Saturday, February 15, 2014

Đức Ngô Quyền và chiến thắng Bạch Đằng

Thứ Bảy ngày 15.02.2014    
Kính thưa quý thính giả, Một đại anh hùng của dân tộc đã lãnh đạo dân quân nước Việt tiêu diệt đạo quân Nam Hán trong trận Bạch Đằng vào năm 938, kết thúc hơn một ngàn năm Bắc thuộc, mở ra một thời kỳ độc lập tự chủ cho dân tộc. Trong tiết mục "Danh nhân nước Việt" tối hôm nay, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài "Đức Ngô Quyền và chiến thắng Bạch Đằng" của Việt Thái qua giọng đọc của Tam Thanh để tưởng nhớ đến công đức của ngài và thế hệ Ngô Vương.
Ngô Quyền sinh vào năm Mậu Ngọ (898). Cha là Ngô Mân, châu mục của châu Đường Lâm. Họ Ngô thuộc dòng họ hào trưởng. Ngô Quyền dáng người khôi ngô, có sức mạnh phi thường, được sử sách mô tả là bậc anh hùng tuấn kiệt, trí dũng song toàn.
Thời niên thiếu của Ngô Quyền cũng là thời kỳ cực suy của chế độ thống trị của nhà Đường tại An Nam. Đô hộ phủ An Nam ngày càng bất lực trong việc khống chế các thế lực bên trong và ngoài.
Người Nam Chiếu đã liên tục tấn công Giao Châu từ năm 858 đến năm 866. Tại Trung Hoa, cuộc nổi loạn của An Lộc Sơn và vụ khởi nghĩa của Hoàng Sào, làm cho nhà Đường phải chật vật đối phó, khiến việc cai trị của nhà Đường đối với An Nam ngày càng suy yếu.
Năm 931, thế lực họ Dương ở Ái Châu lật đổ guồng máy cai trị của nhà Nam Hán, đánh bại Lý Tiến, Trần Bảo ở thành Đại La. Hào trưởng Dương Đình Nghệ trở thành Tiết Độ Sứ của chính quyền người Việt.
Thế lực họ Dương nắm quyền ở Đại La được sự ủng hộ của nhiều thế lực địa phương khác, trong đó có dòng họ Ngô của Ngô Quyền. Sau khi kết hôn với con gái của Dương Đình Nghệ, Ngô Quyền trở thành một tướng lãnh của Dương Đình Nghệ, được giao quyền cai quản vùng Ái châu vào năm 932.
Năm 937, hào trưởng đất Phong Châu là Kiều Công Tiễn hạ sát Dương Đình Nghệ đoạt chức vị Tĩnh Hải Quan Tiết Độ Sứ. Sau vụ này, họ Kiều bị nhiều thế lực địa phương chống đối và nội bộ họ Kiều cũng bị chia rẽ trầm trọng. Trước tình thế đó, Kiều Công Tiễn vội vã cầu cứu nhà Nam Hán.
Nghe hung tin, đức Ngô Quyền liền tập hợp mọi lực lượng, kéo quân ra Bắc giết chết Kiều Công Tiễn và chuẩn bị quyết chiến với quân Nam Hán.
Năm 938, đức Ngô Quyền nhanh chóng tổ chức cuộc chiến đánh quân Nam Hán ở sông Bạch Đằng.
Lợi dụng mức thủy triều lên xuống của con sông Bạch Đằng, Ngài sai quân sĩ đóng cọc dưới lòng sông, đầu cọc bịt sắt nhọn. Khi thủy triều lên cao thì bãi cọc bị che khuất, Ngài dùng kế nhử quân Nam Hán vào khu vực này, đợi thủy triều rút xuống làm cho thuyền quân Nam Hán bị mắc cạn, liền điều động thủy quân dùng thuyền nhỏ lao ra công hãm.
Quân Nam Hán đại bại, Thái tử Nam Hán là Lưu Hoằng Tháo thiệt mạng cùng với hơn phân nửa số quân sĩ. Kể từ đó, nhà Nam Hán phải từ bỏ giấc mộng xâm chiếm An Nam.
Chiến thắng của đức Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng vào năm 938 đã chấm dứt cuộc xâm lược của nhà Nam Hán, đồng thời cũng kết thúc luôn thời kỳ đô hộ của giặc Tàu hơn một ngàn năm.
Năm 939, đức Ngô Quyền xưng vương, đóng đô ở Cổ Loa, lập ra nhà Ngô. Ngài trị vì được 6 năm, được con dân Việt xem là vị đại anh hùng của dân tộc Việt.
Các nhà sử học Việt Nam như Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên đánh giá rất cao công trạng của đức Ngô Quyền. Lê Văn Hưu nhận định về ngài như sau:
"Tiền Ngô Vương có thể lấy quân mới hợp của nước Việt mà phá được trăm vạn quân của Lưu Hoằng Tháo, mở nước xưng vương, làm cho người phương Bắc không dám xâm lấn nữa. Có thể nói là một cơn giận mà yên được dân, mưu giỏi mà đánh trận cũng giỏi. Tuy chỉ xưng vương, chưa lên ngôi đế, đổi niên hiệu, nhưng chính thống của nước Việt hầu như đã nối lại được".
Còn Ngô Sĩ Liên ca tụng Ngài là mưu tài đánh giỏi, có công dựng lại cơ đồ, đứng đầu các vua, đồng thời cho rằng cách thức cai trị của Ngài có qui mô của bậc đế vương. Phan Bội Châu và Trần Quốc Vượng đều tôn vinh Ngài là "vua Tổ phục hưng dân tộc".
Ngày 18 tháng Giêng năm Giáp Thìn (944), Ngô Vương băng hà, hưởng dương 47 tuổi. Sử sách gọi Ngài là Tiền Ngô Vương. Người dân Việt lập đền thờ và lăng ở Đường Lâm. Tại khu vực hạ lưu sông Bạch Đằng có hơn 30 đền và miếu thờ Ngài cùng thế hệ Ngô Vương. Ngoài ra, nhiều trường học cũng được đặt tên Ngô Quyền.
* * *
Lịch sử Việt ghi nhận ba trận chiến hiển hách trên sông Bạch Đằng, đánh tan quân xâm lược đến từ phương Bắc và đều có những điểm tương tự như trận chiến đầu tiên của đức Ngô Quyền. Từ cách thức chôn cọc sắt dưới lòng sông cho đến phương thức dụ địch trong hai trận chiến sau này của vua Lê Đại Hành và Hưng Đạo Vương. Cả ba trận hải chiến lịch sử này đều cho thấy tài dùng binh đặc sắc của các bậc tiền nhân và truyền thống chống ngoại xâm với tinh thần đoàn kết của dân quân Việt tộc trước các cuộc xâm lăng của Trung Hoa.
Bạch Đằng Giang đã trở thành nỗi ám ảnh khôn nguôi của dòng Hán tộc qua câu trả lời bất hủ của sứ thần Giang Văn Minh: "Đằng giang tự cổ huyết do hồng", có nghĩa là "nước sông Bạch Đằng ngàn năm vẫn đỏ vì máu giặc".
Nhưng quan trọng hơn hết là, trận chiến Bạch Đằng đầu tiên của đức Ngô Quyền đã mở ra trang sử vẻ vang nhất của dân tộc Việt sau 1000 năm bị Bắc thuộc, mở đường cho những triều đại Lý, Trần, Lê được thanh bình và thịnh trị kéo dài suốt mấy trăm năm sau đó.
Chính vì thế, đức Ngô Quyền xứng đáng được vinh danh, mãi mãi là một vị "anh hùng của dân tộc", chứ không như Hồ Chí Minh, người được cộng sản xưng tụng nhưng ngay cả xuất xứ, ngày sinh lẫn ngày chết, đến nay vẫn không được rõ ràng./.

No comments:

Post a Comment