Sunday, December 22, 2013

Nói Với Người Cộng Sản

Chủ Nhật 22.12.2013    
Sau đây, mời quý thính giả theo dõi chuyên mục "Nói với người cộng sản". Đây là diễn dàn để trình bày với các đảng viên đảng CSVN, đặc biệt những người đang phục vụ trong guồng máy công an và bộ đội của chế độ hiện hành. "Nói với người cộng sản" do Tiến Văn biên soạn, qua sự trình bày của Dian
Kính chào quí thính giả, quí vị đảng viên cộng sản lâu năm và các bạn công an, bộ đội,
Năm đã coi như hết và Tết thì lại sắp đến rồi! Thời gian trong dịp cuối năm cận Tết luôn đi nhanh hơn bình thường, khiến lòng mỗi người chúng ta luôn có những cảm xúc đặc biệt, bồi hồi, xao xuyến thật khó tả. Dịp cuối năm nay chúng ta còn chứng kiến một hiện tượng khá lạ nữa, đó là: Trong chưa đầy một tháng vừa qua chúng ta đã nghe thấy có bốn người, đúng ra là bốn quan chức nhà nước Việt Nam, bị khép vào hình phạt xử tử vì tham nhũng – ăn cắp tiền dân. Còn vụ án "Bầu Kiên", cũng liên đới tới tiền dân, cùng với sự góp mặt của một cựu quan chức lớn là ông cựu Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Trần Xuân Giá, cũng đã được loan báo sắp được đưa ra tòa.
Theo lẽ thường và công lý thì những người phạm tội, làm ăn bất chính bị xử tội kể cả tội chết là điều cần để lập lại công bằng cho xã hội, để bảo tồn sự uy nghiêm của luật pháp và đồng thời nhằm răn đe, kìm chế những tội ác khác. Đối với một nước có tình trạng tham nhũng, ăn cắp tiền dân thuộc loại trầm trọng hàng đầu như Việt Nam thì việc xử phạt nghiêm các quan chức tham nhũng lại càng cần thiết hơn nữa.
Nhưng, thưa quí vị đảng viên lâu năm và các bạn công an, bộ đội, việc xử phạt nặng hay xử tội chết đối với người tham nhũng không phải là biện pháp tốt nhất và cũng không phải là biện pháp hàng đầu trong việc chống tham nhũng.
Như chúng ta đã từng bàn đến hiện tượng tham nhũng trong những chuyên mục trước, tham nhũng chỉ là hậu quả của việc các viên chức nhà nước đã lạm dụng chức trách, thẩm quyền của họ cho mục đích riêng của bản thân họ. Nghĩa là khi quyền lực công, khi những người thực hiện công vụ, những người nắm các cương vị quản lý, lãnh đạo công vụ không được đặt dưới sự kiểm soát một cách đúng đắn và đầy đủ thì tham nhũng tất yếu phải xảy ra.
Vì tất cả mọi con người ở Đông cũng như Tây, trừ những bậc siêu nhân hay thánh nhân, đều có cùng một thiên hướng có tính bản chất là phải lo trước tiên, và nhiều nhất cho quyền lợi riêng của bản thân mình đã.
Do đó, nếu việc kiểm soát những người có khả năng nhũng lạm tiền công, nếu việc soi xét những kẻ được giữ tiền dân không được thiết lập, không được cải thiện thì mọi biện pháp khác, kể cả việc bắn hay giết, đều không thể chống được tham nhũng. Có thể nói, nếu không thay đổi hệ thống chính trị, nếu vẫn không chịu để người dân có những công cụ kiểm soát viên chức nhà nước, thì bắn kẻ tham nhũng này sẽ lại có kẻ khác thế chỗ ngay để tham nhũng với mức độ tham nhũng sẽ tinh vi hơn, táo bạo hơn.
Chúng ta chỉ cần ngó sang bên Trung Cộng sẽ thấy rõ hơn. Trong hơn 20 năm qua, Trung Cộng là một trong những nước độc tài cộng sản đã xử tử nhiều quan chức tham nhũng nhất nhưng tình trạng tham nhũng vẫn hoành hành dữ dội, các vụ tham nhũng được khui ra luôn có qui mô và tính chất nghiêm trọng lớn hơn các vụ trước đó.
Nhưng tại sao chính quyền Trung Cộng và nay đến lượt chính quyền Việt Nam, vẫn tiếp tục xu hướng gia tăng tử hình tham nhũng?
Thưa quí vị, quí bạn, câu hỏi vừa đặt ra đã tự mang trong nó một phần của trả lời. Đó là sự cố tình của chính quyền tham nhũng muốn xoa dịu bức xúc, phẫn nộ của dân chúng và làm cho dân chúng tin tưởng, kỳ vọng rằng chính quyền sẽ chống tham nhũng thực sự. Những lắng dịu và kỳ vọng đó rất có lợi để chính quyền độc tài có thể rảnh rang hơn trong việc đối phó với các vấn nạn khác và cả hệ thống công quyền, đặc biệt những kẻ chóp bu, vẫn được tiếp tục nhũng lạm, ăn cắp tiền dân một cách vô tội vạ. Những kẻ bị tử hình, bị bắt vì tham nhũng ở Trung Cộng và Việt Nam chưa bao giờ thuộc nhóm bộ chính trị hay bộ tứ trụ của đảng cộng sản.
Ngoài ra, việc tử hình còn là cách dùng để bịt đầu mối, xóa chứng cớ liên quan tới nhóm lãnh đạo chóp bu hoặc đó là cách dằn mặt, triệt hạ tay chân của nhau trong các xung đột, tranh giành quyền lực, quyền lợi giữa các lãnh đạo chóp bu của hệ thống độc tài.
Nhìn lại sơ qua những việc cơ bản mà chính quyền cộng sản Việt Nam đã thực hiện trong việc chống tham nhũng suốt từ thời chấp nhận kinh tế tư bản đến nay chúng ta đều thấy thực chất chính quyền này không muốn chống tham nhũng thực sự. Họ chỉ muốn tạo ra những kỳ vọng, trông đợi, lạc quan hão huyền cho dân chúng, xoa dịu dân chúng mỗi khi thấy sự bức xúc của người dân có khả năng bùng nổ. Họ luôn tìm cách đánh lạc hướng để dư luận không đòi hỏi những công cụ quan trọng nhất để có thể phòng và chống tham nhũng một cách hữu hiệu.
Những công cụ quan trọng hàng đầu trong việc chống tham nhũng chính là một hệ thống chính trị có cạnh tranh, không để đảng cộng sản được độc tôn điều hành chính quyền và một xã hội có hệ thống báo chí tư nhân. Nhưng, cho đến nay, cả hai điều này đều bị đảng cộng sản Việt Nam ngăn cấm và luôn đe dọa bất cứ ai muốn cổ xúy, thực hiện.
Vì vậy, vở kịch chống tham nhũng của đảng cộng sản Việt Nam trong thời gian tới sẽ còn tiếp diễn và có thể sẽ xuất hiện nhiều màn trò mới lạ, lâm ly, kịch tính, đôi khi khiến cho nhiều người trong chúng ta phải ngỡ ngàng.
Nhưng điều chắc chắn là: những tên lãnh đạo chóp bu trong đảng cộng sản Việt Nam thời gian tới đây vẫn sẽ tiếp tục âm thầm cùng nhau vơ vét tài nguyên đất nước và chia chác những đống tiền thuế của dân một cách thoải mái.
Dian và Tiến Văn kính chào tạm biệt quí vị, quí bạn và xin hẹn gặp lại vào giờ này tuần tới.
Tiến Văn
(22/12/2013)

No comments:

Post a Comment