Wednesday, December 18, 2013

Quốc Hội không phải của dân

Thứ Tư, ngày 18.12.2013    
Chủ nghĩa Mác-Lê Nin đặt căn bản trên sự giả dối và lừa bịp. Khi người CS nói đến dân chủ, thực sự là độc tài đảng trị. Khi họ nói đến Quốc Hội của người dân, thì thực chất là Quốc Hội của đảng và chỉ biết nghe chỉ thị của đảng CSVN, bất chấp lòng dân. Mời quý thính giả nghe phần Bình Luận của Bảo Ngọc với tựa đề: "Quốc Hội không phải của dân" sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
"Quốc hội không phải của dân" - Nghe qua thì thật vô lý vì bất cứ một quốc hội của các nước tự do, dân chủ nào trên khắp thế giới cũng là của người dân, do người dân bầu ra và phục vụ lợi ích của quốc dân. Tuy nhiên điều này ở Việt Nam lại hoàn toàn không vô lý một chút nào cả. Sở dĩ có thể nói như vậy vì tại Việt Nam thì quốc hội là do đảng cử, đảng sắp xếp và cũng vì lợi ích của đảng mà thôi!
Nếu xét vào việc đảng cử, đảng sắp xếp thì hẳn có lẽ người dân Việt Nam quá hiểu rõ.
Cứ nhìn vào những vị đại biểu quốc hội đang ngồi chễm chệ trong phòng máy lạnh và complet, cà vạt chỉnh tề tiêu tốn hơn 1 tỷ đồng mồ hôi xương máu của người dân thì chúng ta sẽ hiểu. Trong số 500 vị đại biểu quốc hội hiện nay thì có 95% là đảng viên của đảng độc tài cộng sản Việt Nam, số còn lại quá ót ỏi thì lại là tư bản đỏ hoặc những ông bà nghị không mang danh đảng viên nhưng lại yêu quyền lợi đảng ban cho không kém đảng viên. Do đó, có thể khẳng định toàn thể quốc hội Việt Nam hiện nay là những ông bà nghị viên của đảng cộng sản. Cũng vì là quốc hội của đảng cộng sản nên họ không cần dân bầu. Thậm chí trong các cuộc bầu quốc hội tại Việt Nam thì người dân không biết mặt của các ông bà nghị cho đến ngày bầu và vài "thành tích" do đảng vẽ ra trên các tờ báo, các thông báo một chiều nặng tính ca tụng. Vì vậy trên thực tế người dân đâu có biết ai thật sự là người tài đức để bầu, người dân nhiều năm qua đã hiểu: Cứ ghi tên bừa cho xong, ai trúng, ai trượt thì đảng đã sắp xếp cả rồi.
Vì quốc hội của đảng, do đảng dựng lên, cho nên quốc hội không vì dân mà chỉ vì lợi ích của đảng cũng là một điều không quá khó hiểu. Mới đây, trong cuộc bỏ phiếu về hiến pháp ngày 28/11/2013 thì sự thật ấy lại một lần nữa được vạch ra. Với tỷ lệ tán thành gần như tuyệt đối, quốc hội Việt Nam với đa số đảng viên cộng sản đã bỏ phiếu "tán thành" việc thông qua bản hiến pháp sửa đổi. Kết quả này cũng đã chính thức hạ màn vở kịch sửa đổi hiến pháp thông qua các vai diễn tại quốc hội. Con số cao ngất ngưởng lên đến 486/488 tức 99,6% đại biểu bỏ phiếu tán thành và 2 người còn lại chỉ để "không biểu quyết" là một kỷ lục chỉ có ở những chế độ độc tài.
Trước khi bắt đầu bỏ phiếu, để làm cho vở kịch thêm hồi gay cấn, chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trơ trẽn nói trước quốc hội rằng đây là bản hiến pháp "thể hiện được ý Đảng, lòng dân" trong khi người dân chưa bao giờ đồng ý với những điều vô lý của Hiến pháp mà cụ thể là điều 4 độc tài của đảng. Thậm chí, Nguyễn Sinh Hùng sau đó còn tiếp tục lộng ngôn: "Tuyệt đại bộ phận nhân dân và Quốc hội có thể khẳng định rằng đã đồng tình cao với dự thảo thông qua lần này"...
Kết thúc vở kịch bỏ phiếu, toàn thể đại biểu quốc hội đồng loạt đứng lên vỗ tay chào mừng "giờ phút lịch sử" như lời chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Có thể nói theo cách thực tế nhất thì ngày 28/11/2013 sẽ đi vào lịch sử như là một trong những ngày đáng xấu hổ nhất của cái gọi là quốc hội Việt Nam mà nếu gọi đúng tên phải gọi là: Quốc hội đảng cộng sản Việt Nam.
Như vậy là bản hiến pháp sửa đổi sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 1/1/2014 tới. Nội dung không có gì thay đổi đáng kể, điều 4 vẫn giữ nguyên về sự cầm quyền độc tôn của đảng cộng sản, quyền tư hữu đất đai của người dân tiếp tục bị tước đoạt. Điểm khác biệt duy nhất là bản hiến pháp mới quy định sự di chuyển quyền lực trong nội bộ của đảng cộng sản đó là chủ tịch nước sẽ là người nắm các lực lượng vũ trang như công an và quân đội, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh.
Ngay sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc khu vực châu Á thuộc tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã có lời bình luận về việc Quốc hội Việt Nam thông qua hiến pháp sửa đổi: "Thay vì lắng nghe tiếng nói của hàng nghìn công dân Việt Nam – những người đã đóng góp ý kiến để làm thế nào Hiến pháp có thể bảo vệ tốt hơn các quyền con người và nâng cao chất lượng quản trị – thì Quốc hội lại đã đồng loạt bỏ phiếu theo nguyện vọng của nhà nước và Đảng Cộng sản Việt Nam. Một cơ hội khổng lồ đã bị bỏ lỡ, đó là cơ hội cải cách, đưa đường lối quản trị của đất nước đến gần hơn với các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế mà Việt Nam miệng thì nói là tôn trọng nhưng trên thực tế thì thường xuyên vi phạm. Hành động đầu tiên để Việt Nam ra mắt Hội đồng Nhân quyền LHQ mà như thế này, thật vô cùng đáng thất vọng...".
Cũng giống như rất nhiều lần khác, quốc hội Việt Nam lại một lần nữa thể hiện việc nó không phải của người dân và vì người dân. Nó cũng giống như việc bao năm nay những việc cho dân thì quốc hội không lên tiếng hoặc đã lên tiếng thì cũng chưa bao giờ thực hiện, có thể ví dụ như dự án Boxit Tây Nguyên, dự án đường sắt cao tốc vv... Nói tóm lại quốc hội cộng sản Việt Nam cũng vẫn chỉ là những ông bà nghị gật của đảng rất đúng nghĩa. Trong khi đó thì người dân vẫn tiếp tục phải sống trong sự vô tâm của những người mang danh của dân, vì dân mà lại bảo vệ đảng độc tài đang bán nước hại dân. Rõ ràng ở Việt Nam đang tồn tại một nghịch lý đau buồn: "Quốc hội không phải của người dân!".
Bảo Ngọc
18/12/2013

No comments:

Post a Comment