế tắc như thế không ăn trộm ăn cướp lừa đảo nghiện hút mới là lạ. Xã hội như thế làm sao "sống tử tế"!?
Nheo đôi mắt mèo lõm má rít một hơi thuốc, hắn rên rỉ câu ca: "ai cho tôi tử tế? Tôi không thể là người tử tế được nữa!".
Nguyễn Văn Hoàng

No comments:

Post a Comment