Friday, December 20, 2013

Ngoại Trưởng John Kerry đến Việt Nam và con đường thoát hiểm của dân tộc

Thứ Sáu 20.12.2013   
Ngày 23 tháng 11 vừa qua, Trung Cộng tuyên bố chủ quyền không gian trong những vùng biển đang tranh chấp, tạo thêm căng thẳng trong khu vực. Các quốc gia trong vùng hướng mắt về phía Hoa Kỳ để tim một đáp số. Sự kiện ngoại trưởng John Kerry đến VN có tác động gì đến tương lai của quốc gia này. Kính mời quí thính giả nghe quan điểm của LLDTCNTQ về diễn biến thời sự này qua giọng đọc của Hải Nguyên.
Kính thưa quí thính giả,
Trung Cộng nhờ vào sự chuyển giao, cũng như tài đánh cắp các kỹ thuật của phương tây mà làm ăn khấm khá hơn, từ đó họ đã diệu võ dương oai, công khai bắt nạt các nước nhỏ trong khu vực, liên tục tạo ra những căng thẳng trong vùng. Từ việc thao túng Hiệp Hội các quốc gia Đông Nam Á, đến việc gây hấn với những quốc gia có mối liên hệ với Hoa Kỳ . Động thái mới nhất là xác định chủ quyền không gian trên những vùng biển đang tranh chấp với Nhật Bản, Đài Loan và Nam Hàn.
Trung Cộng thiết lập vùng không gian nhằm đe dọa các quốc gia lân bang đang có tranh chấp chỉ là mục tiêu phụ, mục đích chính là thăm dò phản ứng của Hoa Kỳ về mức độ cam kết của nước này với các quốc gia đồng minh tại Á Châu như Nhật Bản, Đài Loan, Nam Hàn và Philippines. Dĩ nhiên khi thiết lập chủ quyền không gian trong một vùng rất bận rộn với nhiều tuyến đường hàng không Bắc Nam, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều quốc gia trên thế giới.
Phản ứng trước sự khiêu khích của Trung Cộng, Hoa Kỳ đã gửi 2 máy bay B52 xâm nhập vùng không gian mà Trung Cộng vừa xác lập chủ quyền. Theo sau tín hiệu cứng rắn của HK, Nhật Bản và Nam Hàn cũng tỏ thái độ cương quyết phủ nhận tham vọng của TC. Nhưng đó là những màn trình diễn trên bề mặt của một ván cờ rất phức tạp giữa hai đối thủ Mỹ Trung Cộng. Về phía HK, ngay sau phản ứng có tính biểu tượng ấy, thì Phó TT Hoa Kỳ Joe Biden đã bay sang Trung Cộng để thảo luận, sau đó đến Nhật Bản và Nam Hàn nhằm trấn an các đồng minh trong vùng.
Những diễn biến trên đây chỉ là những gợn sóng trên mặt hồ, trong khi những luân lưu ngầm rất lớn, rất mạnh vẫn qua lại như thoi đưa bởi sự ràng buộc quyền lợi kinh tế giữa Trung Cộng với HK cũng như Nhật Bản, Nam Hàn và Đài Loan, vì quốc gia nào cũng có nhiều dự án đầu tư tại Trung Cộng.
Xuống vùng Đông Nam Á, các quốc gia tại đây phập phồng e ngại rằng Trung Cộng sẽ tuyên bố chủ quyền không gian trên Biển Đông, nơi họ đã đánh chiếm các hải đảo và đòi chủ quyền trên 80% diện tích vùng biển này. Nhất là TT Hoa Kỳ Barack Obama đã vắng mặt trong hai cuốc họp quan trọng vừa qua, để sân khấu cho Trung Cộng thao túng, khiến nhiều quốc gia nghi ngờ quyết tâm chuyển trục của Hoa Kỳ sang Châu Á.
Nhằm tái khẳng định những điều Hoa Kỳ đã tuyên bố trước đây để trấn an các nước trong vùng Đông Nam Á, đặc biệt Philippines và Việt Nam, ngày 14 tháng 12 vừa qua, ngoại trưởng John Kerry đã đến Việt Nam dọn đường cho chuyến viếng thăm của TT Obama trong năm 2014.
Ông John Kerry đã đến VN nhiều lần, nhưng lần này ông đến với tư cách là ngoại trưởng Hoa Kỳ, trở lại vùng sông nước Cà Mau, nơi ông đã công tác tại đây hơn 40 năm về trước để đưa một thông điệp là gia tăng trợ giúp VN đối phó với những khó khăn do việc thay đổi khí hậu, và tình trạng khai thác bừa bãi dòng sông Cửu Long, mà VN là quốc gia phải gánh chịu nhiều thiệt hại nhất. Không cần nói ai cũng biết rẳng kẻ gây ra thiệt hại cho dòng sông chính là Trung Cộng, họ đã xây dựng nhiều đập ở thượng nguồn, làm thay đổi lưu lượng tự nhiên của dòng sông.
Đồng thời ông cũng hứa giúp VN thêm phương tiện để bảo vệ vùng lãnh hải và lưu thông hàng hải trong khu vực. Ông cũng lên tiếng cảnh báo Trung Cộng về ý đồ thiết lập chủ quyền không gian trên Biển Đông. Lời cảnh báo này mang ý nghĩa tích cực đối với các nước đang có tranh chấp biển đảo với Trung Cộng, đặc biệt là Việt Nam và Philippines.
Ông John Kerry cũng kêu gọi VN tôn trọng nhân quyền, cải tổ chính trị, tôn trọng quyền tự do tôn giáo và các quyền bày tỏ trên internet, và cải tổ kinh tế theo thị trường tự do.
Đứng trên cương vị một cường quốc, ông John Kerry đại diện cho chính phủ và nhân dân HK đã tái khẳng định lập trường của nước ông trong vùng Châu Á Thái Bình Dương, nhưng điều ấy không có nghĩa là các quốc gia trong vùng, đặc biệt Việt Nam cứ ngồi chờ mà không làm gì khác.
Việt Nam là quốc gia có vị trí chiến lược quan trọng, nên HK cần đến VN, nhưng bất hạnh là hiện nay chính quyền đang trong tay đảng CS, mà CSVN lại là tay sai của Trung Cộng, dựa vào TC để độc quyền cai trị đất nước. Hiện nay VN hoàn toản lệ thuộc vào Bắc Kinh từ chính trị, ngoại giao, đến kinh tế. Vì vậy dù Hoa Kỳ có muốn giúp VN hội nhập vào thế giới tự do để phát triển, thì HK cũng khó làm gì hơn được. Hồi tháng 7 năm 2013 Trương Tấn Sang đã đến Hoa Thịnh Đốn để cam kết trở thành đối tác toàn diện với HK, nhưng đó chỉ là những lời hứa suông mong được chấp nhận tham gia mậu dịch Xuyên Thái Bình Dương. Từ đó đến nay không có động thái tích cực nào chứng tỏ Hà Nội quyết tâm thay đổi vì ích lợi lâu dài của dân tộc, ngược lại tất cả chỉ nhằm bảo vệ cho quyền lợi của đảng CS và nhóm lợi ích mà thôi.
Nếu Hà Nội thật sự còn nghĩ đến tương lai của đất nước, nghĩ đến hạnh phúc của dân tộc, muốn có độc lập thật sự, và muốn thoát khỏi áp lực của Trung Cộng, thì:
1. Hợp tác với các quốc gia có chung nguy cơ bị TC đe dọa.
2. Chủ động Kiện Trung Cộng ra tòa án quốc tế về hành vi dùng vũ lực chiếm đóng Hoàng Sa và Trường Sa, tự ý tuyên bố chủ quyền 80% diện tích Biển Đông, và lên tiếng cảnh báo về âm mưu thiết lập chủ quyển không gian trên Biển Đông.
3. Công khai lên tiếng ủng hộ Philippines kiện Trung Cộng tại tòa án quốc tế.
4. Tích cực đáp ứng kế hoạch mới của thủ tướng Nhật Shinzo Abe thắt chặt quan hệ với các nước trong Hiệp Hội các Quốc Gia Đông Nam Á, và những quốc gia đồng minh của Hoa Kỳ.
5. Đáp ứng những nguyện vọng chính đáng của người dân trong nước như lời khuyến cáo của Ngoại Trưởng HK John Kerry.
Những điều trên đây chắc chắn trái với ý muốn của đảng CSVN, nhưng đó là con đưởng thoát hiểm trong thế trận mới trên bàn cờ chính trị quốc tế hiện nay. Và chỉ còn một con đường là chính người dân phải tự quyết định lấy vận mạng tương lai của đất nước mình mà thôi.
Cám ơn quí thính giả đã nghe quan điểm của chúng tôi.

No comments:

Post a Comment