Sunday, July 20, 2014

Chuyên mục: Nói Với Người Cộng Sản

Chủ Nhật, ngày 20.07.2014    
Sau đây, mời quý thính giả theo dõi chuyên mục "Nói với người cộng sản". Đây là diễn dàn để trình bày với các đảng viên đảng CSVN, đặc biệt những người đang phục vụ trong guồng máy công an và bộ đội của chế độ hiện hành. "Nói với người cộng sản" do Tiến Văn biên soạn, qua sự trình bày của Hải Nguyên.
Kính chào quí vị thính giả, quí vị đảng viên cộng sản lâu năm, các bạn công an, bộ đội.
Chúng ta đã và đang chứng kiến một tầng lớp rất giàu đang nổi lên trong xã hội Việt Nam, trong đó có các gia đình của giới lãnh đạo cộng sản, từ gia đình con cái của Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp, Võ Văn Kiệt... cho tới gia đình của Phan Văn Khải, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Sinh Hùng, vân vân. Còn hạng có nhiều biệt thự lớn như viên cựu Tổng thanh tra chính phủ Trần Văn Truyền thì không thể kể hết. Sau đây mời quí vị, quí bạn tiếp tục lắng nghe Milovan Djilas lý giải về nguyên nhân gốc rễ của tầng lớp giàu có đó:
"Nếu muốn có một kết luận không phải trên thực tế khách quan mà theo các qui luật của logic hình thức thì ta có thể nói: cuộc cách mạng cộng sản đã dựa vào bộ máy nhà nước để thực hiện việc cưỡng bách trong những hoàn cảnh đặc biệt... Điều này đặc biệt đúng khi ta thấy nhà nước làm nhiệm vụ điều chỉnh tất cả quan hệ như chính trị, lao động và các quan hệ khác và điều đặc biệt quan trọng là chính quyền làm nhiệm vụ phân phối thu nhập quốc dân, sử dụng những nguồn lực về hình thức đã trở thành sở hữu nhà nước.
Ngay cả khi giả sử lời khẳng định của Lê-nin rằng tư bản nhà nước là "thời kỳ mở đầu của chủ nghĩa xã hội", hay đây là giai đoạn đầu của chủ nghĩa xã hội, thì những người dân sống dưới chế độ chuyên chế cộng sản cũng không vì thế mà cảm thấy thoải mái hơn. Nhưng nếu ta có thể nhận thức được, một cách dù là tương đối, đặc điểm của sở hữu và quan hệ xã hội mà cách mạng cộng sản sẽ mang lại, thì mới mong giải phóng con người khỏi các gông xiềng của nó. Nếu người ta không nhận thức được bản chất của các quan hệ trong xã hội mà họ đang sống và không biết phương pháp thay đổi các quan hệ đó, thì cuộc đấu tranh của họ sẽ trở thành vô ích. Như vậy, nếu đồng ý rằng cách mạng cộng sản, trái ngược với những lời hứa hẹn và những ảo tưởng, chỉ dẫn đến các quan hệ tư bản nhà nước... Nhưng quan hệ ở đây không phải là quan hệ tư bản nhà nước và không thể tìm được lối ra; hệ thống không thể nâng cao hiệu quả một cách rõ rệt bằng biện pháp đơn giản như cải tiến hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, không thể biến nó thành "bộ máy công bằng hơn" được...
Để có thể nhận thức được bản chất các quan hệ xuất hiện trong cách mạng cộng sản và được củng cố vững chắc bởi quá trình công nghiệp hóa và hợp tác hóa, cần phải chú đến vai trò và phương pháp hoạt động của nhà nước trong chế độ cộng sản. Ở đây phải nhấn mạnh rằng bộ máy nhà nước không phải là công cụ chủ yếu để tạo lập quan hệ sở hữu và các quan hệ xã hội khác, nó chỉ đóng vai trò người bảo vệ các quan hệ ấy mà thôi. Mọi thứ dường như đều được làm nhân danh và phù hợp với các qui định của nhà nước. Nhưng bên trên và đằng sau mọi hành động của nhà nước là đảng cộng sản. Cũng không phải là toàn đảng mà chỉ là tầng lớp quan liêu, tầng lớp chuyên nghiệp của đảng mà thôi. Chính tầng lớp quan liêu này mới là người sử dụng, quản lý và phân phối khối tài sản đã được quốc hữu hóa và tập thể hóa cũng như toàn thể đời sống xã hội nói chung. Chính vai trò độc quyền quản lý và phân phối thu nhập quốc dân cũng như mọi tài sản khác của quốc gia đã biến tầng lớp quan liêu này thành tầng lớp đặc quyền đặc lợi. Các quan hệ xã hội về mặt hình thức và nhìn từ bên ngoài thì có vẻ như là quan hệ tư bản nhà nước. Nguồn gốc của nó cũng dễ làm cho người ta nghĩ như thế: công nghiệp hóa không phải nhờ tư bản mà bằng các biện pháp cưỡng chế. Trong thực tế, vai trò đó do một tầng lớp đặc quyền đặc lợi, sử dụng bộ máy nhà nước như là công cụ, như là bình phong về mặt pháp lý, thực hiện...
Nếu quyền sở hữu chỉ là quyền sử dụng và phân phối và nếu quyền đó chỉ thuộc về một nhóm người nhất định, thì điều đó có nghĩa là trong các nhà nước cộng sản đã xuất hiện một hình thức sở hữu hoàn toàn mới, nghĩa là đã xuất hiện một giai cấp bóc lột mới. Không phải trên lời nói mà trên thực tế những người cộng sản đã hành động như mọi giai cấp nắm quyền khác, họ cũng không thể hành động khác được, trong khi tin tưởng rằng đang xây dựng một xã hội lý tưởng, họ chỉ xây dựng được cái xã hội phù hợp với sức lực của họ mà thôi. Những điều kiện cho việc hình thành xã hội đó đã chín muồi, cho dù nó không thể chín cho một xã hội lý tưởng như niềm tin mà cách mạng từng hứa hẹn. Như vậy ta có thể kết luận rằng với một số nước, trong một giai đoạn phát triển nhất định, thì cuộc cách mạng và xã hội của họ không xuất hiện một cách vô tình và trái tự nhiên. Đấy là lý do vì sao xã hội đó, trong một giai đoạn nhất định – giai đoạn công nghiệp hóa – đã phải chịu và chịu đựng được bạo lực cộng sản, dù nó có tàn khốc và vô nhân đến mức nào. Sau đó thì bạo lực đã không còn cần thiết nữa, nó chỉ còn được sử dụng để đảm bảo đặc quyền ăn cướp của giai cấp mới mà thôi. Khác hẳn với các cuộc cách mạng trong quá khứ, cách mạng cộng sản, nhân danh tiêu diệt giai cấp, đã lập nên ách thống trị của một giai cấp mới. Tất cả những chuyện khác chỉ là ảo tưởng hão huyền."
Hải Nguyên và Tiến Văn xin kính chào tạm biệt và xin hẹn gặp lại quí vị, quí bạn cũng vào giờ này tuần tới.
Tiến Văn
13/7/2014

No comments:

Post a Comment