Sunday, February 9, 2014

Trả Lời Thư Tín 09.02.2014

Chủ Nhật, ngày 09.02.2014    
TN: Kính thưa quý vị thính giả của đài Đáp Lời Sông Núi, sau đây là tiết mục Trả Lời Thư Tín do Thùy Ngân thực hiện. Ông Tây Sơn, quản nhiệm đài Đáp Lời Sông Núi sẽ hầu chuyện với quý thính giả đã gửi thư hay gọi vào đài trong thời gian qua.
Ông Phan đình Thể, Phú Nhuận, Sài Gòn: Thưa quý đài, Theo những tin tức loan truyền trên mạng, Tầu sẽ tuyên bố vùng phòng không trên biển Đông. Khả năng có thể xảy ra, Trường Sa và Hoàng Sa của VN sẽ nằm trong vùng phòng không của Tầu. Tầu đã chiếm biển bằng tuyên bố vùng đánh cá. Tầu sẽ tuyên bố vùng phòng không. Thưa quý đài VN còn gì sau khi Tầu cướp biển và cướp trời VN ?
TS: Thưa ông Phan đình Thể, vùng nhận dạng phòng không gọi tắt là ADIZ. Hiện nay Trung Cộng đã áp dụng trong sách lược chiếm đảo Điếu Ngư của Nhật Bản. Những thông tin quốc tế cho biết Trung Cộng sẽ lập "vùng nhận dạng phòng không" ở biển đông bao gồm Hoàng Sa và Trường Sa của VN. Vùng nhận dạng phòng không tiếng Anh là Air Defense Identification Zone, viết tắt là ADIZ, là vùng bầu trời do một quốc gia tự ấn định và đòi hỏi mọi máy bay dân sự xâm nhập vùng này phải nhận dạng, minh định vị trí, và chịu sự kiểm soát của quốc gia đó. Vùng nhận dạng phòng không khác với không phận, nhưng được coi như khu vực song hành với an ninh quốc phòng. Thưa ông Thể, Trung Cộng đang thực hiện đường lối một kẻ cướp có sức mạnh về quân sự, về kinh tế và về dân số. Việc chiếm trọn Hoàng sa và Trường Sa là chủ trương xâm lược của Trung Quốc. Vấn đề chỉ là thời gian. Trong khi đó CSVN vẫn tự ru ngủ với 4 tốt 16 chữ vàng, và thẳng tay đàn áp nhân dân khi nêu vấn đề Trung Cộng xâm lấn biển đảo VN. Như nhận định của ông, sau khi Trung Cộng công bố vùng đánh cá và vùng nhận dạng phòng không tại biển Đông, lãnh hải của VN trở thành một bể bơi dành cho các khách sạn sang trọng của Trung Cộng chạy dài trên hai ngàn cây số bờ biển VN.
TN: Ông Phan Kỳ, Hội An: Thưa đài ĐLSN, ông cựu tổng lãnh sự VN tại Genève Đặng Xương Hùng đã xin tị nạn chính trị tại Thụy Sĩ. Sự kiện này nói lên điều gì. Mong được quý đài soi rõ.
TS: Thưa ông Phan Kỳ, việc ông Đặng Xương Hùng xin tị nạn chính trị mang nhiều ý nghĩa. Trước hết điều này cho thấy một người dù được chế độ ưu đãi vẫn không thể sống với chế độ. Ngoài ra đây là một đảng viên cao cấp bỏ đảng trong phong trào rủ nhau bỏ đảng do Ông Lê Hiếu Đằng khởi xướng công khai, và sau hết, khi một viên chức ngoại giao cao cấp được coi là tai mắt của chế độ ngoài đất nước, nhận biết chế độ không thể đi ngược với trào lưu tiến bộ của thế giới và không thể tồn tại nên họ lần lượt tìm cách rời bộ máy cai trị. Đây là một dấu hiệu tích cực báo trước ngày tàn của CSVN. Chúng ta hy vọng ông Đặng Xương Hùng góp phần kinh nghiệm và kiến thức của ông vào công cuộc đấu tranh cho dân chủ ngân quyền tại VN như ông ta đã làm trong lần kiểm điểm định kỳ về Nhân Quyền VN tại Genève.
TN: Bà Hoàng Mỹ Hà, Đà Lạt: Thưa quý đài, mấy hôm nay tôi theo dõi Việt Nam trước diễn đàn nhân quyền LHQ. Tôi thấy nhiều nước phê bình và khuyến cáo VN về nhân quyền. Việc này có giúp gì cho tình trạng nhân quyền VN hay không?
TS: Thưa bà Mỹ Hà, như bà biết, VN đã bị phê bình gay gắt trong phiên họp kiểm điểm định kỳ tại Genève ngày 5 tháng 2. Nhà báo Phạm Trần cho biết như sau: Vào năm 2009, trong Chu kỳ I của "cơ chế kiểm định kỳ phổ quát" (The Universal Periodic Review) năm 2009 chỉ có 123 yêu cầu của 60 nước tham dự. Việt Nam chỉ chấp nhận thi hành 96 đề nghị. Thế nhưng tại phiên họp ngày 5 tháng 2, 2014, có tới 106 Quốc gia tham gia phát biểu, chất vấn phái đoàn Việt Nam do thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc dẫn đầu. Sau đó, Nhóm Công tác của Liên Hiệp Quốc đã chấp thuận tới 227 yêu cầu của các nước thành viên gửi cho Việt Nam. Theo Văn phòng báo chí của Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam phải phúc đáp những khuyến nghị này, chậm nhất vào kỳ họp thứ 26 của Hội đồng trong tháng 6 năm 2014.
227 yêu cầu bao gồn 5 lãnh vực:
1. Tôn trọng quyền tự do tư tưởng, tự do báo chí trên Internet và bên ngoài, tự do hội họp .
2. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, đặc biệt của các sắc dân thiểu số.
3. Hủy bỏ án tử hình hoặc xét lại hình phạt quá nặng này đối với các tội phạm kinh tế và các tội không nghiêm trọng khác.
4. Hủy bỏ hoặc tu chính các Điều 79, 88 and 258 mơ hồ và bị lạm dụng nhằm hạn chế tự do của Bộ Luật hình sự như yêu cầu của Gia Nã Đại, Pháp, Hòa Lan.
5. Những luật lệ mơ hồ để buộc tội người dân như nghị định 72 và ND 174 hạn chế hoạt động truyền thông xã hội và tổ chức phi chính phủ.
Riêng Hoa Kỳ đã công khai yêu cầu Việt Nam sửa những luật mơ hồ về "an ninh" để đàn áp dân và trả tự do "vô điều kiện" cho các tù nhân chính trị như tiến sỹ Luật Cù Huy Hà Vũ, Luật sư Lê Quốc Quân, Nhà báo tự do Điếu Cầy và ông Trần Huỳnh Duy Thức.
Thưa bà Mỹ Hà, CSVN không biết xấu hổ nên nhưng lời phê bình và đề nghị của toàn thế giới có lẽ không giúp gì cho nhân dân VN trong nước, mà ngược lại CSVN còn dùng những phê bình và đề nghị vừa rồi làm vốn cho những vụ mua bán chính trị như họ đã từng mua bán trước đây. Một điều tích cực có thể có được là đã giúp phơi bày bộ mặt thật của CSVN trước thế giới cũng như nói lên chính nghĩa của cuộc đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền của đồng bào trong nước và hải ngoại.
Nhân đây, chúng tôi cũng xin thông báo cùng ông Sơn Lê về việc bổ túc danh sách chiến sĩ VNCH hy sinh trong trận chiến bảo vệ Hoàng Sa. Đài Đáp Lời Sông Núi đã chuyển đến Ủy Ban Nghiên Cứu Trận Hải Chiến Hoàng Sa, tên của cố trung sĩ Phạm Ngọc Đa, mà ông báo tin cho biết cũng là một tử sĩ trong trận hải chiến Hoàng Sa để họ cứu xét và điều chỉnh lại danh sách.
TN: Mục trả lời thư tín tuần này xin tạm ngưng nơi đây, Cám ơn quý thính giả đã gửi thư hay gọi vào đài trong thời gian qua. Thùy Ngân xin hẹn gặp lại quý thính giả của đài Đáp Lời Sông Núi vào kỳ tới. Xin kính chào tạm biệt.

No comments:

Post a Comment