Sunday, December 29, 2013

Danh tướng Yết Kiêu

Thứ Bảy, ngày 28.12.2013
Nhà Trần, một vương triều có nhiều chiến công hiển hách, một triều đại xuất hiện nhiều tướng lãnh văn võ song toàn ở nhiều tầng lớp. Trong số đó có một vị tướng xuất thân dân dã, với biệt tài về thủy chiến đã đục và đánh chìm nhiều chiến thuyền, gây kinh hoàng cho quân Nguyên Mông xâm lược vào thế kỷ 13. Chiến công và tên tuổi của Ngài đã được ghi vào sử Việt. Trong tiết mục "Danh nhân nước Việt" tối hôm nay, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài "Danh tướng Yết Kiêu" của Việt Thái qua giọng đọc của Tam Thanh.
Yết Kiêu tên Phạm Hữu Thế, sinh năm 1242 tại làng Hạ Bì, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương, là con của ông Phạm Hữu Hiệu và bà Vũ Thị Duyên. Cha mất sớm nên từ nhỏ, ông đã phải trôi nổi, lặn hụp trên sông nước để kiếm sống và nuôi mẹ nên có biệt tài về bơi lội.
Giải thích tài bơi lội của Phạm Hữu Thế để đề cao bản lĩnh phi thường mà thần linh ban cho, người xưa kể rằng:
"Năm 15 tuổi, vào một buổi sáng sương trắng mù mịt nổi khắp mặt sông, khi Phạm Hữu Thế ra sông gánh nước, thấy hai con trâu trắng húc nhau, ông liền dùng đòn gánh xông vào can ngăn. Khi hai con trâu biến mất, ông nhìn thấy hai chiếc lông còn dính vào đòn gánh,và khi ông đặt đòn gánh xuống nước thì nước rẽ ra làm đôi. Cho là lông của trâu thần, ông liền nuốt vào bụng và từ đó, Phạm Hữu Thế có thân thể cường tráng, lặn lội tài giỏi. Do đó, bức hoành phi trong đền Quát mới đề bốn chữ Thiên cổ Dị nhân".
Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ hai và thứ ba, Phạm Hữu Thế với biệt tài về bơi lội nên đã lập nhiều công lớn, được vua ban danh hiệu Đệ nhất Đô soái Thủy
quân. Ông được vua quan và dân chúng nhà Trần gọi là Yết Kiêu, lấy tên một loài cá lớn ngày xưa.
Nhiệm vụ của Yết Kiêu là đục thuyền của giặc Nguyên vào ban đêm. Khi màn đêm buông xuống, Yết Kiêu tìm cách vượt qua hàng lính gác và lặn xuống nước đục chiến thuyền. Mỗi thuyền ông đục khoảng 20 lỗ, đục được lỗ nào lại phải dùng nùi giẻ nhét trở lại. Những nùi giẻ ấy đều được buộc lại với nhau bằng một sợi dây. Đến gần sáng, khi đục đủ số thuyền đã định, Yết Kiêu liền kéo dây khiến những nùi giẻ bung ra khỏi các lỗ bên dưới các chiếc thuyền, khiến hàng chục chiến thuyền bị chìm đắm mỗi ngày, gây kinh hoàng cho thủy quân Nguyên Mông.
Sau kháng chiến chống quân Nguyên Mông thắng lợi, Bảng nhãn Lê Đỗ được triều Trần cử đi sứ triều Nguyên, mong nối lại hoà khí và duy trì hòa bình cho nước Đại Việt. Yết Kiêu được cử làm trưởng quân hộ vệ cho Lê Đỗ.
Trong lần đi sứ này, vua Nguyên mến mộ tài năng của Yết Kiêu tỏ ý muốn gả công chúa xinh đẹp cho ông. Ông từ chối khéo bằng cách trả lời chờ ông trở về tâu xin với vua Đại Việt, nếu vua Đại Việt đồng ý thì sẽ sang làm lễ cưới.
Khi đoàn sứ giả trở về nước báo tin, các quan triều Trần lo sẽ mất một viên tướng tài giỏi nên không đồng ý. Công chúa nhà Nguyên đợi mãi không thấy Yết Kiêu sang, liền xin vua cha cho sang đất Đại Việt để kết hôn với Yết Kiêu. Biết tin này, vua quan nhà Trần muốn ngăn cản cuộc hôn nhân, liền loan tin giả là Yết Kiêu đã qua đời.
Công chúa nhà Nguyên nghe được hung tin khi đến vùng biển Quảng Đông giáp biên giới Đại Việt. Tiếc thương cho Yết Kiêu, nàng thuê người tạc tượng mình rồi thả xuôi sang nước Việt, đồng thời lập đàn cầu siêu cho Yết Kiêu trên bờ biển tỉnh Quảng Đông, sau đó gieo mình xuống biển tự tử để tỏ lòng chung thủy.
Yết Kiêu mất ngày 28 tháng chạp năm Ất Sửu (1303), hưởng thọ 61 tuổi. Khi ông mất, vua Trần cho lập đền thờ ở bờ sông Hạ Bì là quê nhà của Yết Kiêu và đặt tên là đền Quát. Khu đền đã trải qua hơn 700 năm, và được trùng tu nhiều lần vào triều nhà Nguyễn sau này.
Lễ hội đền Quát thường diễn ra vào ngày rằm tháng Giêng và rằm tháng Tám. Vào dịp này, người dân địa phương đều trở về vùng sông nước Hạ Bì để lễ tạ Thành hoàng Yết Kiêu, tế lễ để tưởng nhớ đến công đức của danh tướng Yết Kiêu trong cuộc chiến chống giặc Nguyên Mông vào thế kỷ thứ 13.
Được xem như là một ái tướng của đức Hưng đạo Đại vương, với công trạng không thua kém những danh tướng lỗi lạc khác của triều Trần, tên tuổi Yết Kiêu không chỉ đi vào lịch sử nước Việt mà còn cả lịch sử Trung Hoa, đặc biệt là qua tấm chân tình của nàng công chúa Mông Cổ.
Điều đáng lưu ý là Ngài được hậu thế biết đến nhiều qua danh hiệu Yết Kiêu, thay vì cái tên thật là Phạm Hữu Thế. Nhưng dù biết đến bằng cái tên nào đi nữa thì người dân Việt vẫn mãi mãi hãnh diện vì đã có một danh tướng về thủy quân, xứng đáng được binh chủng Hải quân Việt Nam Cộng Hòa đặt tên cho một số căn cứ hải quân quan trọng trước năm 1975!
Việt Thái

No comments:

Post a Comment