Saturday, February 8, 2014

Danh Nhân Nước Việt - Nguyễn Công Trứ

Thứ Bảy ngày 08.01.2014   
Kính thưa quý thính giả, Một trăm năm chục năm là một quãng thời gian dài, người ta có thể quên đi một con người bình thường, nhưng không thể quên được một người "kinh luân khởi tâm thượng, binh giáp tàng hung trung". Người đã để lại hậu thế 150 bài văn thơ, nhất là hai câu bất hủ: "Đã mang tiếng ở trong trời đất / Phải có danh gì với núi sông". Trong tiết mục "Danh nhân nước Việt" tối nay, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài "Nguyễn Công Trứ, nhân tài kiệt xuất" của Việt Thái qua giọng đọc của Tam Thanh.
Trong lịch sử văn học, hiếm có một nhà thơ nào như Nguyễn Công Trứ, Cụ viết lên những câu thơ hào hùng:
"Vòng trời đất, dọc ngang, ngang dọc,
Nợ tang bồng, vay trả trả vay.
Chí làm trai, Nam Bắc Đông Tây
Cho phỉ sức, vẫy vùng trong bốn bể "

Và khi cảm thấy cô độc, muốn làm cây thông ở kiếp sau để giữ phẩm giá trong sạch của mình, cụ viết:
"Kiếp sau xin chớ làm người,
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo.
Giữa trời vách đá cheo leo,
Ai mà chịu rét thì trèo với thông"
Nguyễn Công Trứ hiệu Ngộ Trai, biệt hiệu Hi Văn, sinh ngày 19/12/1778 tại làng Uy Viễn, nay là xã Xuân Giang huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Cha là Nguyễn Công Tấn, 24 tuổi đậu Cử nhân thời Lê Mạt, được bổ làm Tri huyện Quỳnh Côi, sau đó lên làm Tri phủ Tiên Hưng, Thái Bình.
Thuở nhỏ, Nguyễn Công Trứ nổi tiếng thông minh, hiếu học, giỏi về thơ văn, lớn lên trong những năm cuối của nhà Tây Sơn, tiếp đến đầu nhà Nguyễn, khi trưởng thành lại gặp thế sự nhiễu nhương, bao lần lều chõng đi thi là bấy nhiêu lần bị loại chỉ vì biểu lộ chính khí "đầu đội trời, chân đạp đất" trong bài thi.
Mãi đến năm 42 tuổi, Cụ mới đỗ Giải nguyên ở trường thi Hương tại trấn Nghệ An, bắt đầu thời kỳ làm quan đầy sóng gió và là những bước thăng trầm trong sự nghiệp. Cụ được thăng quan tiến chức nhiều lần vì thành tích, chiến công về quân sự và kinh tế. Cụ từng giữ chức vụ Thượng thư, Tổng đốc, nhưng cũng nhiều lần bị giáng cấp. Năm 1841 bị kết tội nhưng sau đó được tha và năm 1843 bị giáng cấp làm lính thú.
Năm 1820, cụ Nguyễn Công Trứ giữ chức Hành tẩu ở Quốc sử quán, sau đó liên tiếp giữ các chức vụ:
-Tri huyện Đường Hào, Hải Dương (năm 1823).
-Tư nghiệp Quốc tử Giám (năm 1824).
-Phủ thừa phủ Thừa Thiên (năm 1825).
-Tham tán quân vụ, rồi thăng Thị lang Bộ hình (năm 1826).
-Năm 1828, được thăng Hữu tham tri Bộ hình, sung chức Dinh điền sứ, chuyên coi việc khai khẩn đất hoang.
-Năm 1832, được bổ chức vụ Bố Chánh sứ Hải Dương, thăng Tham tri Bộ binh và giữ chức Tổng đốc tỉnh Hải An.
-Sau nhiều thăng giáng, năm 1845, Cụ làm Chủ sự Bộ hình, năm sau nắm Quyền Án sát tỉnh Quảng Ngãi.
-Năm 1847, thăng làm Phủ doãn phủ Thừa Thiên.
Do chính sách hà khắc của nhà Nguyễn dưới triều Gia Long và Minh Mạng, nên nhiều cuộc khởi nghĩa của nông dân đã xảy ra liên tiếp. Cụ tuy là quan văn nhưng phải cầm quân ra trận và thắng nhiều trận oanh liệt:
-Năm 1827 dẹp tan cuộc khởi nghĩa của Phan Bá Vành.
-Năm 1833 dẹp loạn Nồng Văn Vân.
-Năm 1835 dẹp giặc Khách.
Năm Tự Đức thứ nhất (1847), Cụ nghỉ hưu với chức vụ Phủ doãn tỉnh Thừa Thiên.
Nguyễn Công Trứ mất ngày 14/11/1858, hưởng thọ 81 tuổi.
Ngoài biệt tài quân sự, Cụ còn có sáng kiến chiêu mộ dân nghèo, đắp đê lấn biển, lập ấp, khai sinh các huyện Kim Sơn (thuộc tỉnh Ninh Bình), Tiền Hải (thuộc tỉnh Thái Bình) vào những năm cuối thập niên 1820, đề xuất lập trường học, xã thương ở nông thôn nhằm nâng cao dân trí và tiêu thụ hàng hóa. Những hoạt động của Cụ trong lĩnh vực kinh tế được dân chúng các vùng ghi nhớ.
Hiện nay còn rất nhiều từ đường thờ Cụ ở 2 huyện Kim Sơn, Tiền Hải và quê hương Cụ. Nhiều đình chùa tại các địa phương này cũng thờ và tôn Cụ làm thần hoàng.
Cụ Nguyễn Công Trứ là một vị quan rất thanh liêm, chính trực. sống đạm bạc. Đại Nam Thực Lục Chính Biên ghi lại câu chuyện cụ Nguyễn Công Trứ không chịu nhận tiền hối lộ của Phạm Nguyên Trung, Ngô Huy Phác, bắt giải cả hai người cùng tang vật sang Nam Định để xét xử về tội hối lộ. Thời gian làm Dinh điền sứ, Cụ nhận tiền gạo của triều đình cấp cho dân nghèo làm vốn, số tiền dư lại, Cụ đem nộp lại cho công khố. Cuối đời, cụ Nguyễn Công Trứ còn làm một việc rất cảm động, khi nghe tin Pháp đánh Đà Nẵng, Cụ đã 80 tuổi, nhưng vẫn xin vua cho đi đánh Pháp.
Là người học rộng, sống thanh bần, thích tự do, phóng túng và bằng thái độ ngạo nghễ với đời, cụ Nguyễn Công Trứ có cái nhìn quán thông kim cổ để nhận xét thời thế, hiểu rõ quốc sự, dân tình. Cụ là một vị quan văn võ song toàn, đã đóng góp nhiều công lao cho đất nước và là nhân tài kiệt xuất của Việt Nam thời kỳ cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19.
Dưới chế độ Cộng sản, Việt Nam từ một nước có nền văn hiến lâu đời trở thành một nước suy đồi về đạo đức, băng hoại về văn hóa, lạc hậu về kinh tế, nạn tham nhũng tràn lan và cướp bóc khắp mọi nơi. Muốn tìm trong tập đoàn lãnh đạo một người thanh liêm và khí khái giống như cụ Nguyễn Công Trứ thì chỉ là chuyện "mò kim đáy biển". Vì thế, cơn quốc nạn của dân tộc sẽ trở nên trầm trọng hơn, trước sự xâm lấn ngày càng hung hãn của Tàu Cộng trên biển Đông./.

No comments:

Post a Comment